Tới dự có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Đan Mạch.
Dự án CPIS được thực hiện trong thời gian 3 năm (2012 - 2015), địa điểm thực hiện dự án tại vùng duyên hải ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, dự án do GS.TS Nguyễn Văn Tân - Chủ nhiệm bộ môn Khí tượng, Khoa Khí tượng và Hải Dương học làm chủ nhiệm.
Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình (NHQ) nằm trong số những tỉnh thành có GDP bình quân đầu người thấp. Chỉ trong năm 2010, vùng ven biển NHQ đã hứng chịu hai sự kiện trái ngược: một đợt hạn hán kéo dài trong tháng 6-7 và 2 đợt lũ, lụt mạnh liên tiếp trong tháng 10. Đợt nắng nóng từ ngày 12 đến 20 tháng 6 đã gây thiệt hại khoảng 30.000 ha lúa vụ hè thu. Trong tháng 10, hai đợt lũ, lụt liên tiếp do mưa lớn (800 –1.658 mm) khiến một diện tích lớn của NHQ bị tàn phá và thiệt hại nặng nề. BĐKH có thể tác động xấu đến một số bộ phận của các cộng đồng trong tương lai và biện pháp thích ứng dài hạn tốt nhất cho những cộng đồng chịu tổn thương là tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai và thúc đẩy việc phát triển sinh kế bền vững.
Mục tiêu của dự án là đánh giá được tác động của BĐKH đến thủy tai và hệ quả của nó đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các tỉnh NHQ; xây dựng một mô hình làm việc nhóm bao gồm các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng địa phương để tích hợp các kinh nghiệm bản địa và các kiến thức khoa học; thiết lập một hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ quá trình ra quyết định và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và hỗ trợ năng lực cho chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc áp dụng công nghệ mới; phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thích ứng với BĐKH.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, đây là dự án “thông minh”, bởi Việt Nam được coi là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do BĐKH, đặc biệt 2 vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước. Đối với các tỉnh miền Trung là những vùng dễ bị tổn thương do nước biển dâng và thiên tai xảy ra nhiều. Do vậy, người dân nơi đây đã tích luỹ được kiến thức bản địa từ nhiều năm nay để chống chịu với những hiện tượng cực đoan. Mục tiêu quan trọng của dự án là tích hợp được kiến thức bản địa vào việc giảm tính dễ bị tổn thương do BĐKH thông qua các công nghệ truyền thông.
Giám đốc khẳng định, ĐHQGHN tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu BĐKH, có đội ngũ chuyên gia về BĐKH mạnh, đánh giá được thiệt hại về kinh tế, thích ứng và giảm thiểu BĐKH. Một dự án “thông minh” cần phải được thực hiện một cách “thông minh”, tuân theo thoả thuận hợp tác giữa 2 nước liên quan đến nguồn vốn tài trợ ODA.