1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thu Hà 2. Giới tính: Nữ 3. Ngày sinh: 18 – 3 – 1982 4. Nơi sinh: thị xã Phú Thọ 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số 1745/2017/QĐ-XHNV ngày 13 tháng 7 năm 2017. 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: không có thay đổi. 7. Tên đề tài luận án: Hoạt động công tác xã hội với trẻ vị thành niên điều trị nội trú tại bệnh viện Nhi Trung ương. 8. Chuyên ngành: Công tác xã hội 9. Mã số: Đào tạo thí điểm 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS. Đặng Cảnh Khanh 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: +Luận án góp phần làm phong phú thêm nội dung lý thuyết nhu cầu, lý thuyết nhận thức- hành vi và lý thuyết biện hộ, trao quyền trong nghiên cứu hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong môi trường y tế; góp phần luận giải sâu sắc các khái niệm về: CTXH, CTXH nhóm, nhân viên CTXH, trẻ vị thành niên điều trị nội trú và hoạt động CTXH với trẻ vị thành niên (VTN) điều trị nội trú; đồng thời tổng quan bao quát về hoạt động CTXH trong bệnh viện. +Luận án đã nêu rõ trẻ VTN điều trị nội trú có nhu cầu cao tiếp cận hoạt động CTXH; cũng như phản ánh rõ các hoạt động CTXH tại bệnh viện Nhi Trung ương có độ tập trung thấp vào hỗ trợ trẻ về thủ tục hành chính, về tư vấn khám/chữa bệnh, về kết nối khám/chữa bệnh với y, bác sỹ, song tập trung cao vào hỗ trợ dinh dưỡng, trao quà. Thực tế này khiến nhiều trẻ VTN cho rằng hoạt động CTXH là không cần thiết, chưa tạo ra sự hài lòng ở trẻ. Kết quả đánh giá từ phía y, bác sỹ cũng cho thấy hoạt động CTXH gần như chưa có tác động tích cực đến việc khám/chữa bệnh. +Luận án cũng nêu rõ được tiến trình thực nghiệm CTXH nhóm với trẻ VTN điều trị nội trú; phân tích được ý nghĩa và cách thức thành lập nhóm, cách thức chuẩn bị can thiệp nhóm thông qua hoạt động “phá băng” tạo lập, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên, nhận diện, lựa chọn vấn đề ưu tiên, và lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. +Luận án cũng phân tích được vai trò tích cực và hạn chế của hoạt động thực nghiệm CTXH nhóm trong trợ giúp trẻ VTN điều trị nội trú giảm thiểu cảm giác lo lắng về bệnh và về việc chữa bệnh, trong kết nối trẻ với y, bác sỹ, và trong việc hỗ trợ trẻ giảm bớt lo lắng về việc học tập để an tâm chữa bệnh. +Kết quả nghiên cứu của luận án phản ánh trẻ VTN điều trị nội trú lượng giá ở mức điểm số cao về sự cần thiết của hoạt động CTXH nhóm, có sự hài lòng cao về các hoạt động này. Nhân viên y tế và người chăm sóc cũng thừa nhận hoạt động thực nghiệm CTXH nhóm đã tạo ra những tác động tích cực đến việc khám/chữa bệnh. +Luận án cũng đề xuất được hệ thống giải pháp phù hợp với thực tiễn hiện nay tại bệnh viện Nhi Trung ương nhằm nâng cao hiệu quả khám/chữa bệnh cho người bệnh dưới góc độ CTXH. 12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: có thể ứng dụng tại bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện triển khai hoạt động CTXH; có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về CTXH trong bệnh viện. 13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Nghiên cứu về giải pháp nâng cao nhận thức cho y, bác sỹ về ý nghĩa, giá trị của hoạt động CTXH Nghiên cứu về giải pháp nâng cao nhận thức cho bệnh nhân điều trị nội trú về ý nghĩa, giá trị của hoạt động CTXH Nghiên cứu giải pháp tăng cường năng lực cho nhân viên CTXH trong bệnh viện Nghiên cứu ứng dụng mô hình can thiệp CTXH cá nhân trong bệnh viện. Nghiên cứu giải pháp phát triển hoạt động CTXH chuyên nghiệp trong bệnh viện 14. Các công trình đã công bố liên quan đến luận án: Nguyen Thu Ha (2018), “The functional models of social works in hospitals”, International Worksop on Promoting therapeutic services in social work in Vietnam, Ed Lao dong – Xa hoi, pp. 247 - 251. Nguyen Thu Ha (2018), “Social works at the hospital in Vietnam: Achievement and Issues”, International Worksop on Promoting therapeutic services in social work in Vietnam, Ed Lao dong – Xa hoi, pp. 314 - 320. Nguyễn Thu Hà (2018), “Nhận diện nguồn gốc khủng hoảng tâm lý, xã hội của trẻ vị thành niên điều trị nội trú trong môi trường bệnh viện”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam: Vai trò của pháp luật – đào tạo – thực tiễn, NXB Đại học Huế, tr. 274 – 282.
|