Ngoài thời gian lên lớp, các bạn còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn - hội, vẫn có thời gian đi làm thêm để phụ giúp gia đình và có thêm kinh nghiệm sống. Bên cạnh đó, có những bạn sinh viên không dễ dàng thích nghi được với không khí sôi động đó, nhất là với những tân sinh viên ở các tỉnh lẻ lần đầu bước chân đến Hà Nội.
Với một số sinh viên, một ngày với các bạn như đã được lập trình sẵn và ngày nào cũng vậy, Hà Nội chỉ có ba nơi để đến: giảng đường, thư viện trường, và khu trọ. Tam giác đó dường như là bất di bất dịch. Cuộc sống bên ngoài dường như khép kín và thật xa xôi với các bạn. Lệ Hằng - một sinh viên khoa Văn (ĐHKHXH&NV) kể về một ngày như bao ngày: “sáng lên giảng đường. Chiều lên thư viện, sau đó trở về nhà trọ. Ngày nào cũng vậy…” Được hỏi sao không đi làm thêm, hay học thêm một ngoại ngữ nào đó, Hằng nói “Nhà mình cung cấp đầy đủ cho mình đi học, đi làm thêm làm gì cho mệt, mới lại chuyên ngành của mình không nhất thiết phải có ngoại ngữ”… Còn Hương - bạn của Hằng thêm vào: “mình cũng muốn đi làm thêm lắm nhưng mọi người nói ngoài này dễ bị lừa lắm nên mình cũng sợ”…
Như chúng ta đều biết nước ta đang bước vào thời kì hội nhập, con người cũng phải sống và làm việc khác trước, tất nhiên là bận rộn hơn rất nhiều. Với mỗi sinh viên, yêu cầu được đặt ra hiện nay không chỉ là những kiến thức chuyên ngành họ được học mà bên cạnh đó còn có những yêu cầu khác cũng rất quan trọng như: sự tự tin, khả năng giao tiếp xã hội, kinh nghiệm làm việc… Những thứ này chúng ta không thể có nếu như chỉ bó hẹp không gian sống của mình. Có những bạn sinh viên dù nhà có đủ điều kiện kinh tế nhưng vẫn đi làm thêm. Minh Thu - SV Khoa Báo chí ĐHKHXH&NV tâm sự: “Bố mẹ chu cấp cho mình gần như đầy đủ nhưng mình vẫn đi làm cộng tác viên cho một tờ báo, vừa có tiền chi trả thêm cho những sinh hoạt cá nhân, vừa có thêm kinh nghiệm để sau này ra làm việc”. Với những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm thêm thực sự giúp các bạn trang trải những sinh hoạt phí đắt đỏ nơi thị thành. Thu Thảo - SV Sư phạm Ngữ Văn chia sẻ: “Nhà mình ở nông thôn, bố mẹ làm nông nghiệp, tháng tháng cho mình vài trăm nghìn cũng là một gánh nặng. Vì vậy mình chủ động nhận đi làm gia sư để phụ giúp cha mẹ bớt vất vả”.
Ngoài việc đi làm thêm, một số bạn còn rất tích cực học ngoại ngữ. Có bạn đi tới các trung tâm, có bạn không có điều kiện thì đi học “chui” ở các lớp ngoại ngữ tại chức. Mỗi bạn một cách, tất cả đều đang cố gắng làm chủ một ngoại ngữ nào đó. Kiên - SV Khoa Ngôn ngữ học nói: Mình biết thêm một ngoại ngữ như mở ra một chân trời kiến thức mới đối với mình, thử so sánh xem nếu mình có thể đọc một cuốn tài liệu bằng tiếng Anh thay vì chỉ biết đọc những cuốn sách bằng tiếng Việt”.
Không chỉ đi làm thêm và học ngoại ngữ, rất nhiều bạn sinh viên còn tìm đến các câu lạc bộ, các chương trình từ thiện hay hoạt động xã hội, đơn giản chỉ vì ở những nơi này họ được sống, học tập và làm việc hết mình. Tuy sẽ rất bận và mệt nhưng cái được lớn nhất là họ cảm thấy thời gian trôi đi mà không hoài phí những phút giây cho sự cô đơn và nhàn rỗi, quan trọng hơn là càng đi nhiều, giao tiếp nhiều thì họ lại càng học được nhiều.
Cuộc sống náo nhiệt ở thành phố luôn đón chào các bạn tân sinh viên. Nhưng không phải dễ dàng với tất cả. Có những điều thật mới lạ buộc ta phải thích nghi và không phải ai cũng vượt qua được. Có rất nhiều bạn đã nắm bắt và chiếm lĩnh được những chân trời kiến thức rộng lớn. Kkông chỉ là kiến thức trên giảng đường mà còn cả kiến thức trong cuộc sống. Xin nhắn nhủ với các bạn tân sinh viên rằng: cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp quanh ta là một trường đại học lớn!
|