Ý tưởng xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt trong các khu chung cư cao tầng của Hương Dịu đã được gửi tới Cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam với chủ đề “Hành động vì môi trường” do Ngân hàng Thế giới tổ chức năm 2005.
Sau khi nhận tài trợ, mô hình được thí điểm tại khu chung cư 19 Phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu từ tháng 7/2005. Vốn là dân môi trường nên mục tiêu của cô sinh viên này là giúp người dân nhận thức tốt hơn tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, đồng thời đây cũng là cách giúp người dân thay đổi cách nhìn nhận đối với rác thải.
Sau khi được phân loại, rác hữu cơ và rác phế liệu sẽ được Cty Môi trường đô thị Hà Nội chuyển tới Nhà máy chế biến rác thải Cầu Diễn (Hà Nội). Đây là nhà máy được xây dựng vốn ODA của Chính phủ Tây Ban Nha và vốn đối ứng, có công suất xử lý rác thải đạt 50.000 tấn/năm và sản xuất phân hữu cơ vi sinh đạt hơn 13.000 tấn/năm.
|
Rác - vấn nạn đau đầu các nhà quản lý môi trường. |
Người dân tham gia vào mô hình phân loại rác sẽ được hưởng lợi trực tiếp, ban đầu là giảm phí đóng vệ sinh tiến dần tới không phải đóng phí vệ sinh, môi trường sống cũng được cải thiện hơn (giảm mùi khó chịu ở khu hầm chứa rác).
Rác thải đã phân loại làm nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy chế biến rác thải Cầu Diễn có chi phí vận chuyển dưới 200.000 đồng/tấn. So với trước đây, khu chung cư hợp đồng với Cty Môi trường đô thị Hà Nội để tổ chức thu gom và vận chuyển rác thải đem tới bãi chôn lấp với chi phí là 290.000 đồng/tấn.
“Để 100% hộ dân trong khu chung cư (148 hộ) đồng ý tham gia vào việc phân loại rác thải, nhóm mình đã phát phiếu thăm dò và có cuộc làm việc với Ban quản lý chung cư, tổ dân phố, không ngờ được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân sống trong khu chung cư” - Hương Dịu kể.
Chị Nguyễn Thị Huyền Dân (Phòng 129 khu nhà I9 phường Thanh Xuân Bắc) cho biết: “Việc phân loại không khó khăn lắm, ở mình là mới chứ ở nhiều nước họ đã làm từ lâu rồi.Tôi thấy đây là cách làm hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Mô hình phân loại rác của Hương Dịu có tính ứng dụng cao và có thể nhân rộng ra nhiều khu chung cư trong thành phố, góp phần tạo ra một cách ứng xử văn minh với rác, đóng góp vào công cuộc xây dựng một Thủ đô theo hướng “đô thị bền vững” như định hướng phát triển của thành phố Hà Nội đến năm 2020.
|