Đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Đại học
ĐH Quốc gia Hà Nội: Năm nay, tuyển sinh và đào tạo những ngành đạt chuẩn quốc tế
Năm 2007, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) bắt đầu triển khai đề án xây dựng một số ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Sinh viên (SV) học các ngành này được hưởng các quyền lợi ưu tiên và đảm bảo chất lượng đào tạo theo trình độ quốc tế. Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, năm nay các trường được chủ động xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy ĐHQGHN có tăng quy mô tuyển sinh không?

- Năm 2007, ĐHQGHN chủ trương giữ vững quy mô đào tạo chính quy, giảm quy mô đào tạo không chính quy và tăng quy mô đào tạo sau đại học. Đây là một chủ trương lớn của ĐHQGHN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đạt đẳng cấp quốc tế cho nên các đơn vị mặc dù được quyền quyết định chỉ tiêu nhưng vẫn không tăng chỉ tiêu.

Thậm chí năm nay quy mô tuyển sinh sẽ giảm do ĐHQGHN thực hiện đề án xây dựng một số ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế vào năm 2010. Muốn thực hiện thì không thể giữ quy mô hiện nay mà kéo "toa tàu" lên chuẩn quốc tế được khi mà kinh phí của Nhà nước thấp, tiền của dân đóng cũng ít.

Vì vậy, trường có hai phương án tuyển sinh. Nếu giữ quy mô cũ thì khoảng 5.500 SV nhưng nếu xây dựng 16 ngành đạt chuẩn quốc tế thì quy mô chỉ còn khoảng 4.880 sinh viên. Trong 16 ngành này sẽ giảm khoảng 20 - 40% số lượng tuyển sinh hằng năm.

* Vậy công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ có thay đổi gì thưa ông và thí sinh cần lưu ý điều gì?

- Chắc chắn một số ngành sẽ tuyển sinh với chất lượng cao. Sẽ có một số ngành đào tạo trình độ quốc tế sẽ có điểm đầu vào rất cao. Ví dụ: khi điểm sàn của Bộ là 11, điểm sàn của ĐHQG đã là 18 thì những ngành này điểm sàn phải là 22.

Bên cạnh việc thi tuyển theo đề chung của Bộ GD-ĐT, chúng tôi cũng sẽ xét tuyển thẳng những học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia. Ngoài ra, những thí sinh giỏi và khá ở phổ thông, hoặc học sinh trường chuyên thi vào đây đạt điểm cao cũng sẽ được ưu tiên. Vì vậy thí sinh cần lưu ý là các bạn có năng lực và muốn trở thành nhân tài của quốc gia thì không nên bỏ lỡ cơ hội và nên đăng ký vào ĐHQG. Còn các bạn học yếu thì đừng thi vào vì các ngành này sẽ lấy điểm chuẩn rất cao.

* Thưa ông, những năm trước trường vẫn có chương trình đào tạo tài năng và đào tạo chất lượng cao. Vậy năm nay, khi thực hiện việc đào tạo các chuyên ngành đạt trình độ quốc tế thì hai chương trình trên có còn đào tạo không?

- Đào tạo cử nhân khoa học tài năng và hệ chất lượng cao vẫn tiếp tục như các năm trước nhưng sẽ xóa dần đi hay nói đúng hơn là đào tạo chất lượng cao sẽ mở rộng ra toàn ngành. Việc ĐHQGHN tổ chức hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng và chất lượng cao là bước đột phá của quá trình đưa chất lượng đào tạo ĐHQG đạt chuẩn khu vực tiến tới đạt trình độ quốc tế. Vì vậy khi đã chuyển sang đào tạo đạt trình độ quốc tế thì những ngành này sẽ không còn hệ đào tạo chất lượng cao nữa vì bản thân nó phải đào tạo chất lượng cao rồi.

* Chương trình học của các ngành này sẽ như thế nào?

- Là chương trình của các trường đại học tiên tiến thuộc 500 trường có đẳng cấp trên thế giới được chuyển hóa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bằng cấp của 16 ngành là bằng của ĐHQGHN cấp, đề rõ đạt trình độ quốc tế. Bằng này sẽ có giá trị ngang bằng với các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và một số trường ở châu Âu vào năm 2010. Bằng đó sẽ được một số nước công nhận tương đương như ĐH Bắc Kinh, ĐH Seoul, ĐH Tokyo...

* Khi học các ngành này SV được hưởng những quyền lợi gì?

- SV sẽ có nhiều quyền lợi: khi có bằng tốt nghiệp có quyền chuyển tiếp sinh để đi học nước ngoài; được chọn vào làm cán bộ nguồn của ĐHQGHN; được ưu tiên phát triển thêm ngành học khác; được tham gia các công ty và doanh nghiệp và các chương trình quốc tế do ĐHQGHN phối hợp...

Quá trình học được ưu tiên học những giáo sư giỏi, sử dụng những trang thiết bị tốt nhất của các nhà khoa học đang sử dụng... Đối với các ngành đào tạo này dự kiến sẽ cấp học bổng cho 1/3 SV với những suất học bổng trị giá cao. Còn lại những em học không xuất sắc thì có thể cấp 1/2 học bổng, đóng 1/2 học phí.

Thậm chí những SV khá thì cấp học bổng 1/3, đóng học phí 2/3. Tuy nhiên, mức học phí sẽ cao hơn những ngành khác. ĐHQGHN sẽ huy động mọi nguồn lực của ngân sách và quỹ hỗ trợ khác để giảm chi phí cho người học nhưng vì là những ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế nên chi phí sẽ cao. Vì vậy ngoài khoản chi phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ, SV sẽ phải chịu đóng góp một phần kinh phí đào tạo.

 VNUNews (Theo Minh Anh, báo Thanh niên)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :