Phía đối tác Uruguay có sự tham dự của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Uruguay tại Việt Nam Raul Silveira, bà Graciela Do Mato, Thành viên Ban Giám đốc và ông Rafael Alvariza Allende, Chuyên gia phụ trách hợp tác quốc tế của Trường ĐH Công nghệ Uruguay. Giới thiệu với lãnh đạo ĐHQGHN về UTEC, bà Graciela cho biết dù là một trường đại học non trẻ mới tròn sáu tuổi, nhưng UTEC đi theo định hướng nghiên cứu ứng dụng trong khối ngành STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), với mục tiêu phát triển nền giáo dục đại học tân tiến và đóng góp cho sự tiến bộ chung của đất nước Uruguay. Bà Graciela Do Mato, Thành viên Ban Giám đốc của Trường Đại học Công nghệ Uruguay chia sẻ dù UTEC là một trường nhỏ, chưa có nhiều sinh viên nhưng trường đang từng bước phát triển và việc mở rộng hợp tác với các ĐH trên thế giới, bao gồm ĐHQGHN là hết sức cần thiết. Hiện nay, UTEC có đội ngũ giảng viên gần 400 cán bộ, hàng năm trung bình nhận 30 giảng viên thỉnh giảng. Năm 2019, trường có tổng số gần 1800 sinh viên, trong đó có 30 sinh viên quốc tế, theo học tại ba cơ sở đặt tại phía Bắc, phía Nam và Tây Nam Uruguay. Các lĩnh vực mà UTEC tập trung đào tạo đó là Logistics, Quản lý tài nguyên nước, Năng lượng tái tạo, Công nghệ thông tin, Khoa học thực phẩm, Khoa học về bơ sữa, Cơ điện tử, Y – sinh, Âm nhạc sáng tạo và Jazz. 100% các môn học của UTEC đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ dù khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Uruguay xa nhau, ĐHQGHN đã từng ghi nhận sự đóng góp và trao bằng Tiến sỹ danh dự cho Cựu Phó Tổng thống Uruguay Danilo Astori, đây là tiền đề tốt đẹp cho sự hợp tác giữa ĐHQGHN và các đối tác Uruguay. Với những trọng tâm đào tạo và nghiên cứu về STEAM, Trường Đại học Công nghệ Uruguay và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN có sự tương đồng nhất định, Phó hiệu trưởng trường ĐH KHTN Nguyễn Tiền Giang giới thiệu Nhà trường là đơn vị dẫn đầu tại Việt Nam về nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên với 97% cán bộ giảng viên đều có trình độ từ Tiến sĩ trở lên và hàng năm cho ra đời 300 bài báo và công bố quốc tế. Dựa trên cơ sở đối chiếu chương trình đào tạo giữa hai bên, đại diện Trường ĐHKHTN chỉ ra tiềm năng hợp tác của hai đơn vị ở các lĩnh vực như Quản lý tài nguyên nước, Năng lượng tái tạo, Công nghệ thông tin, Khoa học thực phẩm, Cơ điện tử và Y – sinh. Phó Trưởng ban Hợp tác và Phát triển ĐHQGHN Lê Tuấn Anh gợi ý các bên có thể tiếp tục thảo luận trực tiếp sau buổi tiếp xúc này để xây dựng kế hoạch hợp tác chung nếu có. Ngoài ra, hai bên có thể xem xét khả năng tổ chức các hội thảo chung về các lĩnh vực mà hai bên cùng có thể mạnh để các nhà khoa học của hai đơn vị có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. >>> Các tin liên quan: Vài nét về con người, đất nước và Phó tổng thống Cộng hòa Đông U-ru-guay Ngài Danilo Astori: Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ luôn trong trái tim tôi
|