Q.V. Dương là sinh viên năm thứ nhất. Hoàn cảnh gia đình em cũng không quá khó khăn. Nhưng vì là con trai, thường có những khoản chi tiêu ngoài dự kiến nên em cũng muốn đi làm thêm để có thêm tiền tiêu vặt. Em tìm đến một địa chỉ được ghi trong một tờ rơi phát ở cổng trường để tìm việc. Đó là một trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân. Dưới sự chào mời của người phụ trách trung tâm này, em nhận một công việc nghe có vẻ khá hấp dẫn: Phát tờ rơi cho một công ty mới thành lập. Mỗi ngày chỉ làm hai tiếng nhưng lương tháng là 1triệu đồng. Để nhận được việc này, em đã phải nộp cho trung tâm đó một khoản lệ phí là 200 ngàn đồng. Thế nhưng, đi làm chưa đầy hai tuần, em đã bị công ty đó đuổi việc với lí do năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc của họ. Khi quay trở lại trung tâm việc làm kia để xin lấy lại tiền thì người chủ trung tâm cho em biết họ không có trách nhiệm trong việc này. Còn khoản kia đã được tính trong lệ phí giới thiệu việc của họ. Đến lúc này Dương mới biết mình đã bị mắc lừa.
Cũng tương tự như trường hợp của Q.V. Dương là trường hợp của Thu Hằng, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Cũng theo địa chỉ trên một tờ rơi, Hằng tìm đến một trung tâm gia sư tư nhân ở gần trường. Trung tâm này giới thiệu cho Hằng làm gia sư tại gia môn văn cho một học sinh lớp 3 với mức lương là 45ngàn đồng/buổi. Tiền lệ phí phải đóng cho trung tâm bằng 50% tiền lương tháng đầu, tức là 180ngàn đồng (dạy 2buổi/tuần). Sau khi khá vất vả mới tìm được địa chỉ của gia đình nọ. Hằng cũng đã tìm được đến nơi và bắt đầu công việc của mình. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ cho đến ngày thứ ba thì đột nhiên gia đình học sinh này cho biết con họ không thích cách dạy của cô gia sư và họ không muốn tiếp tục cộng tác. Hai buổi dạy đầu tiên được coi là thử việc nên không được trả tiền. Đến lúc tìm đến trung tâm gia sư kia thì Hằng cũng nhận được câu trả lời y hệt như Dương đã nhận và khoản tiền 180ngàn đồng cũng không thể lấy lại được.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những trường hợp các bạn sinh viên bị lừa bởi những trung tâm giới thiệu việc làm trá hình trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Có chăng đã có một sự thoả thuận trước giữa các trung tâm này với những nơi tuyển dụng? Theo đó bên tuyển dụng có nhiệm vụ bố trí một công việc nào đó cho người xin việc. Người xin việc vẫn sẽ được cho đi làm nhưng được một thời gian bên phía tuyển dụng sẽ “giở trò”, đòi chấm dứt hợp đồng với lí do người được giới thiệu không đáp ứng được nhu cầu công việc. Với lí do này thì không ai có thể bắt bẻ được họ bởi lẽ chỉ có trời mới biết được yêu cầu cho công việc thực sự của công ty đó là như thế nào. Khoản tiền kiếm được từ chính người tìm việc sẽ được hai bên chia nhau. Đây là một hành vi lừa đảo rất tinh vi . Nhìn bề ngoài thì trung tâm việc làm này hoàn toàn không có lỗi. Họ đã hoàn thành đúng phận sự của mình như quy định trong hợp đồng là giới thiệu cho người xin việc một công việc, còn việc người làm bị đuổi là hoàn toàn do năng lực của họ bị hạn chế.
Trên thực tế không phải mọi sinh viên đi tìm việc đều gặp phải “cám cảnh” nêu trên. Cũng có người may mắn gặp được trung tâm tử tế đã tìm được những công việc phù hợp với nguồn thu nhập xứng đáng. Tuy nhiên, những trường này là không nhiều. Vì đặc thù của sinh viên vẫn đang còn phải lên giảng đường, học tập nên rất khó khăn nếu muốn tìm việc ở những trung tâm việc làm lớn của nhà nước. Hầu hết công việc ở nơi đó đều yêu cầu bằng cấp và thời gian làm việc rất nghiêm ngặt. Trong khi chờ đợi một sự quản lí có hiệu quả hơn của những người có trách nhiệm đối với các loại hình dịch vụ tự phát đang mọc lên ngày càng nhiều này thì các bạn sinh viên mỗi khi có ý định đi làm thêm ở đâu nên đề cao cảnh giác. Cách tốt nhất là nhờ những người có kinh nghiệm giới thiệu cho những trung tâm đáng tin cậy để tránh tình trạng việc thì không có mà còn bị mất tiền oan cho những kẻ lừa đảo.
|