Buổi hội thảo với sự tham dự của các nhóm nghiên cứu đến từ ĐHQGHN (trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Khoa học tự nhiên, trường Đại học Y dược); Trường Kỹ thuật Henry Samueli – Đại học California (Mỹ); Học viện Công nghệ Ấn Độ, Bombay (IIT). Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, người học cùng các chuyên gia trong và ngoài nước có cơ hội thảo luận về những nghiên cứu và phát triển gần đây đối với lĩnh vực y sinh. Từ đó, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy các hoạt động giao lưu, trao đổi giáo dục, cùng nhau phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học dựa trên thế mạnh của các bên. Chủ đề của seminar là về các thành tựu khoa học mới mang tính đột phá trong lĩnh vực chẩn đoán y sinh và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm tối ưu các thiết bị chẩn đoán y sinh. Buổi seminar được trình bày bởi các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực chẩn đoán y sinh và thiết bị y sinh gồm: 1. TS. Phạm Ngọc Thảo, Bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống, Khoa Điện tử Viễn thông–Trường ĐHCN (ĐHQGHN), đã có bài thuyết trình về BioMEMS trong khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe cũng như một số thành tựu nhóm nghiên cứu đã đạt được trong lĩnh vực này. 2. PGS.TS Debjani Paul, Phòng thí nghiệm vật lý sinh học và vi chất lỏng – Viện Công nghệ Ấn Độ, đã có bài thuyết trình về thiết bị vi lưu cho các ứng dụng chăm sóc sức khỏe. 3. PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng – trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), đã có bài thuyết trình về các nghiên cứu tiềm năng liên quan đến vật liệu nano đa chức năng cho các ứng dụng cảm biến y sinh: tổng hợp và tính chất. 4. TS. Abhijit Majumder, Khoa Kỹ thuật Hóa học – Viện Công nghệ Ấn Độ, đã có phần trình bày về các kiến thức mới trong nghiên cứu cơ chế của vật liệu: Tầm quan trọng của Tế bào gốc và Sinh học ung thư 5. TS. Vũ Thị Thơm, Trưởng Bộ môn Khoa học cơ bản, trường Đại học Y dược (ĐHQGHN), đã trình bày tổng quan và các kết quả tiềm năng đã đạt được trong nghiên cứu về vi tuần hoàn trong các bệnh không lây nhiễm: Chẩn đoán bệnh lý võng mạc đái tháo đường. 6. GS.TS Amit Agrawal, Viện trưởng Viện Công nghệ Ấn Độ, Bombay, đã có bài thuyết trình về phân tách huyết tương khỏi mẫu máu sử dụng hệ thống kênh dẫn vi lưu, các cơ chế vật lý liên quan và ứng dụng tiềm năng. 7. TS. Nguyễn Hùng Anh, HERO Lab – Trường Kỹ thuật Henry Samueli – Đại học California, Irvine, Mỹ, đã trình bày nghiên cứu về các loại cảm biến trong chẩn đoán lâm sàng. Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với những câu hỏi của các nhà khoa học về công nghệ lõi, tiềm năng phát triển ứng dụng. Đây cũng là dịp để giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên trường ĐHCN nói riêng và các trường đại học trong nước, quốc tế nói chung kịp thời cập nhật những thông tin khoa học mới nhất trong lĩnh vực ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chẩn đoán y sinh. Từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực y sinh đang rất được quan tâm này. >>>>> Các tin bài liên quan:
|