Tạo môi trường thuận lợi Nhóm nghiên cứu mạnh là tế bào của đơn vị nghiên cứu, từ những nhóm nghiên cứu này có thể hình thành các trường phái khoa học, trung tâm nghiên cứu xuất sắc tạo động lực gia tăng giá trị khoa học công nghệ (KHCN), gia tăng yếu tố cạnh tranh và hội nhập cả trên phương diện quốc gia và quốc tế. Các trường đại học hàng đầu thực hiện đào tạo qua nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo. Các kết quả của các nhóm nghiên cứu góp phần đẩy mạnh công bố quốc tế, đào tào, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, tăng xếp hạng các trường đại học, đồng thời cũng là cơ sở để mở các chương trình đào tạo mới. Chính vì vậy, các nhóm nghiên cứu có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các trường đại học. Phòng thí nghiệm Micro và Nano Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay từ năm 2000, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN đã đề ra mục tiêu quan tâm xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tiến tới xây dựng các nhóm nghiên cứu quốc tế. Từ chủ trương này, ĐHQGHN đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, đầu tư thỏa đáng về nhân lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và điều kiện làm việc, góp phần quan trọng làm nên thành công của những nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN như hiện nay. Đến nay, ĐHQGHN đã có khoảng trên 80 nhóm nghiên cứu mạnh, trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều nhóm nghiên cứu liên ngành, tiên phong giải quyết các vấn đề KHCN mới của thời đại như: công nghệ nano, công nghệ môi trường, hóa dược, vật liệu composite, các lĩnh vực liên quan đến biển đảo, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững,... Từ chỗ năm 2005 chỉ có khoảng 20 phòng thí nghiệm, đến nay ĐHQGHN đã có trên 60 phòng thí nghiệm hiện đại, được đầu tư gắn với sự phát triển và trưởng thành của các nhóm nghiên cứu. Có thể kể đến Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzym - Protein, Phòng thí nghiệm về vật liệu và linh kiện nano, Phòng thí nghiệm hóa dược… Sự đầu tư này đã góp phần giúp các nhóm nghiên cứu phát huy được khả năng công bố quốc tế và phát triển các sản phẩm KHCN hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao, mở rộng hợp tác với các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN trong những năm qua đã phát huy được thế mạnh liên ngành, mau chóng hội nhập và tiếp cận trình độ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời hình thành được những trung tâm nghiên cứu xuất sắc như Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững (CETASD), Trung tâm Khoa học vật liệu... Đây cũng xu thế phát triển tất yếu của các nhóm nghiên cứu mạnh trong tương lai. Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nghiên cứu khoa học bên cạnh việc phục vụ đào tạo chất lượng cao, trình độ cao thì còn phải vị nhân sinh, hướng tới giải quyết những vấn đề thiết thực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, đặc biệt là giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, bệnh dịch, đạo đức lối sống, các nghiên cứu liên ngành liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo… Để làm được điều đó, các trường ĐH, các nhóm nghiên cứu cần xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ… nhằm thu hút nguồn lực cho đầu tư, tìm ra địa chỉ ứng dụng cho sản phẩm khoa học của mình. Đây cũng là cách nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín của các nhà khoa học. Thực hiện Nghị quyết số 20_NQ/TW ngày 31.10.2012 của Hội nghị TƯ 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, ĐHQGHN đã ban hành những cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên giữ lại trường các cử nhân xuất sắc, tiến sỹ trẻ tốt nghiệp nước ngoài về nước. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhóm nghiên cứu tham gia đấu thầu nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, đề tài hợp tác Nghị định thư quốc tế, mở rộng hợp tác nghiên cứu với địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ĐHQGHN sẽ có chính sách cụ thể để xây dựng môi trường khoa học lành mạnh, dân chủ và thuận lợi, tạo động lực cho phát triển học thuật và nghiên cứu. Các nhà khoa học không chỉ được tạo điều kiện đãi ngộ tối đa về vật chất mà còn cả các điều kiện phát triển năng lực sáng tạo cá nhân. Các nhóm nghiên cứu cũng cần chủ động và tiên phong đề xuất những hướng nghiên cứu có giá trị, hiện đại, đồng thời đóng góp cho việc xây dựng chiến lược KHCN của ĐHQGHN cũng như chiến lược phát triển KHCN của đất nước. Vai trò của các nhà khoa học đầu ngành Để tồn tại bền vững, các nhóm nghiên cứu phải khẳng định được thế mạnh của mình dựa vào số dự án trúng thầu, đề tài được phê duyệt, số tiến sỹ đã được đào tạo trong nhóm hay sản phẩm công nghệ, số bài báo quốc tế hoặc bằng sở hữu trí tuệ. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, chỉ từ năm 2008 đến nay, ĐHQGHN công bố trên 1.000 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trên 3.000 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, 1.500 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế và 2.000 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc gia. Cũng từ 2008 đến nay, các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN đã góp phần đào tạo cấp bằng cho 12.334 thạc sỹ và 423 tiến sỹ. Nhiều năm nay, trên 50% nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên - Công nghệ của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án đều có bài đăng trên các tạp chí quốc tế ISI và tất cả các nghiên cứu sinh đó đều được trưởng thành từ các nhóm nghiên cứu. Chính những chỉ số này đã góp phần nâng xếp hạng của ĐHQGHN trong bảng xếp hạng các trường đại học trong khu vực. Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, sự thành bại của nhóm nghiên cứu phụ thuộc trước hết vào trưởng nhóm - cánh chim đầu đàn - thủ lĩnh dẫn dắt cả nhóm đi theo, liên kết các nhà khoa học trong và ngoài nhóm, tổ chức hoạt động cho nhóm nghiên cứu. Do đó, trưởng nhóm thường là những nhà khoa học tài năng, nhạy bén, xác định được hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, có uy tín khoa học cao ở trong và ngoài nước, và hơn cả là nhiệt huyết, sự đam mê và kiên trì trong nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, để các nhóm nghiên cứu phát triển mạnh và bền vững, quan trọng nhất là đầu tư đồng bộ cho đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn, linh hồn của các nhóm nghiên cứu. Các nhà khoa học xuất sắc cũng cần được giao nhiệm vụ giải quyết những nhiệm vụ KHCN quan trọng bởi chính họ cùng với các sản phẩm khoa học và đào tạo sẽ làm nên thương hiệu của ĐHQGHN. Từ kinh nghiệm và những thành công của ĐHQGHN, thiết nghĩ, việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ và chất lượng cao, đầu tư cho xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh chính là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học và nâng cao chất lượng của các hoạt động KHCN trong các trường đại học của nước ta hiện nay. QS (Quacquarelli Symonds) là một tổ chức uy tín về xếp hạng các trường ĐH trên thế giới của Anh. Bảng xếp hạng của QS dựa theo các chỉ tiêu như ý kiến đánh giá của các học giả; ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng; tỷ lệ giảng viên/sinh viên; số bài báo quốc tế trong hệ thống Scopus; tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế đến giảng dạy và học tập. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được lọt vào danh sách năm nay: ĐHQGHN thuộc nhóm 161-170, ĐHQG TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm 191-200 và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300. |
|