Lãnh đạo hai cơ quan đã tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến việc triển khai đào tạo từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông tại một số địa phương của Việt Nam. Trong quan hệ hợp tác này, thế mạnh của Sony là cung cấp trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm trong việc triển khai thành công dự án đào tạo từ xa tại Nhật Bản,…; ĐHQGHN có thế mạnh về đội ngũ giảng viên và xây dựng chương trình đào tạo,…
GS.TS Mai Trọng Nhuận và ngài Yoshitaka Shibasaki cũng trao đổi một số khó khăn cần giải quyết khi triển khai dự án: việc xây dựng văn hóa học từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông cho người học, tạo dựng văn hóa học điện tử, đào tạo đạt chuẩn và đáp ứng theo nhu cầu của xã hội trong điều kiện học phí không cao và phương tiện máy móc cần trang bị tương đối hiện đại,…
Trên nguyên tắc chương trình đào tạo từ xa phải đạt chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu của xã hội, Sony và ĐHQGHN cùng xem xét việc triển khai dự án đào tạo từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông theo lộ trình thực hiện từng bước ngắn, gắn với việc hoàn thiện và nâng cấp hệ thống studio, nguồn học liệu mở, tài nguyên giáo trình, chương trình… sẵn có của ĐHQGHN.
Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông, ĐHQGHN và Sony sẽ lựa chọn những địa phương đã có tuyến mạng cáp quang của Vietel phủ sóng để triển khai chương trình đào tạo này.
Nếu chương trình hợp tác đào tạo từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông giữa Sony và ĐHQGHN thành hiện thực thì đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của giáo dục đại học Việt Nam - triển khai thành công phương thức đào tạo từ xa theo đúng nghĩa.
|