Ngủ trên chiếc giường tầng trong khu KTX mà vẫn thấy rộng rãi và trống vắng quá chừng, thèm được ngủ chen chúc 12 người một giường, nằm nửa người, gác chân, sáng ngủ dậy chỉ thấy mỏi... đôi chân chi chít nốt muỗi đốt. Ngày hai bữa cơm bụi, nhớ cảnh 38 đồng chí ngồi quây quần bên mân cơm chỉ có: lạc rang cháy, cá khô kho mặn, rau muống luộc nát tươm...vậy mà 3 bát vẫn đánh sạch. Ở nhà, mẹ nấu canh cá, canh riêu cua chẳng thể nào qua nổi bát thứ hai. Thèm một lần hét toáng lên trong bữa cơm: Cám ơn nhà bếp!
Những ngày đầu ở Liên Hiệp (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), nhiều “tân binh của đội” đã có chút nản lòng, mệt mỏi, nhớ nhà khủng khiếp…vì vô vàn những lí do: điều kiện thiếu thốn, nước không có để ăn uống nói chi đến sinh hoạt, chỗ ở chật chội, muỗi bay hàng đàn... Còn nhớ ngày đầu mỗi đứa chung nhau nửa chậu nước nhỏ tí để tắm (vậy mà vẫn cứ xong), tự động viên nhau “ở bẩn thế, tối đi ngủ muỗi chán không thèm đốt”, rồi hôm sau rủ nhau đi tắm suối với những lý do vô cùng thuyết phục: nước chảy đá mòn, huống chi là…ghét!
Ngày thứ hai, đi bộ 3km đường rừng vào thôn xa nhất, khó khăn nhất để làm đường cùng đoàn viên thanh niên. Mệt mỏi choáng hết tâm trí, vẫn mơ hồ khi nghĩ về ý nghĩa của chuyến tình nguyện này. Tối ngày thứ ba, cả đội đi diễn văn nghệ trên một chuyến xe Ben (bình thường dùng để chở đất), hát hò ầm ĩ mỗi lần xe cua nhanh qua khúc đường vòng nguy hiểm. Lại nhớ những lần càu nhàu trên chuyến xe Bus đông người, nhớ những lúc thở dài ngao ngán khi gặp cảnh tắc đường Hà Nội. 8h, sân khấu vẫn tối om vì điện yếu, lại nhớ đêm Hà nội rực rỡ ánh đèn. Đêm diễn ấy, những bài hát “chay” hoà nhịp với tiếng vỗ tay, mệt nhoài nhưng mà vui và hứng khởi. Những trang nhật kí đã bâng khuâng những dòng chữ đầu tiên, đêm sâu hơn với những câu chuyện miên man không dứt. Lòng thấy thoải mái hơn, lại mỉm cười trước những câu hỏi đại loại như: các cháu đi như thế này nhà trường trả cho bao nhiêu?(!!!)
Lớp học cho các em thiếu nhi rồi cũng đã được mở ra. Cả đội bận rộn với việc sắp xếp sách báo đã quyên góp được ở Hà Nội làm thành một cái thư viện con con đặt ở cuối hai lớp học cho các em học sinh cấp I và II. Học sinh ban đầu rất thưa thớt, nhưng chỉ sau vài buổi học, các em đến lớp ngày càng đông và đều đặn. Các anh chị áo xanh cũng tự tin và thành thạo với việc dạy học hơn. Đôi khi những câu trả lời “hồn nhiên” của các em cũng làm “bần thần” những “nhà sư phạm tương lai”. Ví như khi học về từ tượng thanh, có em được hỏi tiếng bát vỡ kêu như thế nào đã không ngần ngại và đắn đo mà trả lời rằng: “bát vỡ kêu “bẹt” một cái”… Các em học sinh ở đây không phải em nào cũng có điều kiện và thời gian để đến lớp. Có em ngày vẫn phải một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu, nhà lại ở xa, không có phương tiện để đến trường. Cuộc thi “Đường lên đỉnh Lũng Cú” được tổ chức thật hoành tráng cho học sinh cả 2 cấp. Đêm chung kết mặc dù trời mưa to, “ban tổ chức” đã rất lo lắng, sợ phải hoãn cuộc thi, thế nhưng học sinh vẫn đến khá đông đủ, cả học sinh tham gia thi và cổ vũ đều rất nhiệt tình. Điều đáng mừng là có cả các bác phụ huynh đội mưa đưa con đến. Lại nhớ những ngày trốn tiết vì trời mưa to quá… Tối hôm ấy, nửa đội không thể hành quân về “doanh trại” vì trời mưa quá khủng khiếp, đành ngủ tạm ở Uỷ ban xã, nhưng cũng trằn trọc lo cho “đồng đội” ở nhà không biết mưa gió có thổi bay nóc nhà hay không?
Các nhóm đi cấy giúp những gia đình chính sách cũng dần nhận được sự ủng hộ, yêu mến của bà con, hôm nào cũng thu về rất nhiều “chiến lợi phẩm”. Mâm cơm không lúc nào là không rộn rã tiếng cười. Không ít các thành viên trong đội còn “khủng hoảng” vì tăng cân mặc dù ăn uống kham khổ hơn ở nhà. Càng về cuối chiến dịch, công việc của đội ngày càng nhiều và hoạt động cũng tỏ ra hiệu quả hơn. Và học sinh càng quyến luyến với các anh chị thanh niên tình nguyện hơn. Sáng nào các em cũng đến rất sớm, lội suối từ lúc 5h30 để đến với đội; buổi trưa cũng không ngủ, em thì được các chị chải đầu buộc tóc, em thì được cắt móng tay… Quanh trụ sở của đội không lúc nào không rộn rã tiếng nói tiếng cười.
Đêm diễn cuối cùng cả hội trường chật ních. Áo xanh xen lẫn áo chàm, nối vòng tay lớn hát vang những lời ca sôi động nhất, hào hứng nhất với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cho đến bây giờ, âm vang của buổi diễn ấy vẫn còn vang vọng. Lại nhớ những buổi liên hoan trên lớp, chưa lần nào đủ tự tin để hát cho các bạn nghe. Ngày chia tay, học sinh kéo đến tặng quà, tặng hoa phong lan cho các anh chị tình nguyện, nhiều em khóc sướt mướt, tự dưng thấy sống mũi cay cay…
Mỗi chuyến đi là một lần được sống hết mình, “được” mệt mỏi hết mình…để rồi nhận ra cuộc sống này có bao điều đáng để ta nâng niu, trân trọng, bao điều để ta cố gắng, để ta thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Qua mỗi chuyến đi, ta hiểu hơn về những miền đất xa lạ, về những con người ta đã từng gắn bó trong một thời gian không dài, về bạn bè và quan trọng nhất là để hiểu chính mình. Lòng ta chợt lắng lại sau mỗi đợt phù sa và nhận ra rằng đôi khi chính những điều nhỏ bé, giản đơn lại là những giá trị đích thực của cuộc sống.
Hà Nội vẫn ồn ào, tấp nập. Đọc báo thấy nhiều tin giật gân, hết lừa đảo lại đến giết người cướp của…Thèm một cuộc sống bình yên và đơn giản trước những lo toan vồn vã của dòng đời.
|