PV: Được biết Phương Thảo là người rất năng động, đam mê môn sinh học. Hẳn em đã hướng cho mình một nghề nghiệp sau này của bản thân? Nguyễn Phương Thảo: Em đam mê môn sinh học từ ngày còn bé khi xem các chương trình thế giới động vật, sự sinh tồn của động vật trong thế giới tự nhiên huyền bí ấy đã khơi gợi cho em sự tìm tòi và nhất định phải nghiên cứu để lý giải được điều đó. Em mong muốn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình với môn Sinh học, trước mắt, những ngành nghề liên quan đến Sinh học sẽ là lựa chọn số 1 của em. Đặc biệt, em mong muốn được theo đuổi lĩnh vực Sinh Y – lĩnh vực mà những nghiên cứu Sinh học được ứng dụng vào thực tiễn y học. Bởi theo em, khoa học khi áp dụng vào thực tiễn sẽ cho thấy giá trị tốt đẹp nhất của nó. PV: Em chọn trường THPT chuyên Tự nhiên để học? Em có thể chia sẻ về Trường sau thời gian em gắn bó và nhắn nhủ tới các em HS chuẩn bị chọn trường THPT? Nguyễn Phương Thảo: Khi vào cấp 3, ngôi trường mà em mơ ước nhất chính là THPT Chuyên KHTN. Không chỉ bởi trường luôn được biết đến là cái nôi phát hiện và bồi dưỡng các học sinh năng khiếu, với thành tích nhiều năm liền có học sinh tham gia và giành các giải Olympic Quốc tế, mà còn bởi các thầy cô trong trường đều là những nhà khoa học tài năng và những người định hướng tận tâm nhất. Đặc biệt, tiêu chí học tập của trường là nêu cao tính tự giác, đẩy mạnh niềm đam mê và tìm kiếm những niềm vui trong học tập cũng chính là tiêu chí mà bản thân em luôn hướng đến. Với các em học sinh đang chuẩn bị chọn trường cấp 3, em muốn gửi tới các em lời chúc tốt đẹp nhất, chúc cho các bạn vượt qua kỳ thi cấp 3 thật thành công và thể hiện được hết khả năng của mình. Mong rằng các bạn sẽ vào được trường cấp 3 phù hợp nhất với ước mơ và hoài bão mà các bạn luôn theo đuổi. Và nếu các bạn thấy bản thân phù hợp với tiêu chí của trường THPT Chuyên KHTN, đừng ngại đăng ký nhé, vì cổng trường luôn rộng mở đón chào các bạn. PV: Với em giải thưởng đạt được hôm nay có thực sự là động lực để em tiếp bước trên con đường dài sắp tới hay không? Nguyễn Phương Thảo: Giải thưởng đạt được ngày hôm nay với em vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm và động lực to lớn nhất. Thành công không phải là đích đến cuối cùng, thất bại cũng chẳng phải vực sâu thăm thẳm, đó chỉ là động lực để chúng ta vững vàng hơn trên con đường sắp bước. Chính vì vậy, em luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa, rèn luyện và khắc phục những yếu điểm của mình để tiếp tục theo đuổi đam mê và vững bước trên con đường mà em đã chọn. Nguyễn Phương Thảo (thứ 2 từ trái sang) và cô giáo Thanh Huyền (thứ tư từ trái sang) cùng các bạn học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN Nguyễn Phương Thảo là thí sinh nữ duy nhất trong đội tuyển Olympic quốc tế 2017 đạt giải. Chia sẻ của bạn Nguyễn Phương Thảo, để có được sự thành công đó Thảo nhắc đến nhiều nhất là cô giáo Th.s Đỗ Thị Thanh Huyền - Phụ trách đội tuyển HSG quốc gia, phụ trách đội tuyển Sinh học trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là giáo viên hướng dẫn, mỗi phút giây đều tạo nên động lực và niềm đam mê cho Thảo. PV: Bạn Thảo chia sẻ về đam mê ngành sinh học từ những câu chuyện sinh tồn trong thế giới động vật. Cô giáo có thể chia sẻ cách thức tạo nên sự đam mê cho học trò? Cô giáo Huyền: Niềm đam mê, năng lực cá nhân và phương pháp học là 3 trong số các yếu tố cần thiết để giúp một học sinh thành công trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức. Trong đó, đam mê là yếu tố cần thiết đầu tiên, vì chính sự đam mê sẽ kích thích sự tìm tòi, khám phá, phát triển tư duy sáng tạo của học sinh, giúp học sinh vượt qua những trở ngại, khó khăn trong quá trình học. Khi các bạn học sinh lớp 10 mới vào trường, lúc này, các em đang rất nhiệt huyết với môn Chuyên mà các em đã chọn, các em cũng muốn thử sức với đội tuyển cũng như muốn khẳng định năng lực của mình. Vì vậy, việc phát hiện ra năng lực của học trò, việc tạo ra và duy trì niềm đam mê của các bạn ấy với môn Chuyên là điều tiên quyết đầu tiên thầy cô cần làm. Với tôi, để tạo đam mê và động lực cho học trò, trước hết tôi dành buổi học đầu tiên để: (1) Nói chuyện với học trò về Sinh học, về những ứng dụng của sinh học trong đời sống, về những điều kì diệu của ngành khoa học được mệnh danh là “khoa học sự sống”, những điều mà các nhà khoa học đã khám phá ra và cả những điều đang chờ các bạn học sinh tìm ra câu trả lời trong tương lai. (2) Giới thiệu cho các em những cái “được” khi tham dự các lớp học dự tuyển và đội tuyển học sinh giỏi. Các em không chỉ được tiếp cận với một nền tảng kiến thức sinh học rộng lớn để giúp các em có kiến thức khoa học trong việc giải thích các hiện tượng gặp trong cuộc sống, mà còn có nhiều cơ hội trao đổi, học tập, thảo luận với các thầy cô đều là những chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực học sinh đang quan tâm. Các em không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn tích lũy được kinh nghiệm và phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học. (3) Giới thiệu về “thành tích” mà các anh chị khóa trước đã gặt hái được trên đấu trường trí tuệ như là một tấm gương để các em phấn đấu và đặt mục tiêu trong học tập. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố trên mới chỉ tạo niềm đam mê bước đầu, mới chỉ tạo cho học sinh sự tò mò muốn tìm hiểu về Sinh học. Trong quá trình học tập, độ khó của môn học sẽ tăng dần, các em sẽ nản, niềm đam mê có thể bị dập tắt. Bởi vậy, để duy trì đam mê cho học sinh, tôi chú trọng dạy các em phương pháp học, phương pháp thu thập thông tin, xử lí thông tin, lưu trữ thông tin và đặc biệt là cách vận dụng các kiến thức mình có vào trả lời các câu hỏi Sinh học. Khi đó, các em tự thấy mình làm chủ được kiến thức, làm chủ được các cơ hội, vượt qua được các thách thức để tiếp tục chinh phục các kiến thức đỉnh cao. PV: Quan điểm của cô giáo về cách giảng dạy cho HS trong thời kỳ khoa học và công nghệ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới mang tính liên ngành cao? Cô giáo Huyền: Ở bất kì thời đại nào thì giáo viên cũng có vai trò quan trọng đối với sự thành công của học trò. Tuy nhiên, ở các thời đại khác nhau, do sự phát triển của xã hội khác nhau mà vai trò của giáo viên sẽ thể hiện ở những khía cạnh khác nhau. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thế giới “phẳng” nên các em học sinh không chỉ thu nhận kiến thức từ nhà trường mà còn tiếp cận rất nhanh với các kiến thức từ sách, báo và internet. Đặc biệt, với sự phát triển ngôn ngữ chung của quốc tế, học sinh nhanh chóng tìm được các câu trả lời cho các nội dung nghiên cứu mà các em đang quan tâm. Sinh học là môn học có khối lượng kiến thức vô cùng rộng. Để học tốt sinh học, để hiểu được bản chất của các sự vật hiện tượng trong sinh học các em cũng cần có các kiến thức về vật lí, toán học, đặc biệt là hóa học. Thầy cô không thể trang bị cho học sinh tất cả các kiến thức học sinh cần, thay vào đó, thầy cô cần trang bị cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp thu thập và xử lí thông tin, cách thức tư duy và xử lí tình huống, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình …. hơn là chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức đơn thuần. Nói cách khác, thầy cô cần sử dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, cố gắng giúp từng học sinh phát huy tối đa năng lực và niềm đam mê của họ. Cô giáo Thanh Huyền tại Lễ kỷ niệm 50 năm Bộ môn Di truyền học Đó là câu chuyện thành công của Cô trò Trường THPT chuyên Tự nhiên trong giảng dạy, học tập bộ môn sinh học, năng lực là điều kiện cần nhưng không thể thiếu niềm đam mê, tâm huyết. Cảm ơn cô giáo Huyền, bạn Nguyễn Phương Thảo đã có những khoảnh khắc chia sẻ với những trải nghiệm bổ ích giúp độc giả có những giây phút để trân trọng và ngẫm về chính bản thân mỗi người. Bất kỳ ở lĩnh vực nào đi chăng nữa chúng ta đều cần thiết có sự đam mê và tâm huyết, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công trong cuộc sống. >>> Những thông tin liên quan: - Nguyễn Phương Thảo – nữ chủ nhân của Huy chương Bạc Olympic Sinh học 2017 - Học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN giành huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế - Nữ sinh duy nhất đoạt huy chương Olympic 2017 - “Bóng hồng” duy nhất mang về huy chương Olympic Quốc tế năm nay - Nữ sinh duy nhất của Việt Nam có huy chương olympic quốc tế 2017 - Nữ sinh duy nhất giành huy chương Olympic 2017
|