Hội nghị nhằm đánh giá công tác quản lý sinh viên nước ngoài tại trường trong 5 năm qua, chỉ ra những hạn chế và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới. PGS. TS. Phạm Gia Lâm - Phó Hiệu trưởng chủ trì hội nghị.
Trong 5 năm qua (2002-2006), nhìn chung, Trường ĐHKHXH&NV đã thực hiện tốt công tác quản lý sinh viên nước ngoài đến học tập tại trường, chưa để xảy ra trường hợp nào vi phạm các quy định của Chính phủ và Nhà nước. Số sinh viên nước ngoài học tại trường ngày càng tăng. Năm 2002 có 72 sinh viên, đến năm 2004 có 319 sinh viên và đến năm 2006, số sinh viên tăng lên tới 633 người. Nguyên nhân là do uy tín của Nhà trường ngày càng được khẳng định, trường và các khoa đã năng động và tích cực trong việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài. Đào tạo sinh viên nước ngoài tại trường hiện nay tập trung vào các loại hình: chương trình liên kết đào tạo, chương trình Hiệp định và du học tự túc cho các bậc học: cử nhân, sau đại học, các khoá học ngắn hạn về tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam.
Tại hội nghị, các báo cáo cũng đã chỉ ra một số hạn chế của công tác quản lý sinh viên nước ngoài như: sự liên thông trong công tác quản lý giữa các phòng ban chức năng với các khoa đào tạo trực tiếp chưa tốt; chưa chú trọng đúng mức tới các hoạt động văn thể của sinh viên nước ngoài; còn ít tổ chức các hoạt động học tiếng theo nhóm thông qua tham quan, thực tập, thực tế để giúp sinh viên thực hành tiếng và hoà nhập với văn hoá Việt Nam; còn xảy ra trường hợp để sinh viên nước ngoài bị quá hạn thị thực...
Để giải quyết những hạn chế trên, các đại biểu đã đề xuất những biện pháp cụ thể:
- Về quản lý xuất nhập cảnh: các đơn vị cần theo dõi thời hạn thị thực của sinh viên để kịp thời thông báo cho họ làm thủ tục gia hạn.
- Về quản lý cư trú: các khoa cần nắm được địa chỉ liên lạc của sinh viên để quản lý sinh viên, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh.
- Về quản lý đào tạo: các phòng, ban, khoa cần liên thông chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, tránh chồng chéo công việc; cần có nhiều chương trình giao lưu thiết thực và sinh động giữa sinh viên nước ngoài và sinh viên Việt Nam; hiểu rõ từng đối tượng học để có phương pháp giảng dạy thích hợp trên cơ sở tôn trọng người học, tạo không khí học thoải mái, thân thiện...
|