Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Sát vai cùng sinh viên tình nguyện
Họ không phải là những chiến sĩ tình nguyện nhưng họ đã hết lòng gắn bó với chúng tôi.

20 ngày hè 2008 đội sinh viên tình nguyện Khoa Sư phạm - ĐHQGHN chúng tôi hoạt động tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Đặt chân lên vùng đất lạ lẫm với nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi; nhưng nhờ sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự giúp đỡ nhiệt tình của của những chiến sĩ tình nguyện không mặc áo xanh, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Nửa đầu đợt tình nguyện, địa bàn hoạt động của chúng tôi tại thôn Thạch. Lại đúng vào lúc cắt điện luân phiên của địa phương. Công việc đôi khi không như dự kiến ban đầu. Những sinh hoạt hàng ngày, những chương trình chúng tôi tổ chức nếu không có sự giúp đỡ của bác Thọ - bí thư chi bộ thôn Thạch thì khó có thể thành công. Bác nhiệt tình liên hệ địa điểm để tổ chức sinh hoạt, mượn máy nổ... Nhớ đêm giao lưu văn nghệ với nhân dân địa phương, trời mưa tầm tã, bác tất bật, lo lắng cùng chúng tôi chuẩn bị cho chương trình, từ điện đóm đến an ninh. Cả đội cảm động biết ơn! Nhìn bề ngoài với dáng người đậm lùn khó ai có thể đoán biết được sự nhiệt tình của một người đảng viên đã hơn 60 tuổi. Qua cách làm việc của bác, chúng tôi học được tinh thần làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình với tập thể, sự bình tĩnh để vượt qua những khó khăn. Có hôm mất điện, trời mưa, nhà ăn dột, bác đứng soi đèn cho chúng tôi đứng ăn cơm. Mọi người nhắc lại bữa tiệc đứng ấy với những nụ cười giòn tan và sự biết ơn vô cùng. Trụ sở của đội là nhà văn hóa thôn vừa mới khánh thành nên còn thiếu thốn đử thứ. Bác đã sẵn lòng mang những vật dụng của chính gia đình mình cho chúng tôi mượn. Nhà bếp của đội ngay cạnh nhà bác. Thiếu thứ gì chúng tôi thường nhờ bác giúp đỡ: nào nước, nào củi đun…Trước hôm chuyển trụ sở, bác tặng chúng tôi bài thơ: Thế nào là cộng sản. Bài thơ được bác viết trong 5 năm để tặng các con, mà đến giờ chúng tôi vẫn nhớ lời dặn thấm thía: Bây giờ đảng viên thì nhiều, nhưng không phải ai cũng là cộng sản, các cháu phải sống làm sao để sau này trở thành những người cộng sản chân chính. Hôm chia tay chuyển đến địa điểm mới, bác ra tận xe tiễn chúng tôi. Cả đội ít nói hơn thường ngày. Nhưng chúng tôi biết hình ảnh ông Thọ sẽ vẫn mãi trong tâm trí chúng tôi.

          Giai đoạn hai của đợt tình nguyện chúng tôi có trụ sở cạnh chùa Tây Phương. Điều kiện sinh hoạt có nhiều khó khăn hơn, hầu hết nhờ vào nhân dân trong vùng. Chị Hồi - phó bí thư đoàn xã, dáng người nhỏ bé và vẻ ngoài già hơn độ tuổi 30 của chị, đã sát cánh, giúp đỡ nhiệt tình. Chúng tôi thường yêu mến gọi bằng biệt danh “bà tôi”. Mặc dù có con nhỏ nhưng chị đã cố gắng dành cho chúng tôi quỹ thời gian hạn hẹp của mình. Có khi quá trưa, hay đã khuya, khi xong công việc của chúng tôi, chị mới trở về nhà. Chị đã đi từng nhà nhờ chỗ tắm giặt, liên hệ mượn từ cái bát đôi đũa cho chúng tôi. Ngày chia tay tổng kết, chị bế cả con nhỏ ra chào tạm biệt. Cả đội cùng hát vang bài “Bà tôi” như món quà tặng cho người chị đã hết lòng chăm lo cho các em.

 

Gia đình mà đội tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ nhất trong đợt có lẽ là nhà bác Răm. Trong giai đoạn hai hầu hết việc nấu nướng, tắm giặt, chúng tôi đều nhờ vào gia đình bác. Gia đình luôn tạo cho chúng tôi không khí thoải mái như đang sinh hoạt ở chính gia đình mình…

 

Trở về sau gần một tháng xa nhà, ngồi nhớ lại thấy luyến tiếc một cái gì đã qua, thân thuộc gắn bó như thể quê hương, chợt nhớ lại câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

           Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

 

Thạch Xá, Tây Phương - những vùng đất chúng tôi đã qua, những con người chúng tôi đã gặp, đã quen, đã coi như ruột thịt và đã trở thành một phần trong tâm hồn chúng tôi!

 Danh Ngọc, Khoa Sư phạm Ngữ văn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :