Tại buổi thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đã khẳng định, hầu hết sinh viên kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có lối sống lành mạnh, trung thực, đoàn kết, nhân ái và có tinh thần cộng đồng; có động cơ học tập nghiêm túc và tích cực, chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Sinh viên hiện nay năng động, thực tế hơn, tự chủ, bộc lộ rõ cá tính, quan niệm đạo đức của sinh viên hiện nay ít bị ràng buộc bởi dư luận hơn so với các thế hệ sinh viên trước.
Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân và đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần; một số sinh viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đạo đức đến bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc, có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động...
Sinh viên Phạm Chí Công, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, chưa bao giờ vấn đề đạo đức, lối sống trong sinh viên dính vào các tệ nạn xã hội có nhiều nhức nhối như hiện nay. Bạn Công dẫn chứng, nếu tìm kiếm trên mạng Internet với từ khóa sinh viên đánh nhau cho ngay ra 7 triệu kết quả; sinh viên giết người 2 triệu kết quả …
Bạn Công kiến nghị, tổ chức Đoàn, Hội cần phối hợp cùng nhà trường để giảng dạy các môn học về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các hình thức thiết thực hiệu quả hơn; tổ chức tọa đàm, hội thảo cho các bạn sinh viên mới biết về các cạm bẫy, rủi ro trong xã hội, trong khi ngồi nghề nhà trường; tổ chức buổi thăm quan căn cứ cách mạng, bảo tàng để góp phần trau dồi thêm lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho sinh viên…
Để hình thành thói quen, ý thức cho sinh viên, đồng chí Phạm Kiều Hưng, Phó chủ tịch Hội sinh viên TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần thực hiện nhiều dự án tuyên truyền những đạo đức tốt đẹp cho sinh viên. Đồng chí Hưng cho biết, ở TP Hồ Chí Minh, một số nơi đặt máy chiếu màn hình rộng để tuyên truyền các hình ảnh về văn hóa xếp hàng, không hút thuốc lá, xả rác không đúng quy định... trong sinh viên đã góp phần cho nhiều sinh viên nâng cao nhận thức và thực hiện một cách văn minh, lịch sự.
Chia sẻ về các trào lưu văn hóa mới ảnh hưởng tới văn hóa nước ta, đặc biệt là sinh viên, đồng chí Vũ Văn Hải – Chủ tịch Hội Sinh viên ĐHQGHN cho rằng, các trào lưu hát đồng dao xuyên tạc; chụp ảnh quái đản, hotboy giả gái, chụp ảnh nude… đã ảnh hưởng một phần đến đối tượng sinh viên, một số các bạn a dua, đua đòi tìm hiểu và khám phá những trào lưu không tích cực… Để phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chống lại các trào lưu văn hóa mới không lành mạnh, đồng chí Hải kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như tuyên truyền rộng rãi những nội dung tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam..v.v.
Nói về hiện tượng nhiều sinh viên không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, Lâm Tùng – sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nguyên nhân là do các bạn không tham gia các chương trình, dự án hay tìm hiểu về pháp luật an toàn giao thông, bên cạnh đó các hoạt động vui chơi hay tuyên truyền cho sinh viên còn chưa được thiết thực… Lâm Tùng kiến nghị, để tuyên truyền cho các sinh viên chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông, điều đầu tiên cán bộ Hội phải có ý thức chấp hành trước, làm tấm gương để sinh viên, hội viên làm theo; từ đó tổ chức các hình thức tuyên truyền một cách thiết thực như tổ chức các giải thưởng, cuộc thi ảnh, clip về an toàn giao thông do chính các bạn sinh viên thực hiện...
Tại buổi thảo luận, các đại biểu còn đánh giá thực trạng và chỉ ra nhân tố tác động đến sự biến đổi đạo đức, lối sống, tác phong của sinh viên ngày nay; đề xuất các giải pháp của tổ chức Hội trong việc tham gia khắc phục những tiêu cực trong đạo đức, lối sống và tác phong của sinh viên hiện nay; đề xuất kiến nghị với Đảng và Nhà nước, các đoàn thể tiếp tục định hướng, giáo dục... để giúp sinh viên sống đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn, sống có nghĩa có tình và hãy sống vì mọi người, vì sự phát triển của xã hội.
|