Đề án trên Nguyễn Tuyết Trinh và nhóm bạn Nguyễn Văn Thịnh, Đăng Phúc Long đã vượt qua gần 900 đề án khác giành giải nhất cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” và là đại diện duy nhất của Việt Nam sang tham dự cuộc thi quốc tế tại Stockhom (Thuỵ Điển).
1. Ý tưởng từ cuộc sống…
Mọi thứ bắt đầu từ một nhóm ba “nhất quỷ nhì ma, thứ ba…” của lớp trong đó Trinh là thành viên nữ duy nhất. Ý tưởng được bạn viên nữ trong lớp gợi ý: “Ở Thạnh Thất (Hà Tây) người dân nơi đây trồng cây thuỷ trúc vào bể lọc nước giếng khoan. Nhưng người dân vẫn chưa biết tác dụng cụ thể của cây thuỷ trúc ra sao…”. Thấy được ý tưởng hay, Trinh và nhóm bạn lập tức tìm hiểu thì được biết: loại cây hoa hình chuỳ này có khả năng lọc sắt giảm mùi hôi tanh cho nước giếng khoan. Cả nhóm quyết định chọn cây thuỷ trúc để thực hiện đề án của mình.
Nhưng nếu lọc nước chỉ bằng câu thuỷ trúc thì chỉ là một phương pháp cổ điển thiếu tính sáng tạo và khả thi áp dụng. “Hội ý” mãi và được gợi ý của bố Long - một kỹ sư hoá học nên cả nhóm quyết định dùng cây thuỷ trúc kết hợp với chất hoá học Aonfolic A101 của Nhật Bản để xây dựng mô hình: bể lọc cải tiến. “Quá trình lọc của bể là: từ nước giếng khoan bơm vào bộ phận lọc bằng cây thuỷ trúc sau đó chảy sang bể lọc thông thường được rắc tán A101 rồi chảy vào bể chưa nước sau khi lọc. Nếu dự án được triển khai nó sẽ góp phần cải thiện nguồn nước và đảm bảo sức khoẻ cho người dân”. Trinh cho biết.
2. Cây thuỷ trúc đi ra quốc tế
Khi công trình của nhóm Trinh được chọn tham gia cuộc thi quốc tế ở Stockhom - Thuỵ Điển cũng là thời gian cuối kỳ II của năm cuối cấp nên thời gian của Trinh “căng” như dây đàn. “Do vừa phải ôn thi tốt nghiệp với ba môn “khó nhằn” (Văn, Sử, Địa) và chuẩn bị cho kỳ thi đại học quan trọng vừa phải làm các poster, mô hình thực tế (như hoàn thiện bể lọc)… Nên việc chuẩn bị cho đề án của cả nhóm em không được kỹ lưỡng lắm”. Trinh tâm sự.
Là đại diện của nhóm lên thuyết trình bằng tiếng Anh về dự án, Trinh nói: “Ngôn ngữ không phải là khoảng cách, tất cả đều có thể khắc phục được. Nhiều bạn học sinh nước khác cũng không giỏi tiếng Anh nhưng điều mà chúng em thiếu chính là kinh nghiệm, thời gian chuẩn bị và tính chuyên nghiệp…”.
Dự án “Giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng nước sinh hoạt” của nhóm Trinh mặc dù không được giải nhưng được Hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao vì là một dự án: thiết thực, khả thi liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động.
Trong thời gian ở Thuỵ Điển, không chỉ tìm hiểu những nét văn hoá của các nước trên thế giới qua những cuộc giao lưu của đoàn tham dự như: Vũ điệu của các bạn Ucraina, nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản… Trinh còn “giới thiệu” hình ảnh của đất nước Việt Nam qua màn kịch vui nhộn “đội kịch tý hon” và qua những chiếc vòng gốm xinh xắn mua ở Bát Tràng tặng các bạn quốc tế.
Điều mà các bạn cùng lớp khâm phục ở Trinh hơn nữa là mặc dù học khối B nhưng cô vẫn thuộc diện học loại “đỉnh” ở tất cả các môn khác. Tốt nghiệp phổ thông với những môn “khó nhằn” đối với dân tự nhiên nhưng Trinh vẫn đạt một số điểm không nhỏ - 55 điểm. Vượt qua kỳ thi đại học một cách suất xắc: 27,5 điểm ở Học viện Bưu chính Viễn thông và 25 điểm ở Đại học Răng - Hàm - Mặt, Trinh trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn cùng trang lứa. Với mơ ước trở thành một nữ doanh nhân trong lại phù hợp với sức khoẻ của mình Trinh đã chọn Học viện Bưu chính Viễn thông làm nơi trang bị hành trang kiến thức cho mình.
Hiện nay Trinh đang học Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Bưu chính Viễn thông và tập trung học tiếng Trung cấp tốc chuẩn bị cho việc du học theo học bổng ở Trung Quốc.
|