“Đây có lẽ là lần đầu tiên em được nhìn thấy các anh chị sinh viên tình nguyện. Lúc đầu, em thấy rất bỡ ngỡ, dần dần được làm quen và tiếp xúc nhiều với các anh chị, em thấy mình tự tin hơn hẳn. Các anh chị ấy đã dạy chúng em học, múa hát, vui chơi…”, “Em thấy các anh chị rất giỏi vì cái gì các anh chị cũng biết. Mong các anh chị sẽ ở đây thật là lâu để vui chơi với chúng em và dạy chúng em những điều thật thú vị…”
Đây là lần đầu tiên tôi đi tình nguyện, cũng là lần đầu tiên tôi đứng lớp trong vai trò là cô giáo vùng cao để cảm nhận được niềm vui nhẹ nhàng, dịu ngọt qua những đôi mắt trẻ thơ và nghẹn ngào xúc động trước những dòng chữ hồn nhiên, chân thật của các em.
Đợt tình nguyện diễn ra trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 15/7 nhưng các lớp học thì đến tận ngày 18/7 mới chính thức được mở ra và duy trì cho đến hết chiến dịch. Ban đầu học sinh lạ lẫm, đến lớp học rất ít, không đều đặn nhưng chỉ sau mấy hôm các em đã coi việc đến lớp như một “phần thiết yếu của cuộc sống”. Chúng tôi đã chia thành 2 lớp: một lớp cấp I và một lớp cấp II để dễ tổ chức lớp học hơn. Bất ngờ đầu tiên là một em trai mới có 4 tuổi mà cứ nằng nặc đòi được làm lớp trưởng. Em bé ấy về sau được “hưởng chế độ riêng”, ngày nào cũng đến trụ sở của đội tình nguyện (là một căn nhà lá), lúc thì được các chị áo xanh kể chuyện cổ tích cho nghe, lúc thì được dạy hát, chơi trò chơi…
Từ 5h30 sáng, học sinh đã kéo tới trụ sở đánh thức toàn đội. Có hai chị em sinh đôi, đi bộ từ trong thôn xa ra, phải lội qua suối thế mà sáng nào cũng chào đội bằng nụ cười tươi tắn. Buổi trưa, học sinh không chịu về nhà, kéo nhau đến ríu rít đồng thanh gọi “Các chị ơi đến trường đi!”. Có cảm tưởng như đám trẻ có một niềm háo hức lạ thường khi đến lớp. Mấy chị áo xanh vì thế cũng càng thêm quấn quít với các em.
Các em học sinh cấp II thì lại tỏ ra rụt rè hơn, nhất là các em trai mặc dù buổi trưa nào cũng đạp xe đến trụ sở của đội để giục chúng tôi lên lớp. Lớp học kiêm thư viện sách vốn là hai phòng học được đội sắp xếp gọn gàng. Có một điều rất lạ là học sinh cấp II đọc sách báo rất nhanh, có khi một phút đã chuyển sang tờ báo khác. Chúng tôi phải rèn các em bằng cách hỏi nội dung của câu chuyện, mẩu tin các em vừa đọc. Buổi học đầu tiên, (tôi còn nhớ rất rõ) chúng tôi đã ngạc nhiên thế nào khi các em không nhớ chính xác được câu chuyện cổ tích vô cùng thân thuộc. Khi được hỏi “Cô Tấm đã hóa thân thành những thứ gì?” thì các em trả lời thành “con ốc”, “khung cửa sổ”… Chúng tôi phải thay đổi lại toàn bộ chương trình dạy học đã chuẩn bị từ trước (trong 5 ngày tập huấn tình nguyện tại Hà Nội), phải dạy lại cho các em những kiến thức cơ bản nhất. Nhưng chính những ánh mắt của các em đã truyền lửa cho chúng tôi - những cô giáo áo xanh còn rất nhiều bỡ ngỡ trên bục giảng. Mỗi ánh mắt một vẻ riêng: có ánh mắt rụt rè, có ánh mắt tinh nghịch, cũng có những ánh mắt tò mò và hiếu động… nhưng đó đều là những đôi mắt rất đáng yêu. Tôi còn nhớ có em học sinh tên là Vũ, nghỉ học một ngày, hôm sau đến lớp, hỏi vì sao nghỉ học thì em cho biết em bị chảy máu mắt phải đi bệnh viện để tiêm. Thế mà đôi mắt ấy vẫn nhìn tôi rất sáng, mở to dưới hàng mi thật rợp. Nhìn vào mắt em tôi bất chợt thấy cay cay nơi sống mũi.
Lớp học được duy trì đều đặn và hiệu quả. Các em đặc biệt nhạy cảm với ngôn ngữ, có thể vì đặc điểm văn hóa của vùng đất này là nơi chung sống của nhiều dân tộc: Tày, Nùng, Dao... Các em học tiếng Anh với một niềm thích thú lạ lùng mặc dù phát âm không thật chuẩn. Chúng tôi dạy cho các em chơi ô chữ. Lớp học rất sôi nổi và thoải mái. Chúng tôi đã nhận được những bức thư hồn nhiên và ngọt ngào đến không ngờ…
Chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Lũng Cú” cho cả các em học sinh cả cấp I và II diễn ra đúng hôm trời mưa rất to nhưng học sinh vẫn đến rất đông, cổ vũ rất nhiệt tình. Trong niềm vui của các em có nụ cười rạng rỡ của chính những anh chị áo xanh tình nguyện. Những đôi mắt to đen lại hấp háy, hấp háy. Cũng những đôi mắt ấy đã háo hức nhìn chúng tôi hát trong đêm văn nghệ cuối cùng, đã hoe đỏ trong buổi sáng chia tay. Các em trai có vẻ rụt rè khi chúc các anh chị lên đường mạnh khỏe, các em gái thì sụt sùi cầm tay không nỡ rời xa. Chúng tôi đã không cầm được nước mắt ngay cả khi xe đã chạy một đoạn khá dài: “ngày chia tay hẹn nhau ngày gặp lại, trái đất tròn ta còn gặp nhau, trái đất tròn ta con gặp nhau…”.
Tạm biệt Hà Giang với những quả đồi đỏ ối, những con đường quanh co, những thửa ruộng bậc thang và đồi cọ xòe ô ngút ngàn... Chúng tôi sẽ nhớ mãi những đôi mắt ấy, những đôi mắt của tình yêu thương ngập tràn và sâu thẳm trong sương khói vùng cao.
|