Tôi rất hạnh phúc được đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, được gìn giữ và trùng tu thật sự tuyệt vời, vào thời điểm chuyến thăm và làm việc với chương trình dày đặc của tôi tại Việt Nam sắp kết thúc.
Trong hai ngày vừa qua, tôi có ấn tượng đặc biệt về sức sống mạnh mẽ của các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta trong tất cả các lĩnh vực, mà trước hết phải kể đến lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Việc giảng dạy bằng tiếng Pháp tại Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội chính là một minh chứng rõ nét cho những mối quan hệ tốt đẹp đó.
Tôi cũng ngạc nhiên nhận thấy rằng Việt Nam cũng như Pháp hiện đều đặc biệt quan tâm đến vị trí của pháp luật và áp dụng pháp luật trong xã hội mang tính toàn cầu hóa ở mỗi nước chúng ta.
Đó chính là những nội dung mà tôi mong muốn được trao đổi tại đây ngày hôm nay.
*
Pháp luật và áp dụng pháp luật giờ đây đã trở thành những yếu tố có ý nghĩa kinh tế vô cùng lớn. Pháp luật và áp dụng pháp luật là một phần quan trọng tạo nên sức hút kinh tế của mỗi đất nước.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể vui mừng nhận thấy rằng hoạt động giao lưu trao đổi giữa sinh viên, giảng viên, và người hành nghề luật của các nước khác nhau với các truyền thống pháp lý khác nhau đang ngày càng được tăng cường: chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một "cộng đồng" luật gia toàn cầu thực sự mà trong cộng đồng đó mỗi thành viên đều có điều kiện để nghiên cứu, học hỏi những cái hay, cái ưu việt của các hệ thống pháp luật khác nhau trên tinh thần đảm bảo tính hiệu quả, bỏ qua một bên mọi tư tưởng quốc gia chủ nghĩa về pháp luật.
Đó chính là hai xu hướng rất đáng để chúng ta quan tâm.
Nước Pháp chủ trương điều chỉnh và hiện đại hóa hệ thống pháp luật của mình sao cho phù hợp với các xu hướng của thời đại như tôi vừa nói, nhưng đồng thời vẫn giữ gìn, bảo vệ những nét riêng biệt của truyền thống pháp luật Pháp.
Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm sao để pháp luật tạo ra được sức thu hút về kinh tế, cũng như đến sự cần thiết phải không ngừng thích ứng hệ thống pháp luật với những đòi hỏi mới của thời đại, đặc biệt là những đòi hỏi của quá trình toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng tin tưởng sâu sắc rằng không thể có một mô hình pháp luật duy nhất mà mọi quốc gia đều phải đi theo, và quan điểm trên không có gì là mâu thuẫn.
Không một hệ thống pháp luật nào có thể được coi là đương nhiên cao hơn và ưu việt hơn so với các hệ thống pháp luật khác. Mỗi hệ thống pháp luật đều có những ưu điểm và nhược điểm, điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không một hệ thống pháp luật nào có thể tự coi là tuyệt đối và hoàn toàn vượt trội so với các hệ thống pháp luật khác.
Chính vì vậy, mỗi nước chúng ta khi đứng trước sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt đều cần phải ý thức được yêu cầu bảo vệ đến mức cao nhất các truyền thống và văn hóa pháp lý của riêng mình, đồng thời thúc đẩy những bước phát triển mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài.
Đó chính là con đường mà nước Pháp muốn lựa chọn.
*
Nói một cách đơn giản nhất, tất cả chúng ta đều biết rằng trên thế giới có hai hệ thống pháp luật lớn: pháp luật Anh Mỹ, hay còn gọi là « Common Law », và pháp luật thành văn. Gần 60% các quốc gia trên thế giới đi theo hệ thống pháp luật thành văn; đây là điều thường ít khi được nhắc tới!
Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật Cộng hòa Pháp đều thuộc hệ thống pháp luật thành văn. Đây chính là một yếu tố tạo nên sự gần gũi giữa hai nước chúng ta.
Vì lý do đó, hai nước Pháp và Việt Nam chúng ta đều có đầy đủ vị thế để xem xét tính đúng đắn của những lời phê bình được đưa ra dưới vỏ bọc đánh giá tính hiệu quả của pháp luật các quốc gia trong thế giới kinh tế, nhưng mục đích thực chất chỉ là nhằm áp đặt một mô hình pháp luật duy nhất làm chuẩn mực, đó là mô hình pháp luật theo hệ thống « Common Law ». Những "phê bình" mà tôi muốn nói tới ở đây trước hết chính là những kết luận được Ngân hàng thế giới đưa ra trong các báo cáo « Doing Business » của họ.
Những báo cáo này được xây dựng dựa trên một cách tiếp cận rất phiến diện về pháp luật, với những tiêu chí quá giản đơn và đáng tranh cãi và do vậy đã dẫn đến những kết quả phi lý mà trong đó chúng ta không còn có thể nhận ra mình nữa.
Tôi lại thêm một lần nữa không tin tưởng vào tính hiệu quả của cái gọi là mô hình duy nhất, vào cái mà các nước Anh - Mỹ thường gọi là «one size fits all».
Dĩ nhiên chúng ta không nên có thái độ quá cứng nhắc về sự phân định ranh giới và đối lập giữa các hệ thống pháp luật, nhưng chúng ta cũng cần phải khẳng định những điểm mạnh của pháp luật thành văn, hay còn gọi là pháp luật "Châu Âu lục địa".
Vì là luật thành văn cho nên đặc trưng của hệ thống pháp luật này là rất cụ thể, mọi công dân đều có thể hiểu và tiếp cận. Nhưng sự chặt chẽ và cụ thể của các quy phạm cũng không ngăn cản quyền diễn giải của tòa án để cho phép các quy phạm đó thích ứng được với sự phát triển của xã hội.
Những ảnh hưởng qua lại giữa luật pháp, các quy định thành văn, án lệ, thực tiễn áp dụng pháp luật và nghiên cứu pháp luật đã tạo nên một tổng thể độc đáo, phong phú, liên tục phát triển và hết sức hiện đại.
Đó là một hệ thống pháp luật đã dung hòa được sự phức tạp ngày càng lớn của cuộc sống hiện tại đặc biệt với những yêu cầu của môi trường kinh doanh, trong khi những nguyên tắc nền tảng của hệ thống pháp luật này vẫn tiếp tục là những yếu tố đảm bảo cho sự thống nhất và trường tồn của nó.
Nước Pháp vì vậy có đầy đủ lý do để kiên định duy trì mô hình pháp luật lục địa và tìm cách phát huy, thúc đẩy sự phát triển của mô hình đó. Xét dưới nhiều góc độ, đây cũng là mô hình rất phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam.
Chính vì lẽ đó mà cách đây không lâu, với sự thúc đẩy của Tổng thống, chúng tôi đã thành lập một Quỹ chuyên biệt có nhiệm vụ phổ biến các nguyên tắc và phát huy các thành tựu của hệ thống pháp luật Pháp.
Chúng tôi mong muốn cơ quan này sẽ thực sự đóng vai trò là một cơ cấu thúc đẩy sự phát triển của pháp luật thành văn, hướng tới ba mục tiêu cơ bản:
· Tăng cường sự hiện diện quốc tế của các tác nhân pháp luật, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế,
· Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc làm chủ những rủi ro pháp lý và tư pháp khi hoạt động trên phạm vi quốc tế,
· Xây dựng chiến lược gây ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các nhà tài trợ quốc tế.
Với cơ cấu mềm dẻo, Quỹ tập hợp bốn nhóm tác nhân: doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các nghề pháp luật và các trường đại học.
Đối với doanh nghiệp, cá nhân tôi đã bầy tỏ mong muốn phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Chính vì lý do đó cho nên lĩnh vực này đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của Quỹ.
Tổ chức của Quỹ đang trong quá trình hoàn thiện và ngay từ bây giờ Quü đã bắt đầu triển khai các hoạt động hết sức cụ thể, đặc biệt trên cơ sở phối kết hợp vác các Quỹ khác ở nước ngoài.
Đây là một công cụ mới, ngang tầm với những tham vọng của chúng tôi.
Chúng tôi mong muốn rằng các hoạt động của Quỹ này sẽ nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng các luật gia ở khắp mọi nơi trên thế giới. Xét từ góc độ này, Việt Nam có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Thật vậy, chúng ta có thể cùng nhau làm được rất nhiều việc. Nhiều dự án hợp tác giữa hai nước chúng ta trong các lĩnh vực pháp luật và tư pháp đã minh chứng rõ nét cho nhận định đó.
Nhờ vào những mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nước, quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp đã đạt được những thành tự to lớn, đặc biệt thông qua các hoạt động tích cực của Nhà Pháp luật Việt - Pháp tại Hà Nội.
Kể từ khi được thành lập năm 1993 cho đến nay, Nhà Pháp luật đã triển khai rất nhiều hoạt động hợp tác giữa hai nước dựa trên sự hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của mỗi nước, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các luật gia, nhà hoạt động chuyên môn và giới nghiên cứu của hai nước trao đổi thông tin, kinh nghiệm với nhau.
Nhà Pháp luật đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cho các nghề pháp luật, bao gồm luật sư, thẩm phán, công chứng viên v.v…
Hoạt động đào tạo mang tính thực tiễn nhiều hơn học thuật đó cũng góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự trao đổi giữa các cộng đồng nghề luật của hai nước. Và trên phương diện này, tôi thiết nghĩ cũng cần tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác, bằng cách đưa ra những chương trình đào tạo kỹ thuật trình độ cao, tạo nguồn nhân lực để phục vụ không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường Châu Âu mà còn cho các doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào Việt Nam.
Tương tự như vậy, vai trò của Nhà Pháp luật trong lĩnh vực trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật và phổ biến, thông tin pháp luật cũng hết sức quan trọng. Ví dụ như trong thời gian qua, các hoạt động của Nhà Pháp luật đã góp phần tích cực cho việc xây dựng luật Công chứng của Việt Nam.
Tôi cũng hết sức hoan nghênh đội ngũ chuyên gia ngôn ngữ pháp luật của Nhà Pháp luật, những người đã góp phần dịch nhiều văn bản quy phạm pháp luật và Bộ luật của Pháp sang tiếng Việt và ngược lại.
Tựu chung lại, Nhà Pháp luật là một công cụ quý giá và tôi tin tưởng rằng Nhà Pháp luật sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động, góp phần giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta.
*
Trước khi kết thúc bài phát biểu này, xin cho phép tôi được bày tỏ sự cảm ơn đối với những nỗ lực của toàn bộ các tác nhân tham gia vào hoạt động hợp tác pháp luật Việt-Pháp trong đó có cả các văn phòng luật sư và tư vấn đang hoạt động tại Việt Nam. Hoạt động thực tiễn của họ đã góp phần không nhỏ vào việc phát huy pháp luật thành văn cũng như pháp luật Pháp.
Tôi cũng muốn chia sẻ với tất cả các tác nhân hợp tác pháp luật rằng mặc dù thành tựu hợp tác đạt được là rất to lớn, nhưng chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Hoạt động hợp tác phải liên tục đối mới, tiến lên không ngừng chứ không thể chỉ nhằm bệnh vực hệ thống pháp luật của chúng ta. Các hoạt động hợp tác đó phải chứng minh được sự hiện diện mạnh mẽ của pháp luật Pháp trên trường quốc tế, đồng thời cho thấy được rằng hệ thống pháp luật này sẽ góp phần quan trọng như thế nào trong việc giải quyết những thách thức của tương lai.
Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị.
|