Phố đã lao vào học với ước mong sau này sẽ thay đổi được số phận. Chàng trai Huế này đã lặn lội ra tận Hà Nội học đại học. Em đã nỗ lực vượt khó vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập với điểm phẩy học tập 9.05.
Lớn lên bằng cơm và muối trắng
Bùi Văn Phố là một trong 2 sinh viên xuất sắc đại diện cho sinh viên ĐHQGHN nhận học bổng “ITA vì tương lai” với một dàn máy vi tính trị giá tương đương 5 triệu đồng. Ấn tượng đầu tiên của tôi với Phố - một chàng trai đất Cố Đô là khuôn mặt sáng láng, đôi mắt sâu nhưng hơi trầm buồn. Phố là người sống khép kín, những chuyện buồn của gia đình em ít khi tâm sự với bạn bè, chỉ những bạn bè thân thiết từ cấp 3 mới biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em. Phố trong một gia đình nghèo làm nông nghiệp ở vùng núi của Huế. Một tai nạn giao thông đã cướp đi người cha của Phố khi em mới học lớp 4. Hai chị Phố mới học hết cấp 2 phải bỏ học dở chừng để học nghề may. Cha mất, mọi chi tiêu của cả gia đình đều trông vào sự tảo tần của mẹ. Mẹ Phố phải bươn chải buôn bán đủ nghề, đi hết từ chợ này đến chợ khác để nuôi bốn chị em. Những bữa cơm đầu thiếu vắng người cha lạnh tanh, ảm đạm. Bữa cơm dọn ra chỉ có đĩa muối trắng và lưng nồi cơm. Bốn mẹ con ngồi nhìn nhau, rồi ôm nhau khóc tức tưởi. Tuổi thơ của Phố được chứng kiến sự vất vả lam lũ của mẹ, sự hi sinh của các chị nghỉ học đi làm công nhân để phụ giúp mẹ nuôi hai em ăn học. Cuộc sống khó khăn của gia đình càng làm Phố quyết tâm học tập với mong ước sẽ thay đổi được số phận, để mẹ em sẽ không phải vất vả.
|
Bùi Văn Phố (áo đen đứng giữa) |
“Em rất may mắn được đi học, nên tất cả thời gian em đều dành cho việc học”. Phố mê học Toán, Lý từ khi em còn học cấp 2. Lên cấp 3, Phố quyết tâm thi đỗ khối chuyên Toán, Trường Quốc học Huế. Ngày Phố ra thành Huế học PTTH, gánh nặng gia đình thêm oằn trên đôi vai của mẹ. “ Mẹ em phải thức khuya dạy sớm hơn, bươn chải các nghề để em được đi học” – Phố tâm sự.
GS. Trần Thanh Vân – một giáo sư gốc Việt, người đồng sáng lập tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đồng thời là người đứng đầu tổ chức từ thiện SOS của Hội AEVN (giúp đỡ các trẻ em mồ côi) đã đỡ đầu Phố đưa Phố vào Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, Huế. Em được Trung tâm nuôi ăn học suốt 3 năm cấp 3 và cả khi em lên ĐH. GS. Trần Thanh Vân và các thầy cô của Trung tâm Bảo trợ Trẻ em đã dang rộng cánh tay nâng đỡ em có thể vượt qua được hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục theo học. Em thi đỗ Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM với 28 điểm. Các thầy cô của Trung tâm đã tư vấn cho em nên vào hệ Cử nhân Tài năng của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN và GS. Trần Thanh Vân đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo để được chuyển trường. Đó là cơ duyên để Bùi Văn Phố trở thành sinh viên Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.
Thắp lên những niềm tin cho cuộc sống
GS. Trần Thanh Vân cũng chính là tấm gương sáng để Phố quyết tâm học tập. Phố còn nhớ như in câu nói của GS. Trần Thanh Vân: "Làm việc gì cũng phải nghĩ cách để hoàn thành công việc tốt nhất, làm việc gì cũng phải có trách nhiệm với công việc mình làm". GS. Vân cũng đã nhiều lần tâm sự: “Tôi làm cái gì cũng xuất phát từ quá khứ. Lúc nhỏ tôi đã gặp nhiều khó khăn, phải sống trong nghèo khổ. Vì thế tôi hiểu được những khó khăn mà các em học sinh, sinh viên Việt Nam đang gặp phải. Mình đã từng nghèo khổ nên hiểu được sự nghèo khổ của người khác nhiều hơn”. Tấm gương vươn lên của thầy đã là những động lực giúp Phố có niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Cha mẹ GS. Trần Thanh Vân mất sớm, với ý chí tự lực để vươn lên bằng người, ông đã luôn cố gắng học tập. Giữa những năm trung học cơ sở cậu bé Trần Thanh Vân phải ra Huế trọ học, buổi trưa ăn cơm hàng cơm quán, tối về nhà ăn cơm tháng. Gia cảnh càng khó khăn, chàng thanh niên Trần Thanh Vân càng cố gắng vươn lên học tập, để rồi năm 1953 dành được học bổng sang Pháp du học.
|
Bùi Văn Phố (thứ hai từ trái sang, Ảnh: P.V) |
Phố rất khiêm tốn khi nhắc đến thành tích học tập mà nhiều sinh viên phải mơ ước. Trong khi mùa thi các bạn tất bật lên Thư viện ôn thi nước rút thì Phố vẫn một mình một khoảnh trong căn phòng Ký túc xá Mễ Trì: “Theo em, kiến thức được tích lũy, trau dồi trong một quá trình. Có những môn rất dài thời gian ôn thi vài ngày thì không thể ôn kịp được. Khi học trên lớp về, em xem lại lý thuyết, và làm tất cả các bài tập để cho nhớ từng dạng bài. Học xong chuyên đề nào em thường làm lại tổng kết, tóm tắt lại để nhớ lâu hơn. Em không có bí kíp gì đặc biệt, em có đặc điểm khi đã học là rất tập trung nên em học một lần nhưng nhớ rất lâu. Em thường chọn những nơi yên tĩnh để tập trung để học”. Ngoài thời gian học trên lớp, toàn bộ thời gian ở nhà cho việc học tập. Phố vẫn giữ được thói quen như khi học cấp 3, bài của ngày nào Phố giải quyết hết rồi mới đi nghỉ.
Lý lịch trích ngang
Bùi Văn Phố, sinh viên lớp Cử nhân tài năng khoa Vật lý K50 ĐHKHTN, ĐHQGHN
Sinh ngày: 18/10/1986
Hiện đang tạm trú tại KTX Mễ Trì HN
Quê quán: Thị trấn Phú Bài, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế
Sở thích: Chơi các môn thể thao: bóng đá, cầu lông và đặc biệt bóng chuyền, thích học ở những nơi yên tĩnh… |
Trở thành sinh viên đại học, các khoản chi tiêu ngày càng nhiều hơn, nếp tiêu pha tiết kiệm và khoa học vẫn được Phố duy trì. Hàng tháng, Phố được Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, Huế hỗ trợ 850.000đ để em có tiền trang trải sinh hoạt phí khi ở Hà Nội. Bên cạnh ngồn hỗ trợ từ Trung tâm, với những thành tích đáng khích lệ trong học tập, Bùi Văn phố còn nhận được học bổng khuyến khích học tập của Nhà nước mức cao nhất (220.000 đống/tháng), học bổng từ GS. Odon Vallet (cho học sinh, sinh viên giỏi của các trường phổ thông và các trường đại học ở Huế và Đà Nẵng) và học bổng của GS. Trần Thanh Vân. Phố không đi làm thêm, ngoài việc học trên lớp, Phố dành toàn bộ quỹ thời gian trong ngày để tự học ở nhà. Phố dành số tiền học bổng mua thêm sách vở, tài liệu, học thêm tiếng Anh và trang trải thêm cho khoản sinh hoạt phí theo mức giá cả ngày càng leo thang.
Trong câu chuyện với tôi, Phố kể về người em trai là Bùi Văn Lợi hiện đang là sinh viên năm thứ 1 Khoa Cơ học Kỹ thuật, Trường ĐH Công Nghệ, ĐHQGHN. Lợi cũng là một trong những sinh viên được nhận học bổng từ GS. Odon Valet, GS. Trần Thanh Vân và Hội AEVN.
“Bây giờ sức khỏe mẹ em đã yếu hơn nên không đi chợ được nữa vì lúc trước làm việc nhiều nên bây giờ mắt kém, sức khỏe cũng kém đi nhiều. Mẹ em không quản ngại khó khăn vất vả để nuôi em đi học kể cả phải vay mượn” - Phố kể trong xúc động. “Hội AEVN và GS. Trần Thanh Vân đã quan tâm, tạo điều kiện cho em học tập. Em phải cố gắng học để đạt kết quả thật tốt, nếu không em thấy xấu hổ lắm. Nếu em muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, chỉ có một cách là học tập thật chăm chỉ. Em rất mong muốn sau khi hoàn thành chương trình ĐH, em sẽ có cơ hội được ra nước ngoài học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ, và trở về Việt Nam làm giảng viên”.
|