Đây là kết quả ứng dụng chuyển giao của đề tài “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu ô đầu, ý dĩ, tam thất, đan sâm vùng Tây Bắc”, thuộc Chương trình Tây Bắc. Để có thêm thông tin về sản phẩm này, Website ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐHQGHN. Đan sâm (trái) và Tam thất (phải) những vị thuốc quý của vùng cao Tây Bắc
- PGS. có thể cho biết một số thông tin chung về công nghệ sản xuất viên hoàn giọt thảo dược? Trong y dược học cổ truyền, dạng thuốc viên tròn được ứng dụng để bào chế nhiều loại thuốc và thường gọi là thuốc viên hoàn. Thuốc viên hoàn được sản xuất bằng một số kỹ thuật như: Kỹ thuật bao bồi dần; Kỹ thuật đùn, cắt, tạo cầu. Thuốc viên hoàn thường sử dụng bột dược liệu, cao toàn phần dược liệu làm nguyên liệu bào chế vì thế có một số nhược điểm như: liều dùng lớn, khả năng giải phóng dược chất khó kiểm soát, tác dụng của thuốc khó đồng nhất, dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn,… Trong y dược học hiện đại, dạng thuốc viên tròn đã được ghi nhận từ lâu trong các y văn thế giới. Thuốc viên tròn được sản xuất bằng nhiều phương pháp trong đó có kỹ thuật nhỏ giọt. Thuốc viên tròn nhỏ giọt, do áp dụng không hiệu quả đối với các thuốc tân dược (chỉ phù hợp với các thuốc có mức liều nhỏ), vì thế công nghệ này rất ít phổ biến và gần như đã bị mai một. Như vậy, trước đây trong y dược học cổ truyền chưa có kỹ thuật sản xuất viên hoàn bằng kỹ thuật nhỏ giọt (viên hoàn giọt). Khi phát triển các sản phẩm điều trị các bệnh tim mạch thuộc đề tài phát triển dược liệu Tây Bắc, nhóm Nghiên cứu của Khoa Y Dược nhận thấy dạng thuốc viên tròn nhỏ giọt rất phù hợp để phát triển các sản phẩm thuốc từ đan sâm, tam thất trên quan điểm hiện đại hóa thuốc y dược học cổ truyền. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo kỹ thuật bào chế viên tròn nhỏ giọt vào bào chế thuốc y dược học cổ truyền dân tộc. Để phát triển thành công được dạng thuốc viên hoàn giọt thảo dược, nhóm cần giải quyết được một số vấn đề như: Tách chiết được phân đoạn hoạt chất có tác dụng sinh học mong muốn, có độ phân cực phù hợp nhất để hấp thu qua màng sinh học để sử dụng bào chế thuốc; phát triển lại công nghệ sản xuất thuốc viên tròn nhỏ giọt đã bị lãng quên. Viên tròn thảo dược Nhóm phát triển được bằng công nghệ nhỏ giọt, có rất nhiều ưu điểm mới như: Liều sử dụng thấp hơn; có thể sử dụng bằng cách đặt dưới lưỡi để được hấp thu tốt hơn; Sử dụng các tá dược có khả năng tăng tính thấm, tăng thời gian bán thải giúp tăng sinh khả dụng của thuốc; Sản phẩm ổn định hơn; Thuận lợi hơn để đảm bảo chất lượng thuốc. - Hiện trên thị trường đã xuất hiện những dây chuyền sản xuất viên hoàn do nước ngoài (Trung Quốc) cung cấp. Lí do nào mà ông và các đồng nghiệp lại miệt mài để nghiên cứu phát triển công nghệ từ đầu? | PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐHQGHN |
Hiện tại trong nước mới sản xuất thuốc viên hoàn bằng các kỹ thuật như: bao bồi dần; đùn, cắt, tạo cầu. Chưa có đơn vị và dây chuyền sản xuất viên hoàn bằng công nghệ nhỏ giọt. Hệ thống công nghệ sản xuất thuốc viên hoàn nhỏ giọt được Trung Quốc phát triển và đăng ký patent vào năm 2007-2008, và đang ứng dụng để phát triển thành công một số thuốc từ dược liệu. Thực tế, đây cũng là sự phát triển, kế thừa kỹ thuật sản xuất viên tròn bằng phương pháp nhỏ giọt của dược học hiện đại. Do trong nước chưa có các dây chuyền công nghệ này, chính vì thế để phát triển thành công sản phẩm và nhanh chóng đưa vào thực tiễn sản xuất, Nhóm đã tập trung nhiều công sức để chế tạo thiết bị nguyên mẫu. Trong quá trình nghiên cứu có nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng có thuận lợi là ý tưởng công nghệ đã có trong y văn thế giới. Nỗ lực của nhóm đã giúp tạo ra được nhiều sáng kiến để hoàn thiện dây chuyền thiết bị và giúp chủ động hơn trong quá trình phát triển sản phẩm. - Nên hiểu thế nào cho đúng về viên hoàn giọt thảo dược, thưa PGS? Viên hoàn giọt thảo dược mà Nhóm phát triển, mặc dù không phải là một dạng bào chế mới nhưng có thể coi là một ứng dụng mới để hiện đại hóa bào chế các thuốc y học cổ truyền. Công nghệ bào chế viên hoàn giọt thảo dược do Nhóm phát triển được đặt tên là công nghệ Phytosol. Để bào chế dạng thuốc này, thảo dược cần được chiết xuất bằng các dung môi và phương pháp thích hợp để tách lấy nhóm chất có tác dụng sinh học và có mức độ phân cực tối ưu để hấp thu qua màng sinh học. Trong dạng thuốc, các hoạt chất tồn tại ở dạng hòa tan trong hỗn hợp Polyme (hệ tá dược hiện đại) có tác dụng ổn định, tăng hấp thu và thời gian bán thải, giúp tăng sinh khả dụng và tác dụng sinh học. Bằng công nghệ Phytosol liều dùng của thuốc thấp hơn, sử dụng thuận lợi hơn, có thể dùng theo đường dưới lưỡi giúp thuốc cho tác dụng nhanh hơn, tác dụng kéo dài hơn… Trong trường hợp viên hoàn giọt VNUBotimax do Nhóm phát triển bằng công nghệ Phytosol, do tách chiết được các tinh chất cho hoạt tính nên kích thước viên chỉ cần rất nhỏ nhưng cũng chứa đủ hàm lượng hoạt chất cho tác dụng. Ngoài ra công nghệ Phytosol cũng giúp VNUBotimax có nhiều ưu điểm nữa về độ ổn định, về cách dùng, về hấp thu, về sinh khả dụng như đã giới thiệu trên đây. - Viên hoàn giọt thảo dược VNUBotimax mang lại những lợi ích như thế nào đối với người sử dụng? Viên tròn giọt do Nhóm phát triển từ đan sâm, tam thất với mục đích để điều trị và phòng ngừa các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh có thắt mạch vành. Như đã biết, các bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh nguy hiểm, đe dọa cuộc sống và sức khỏe, tỷ lệ người mắc ngày càng cao. Bệnh thường kéo dài và đòi hỏi điều trị bằng thuốc trong thời gian dài. Viên tròn giọt VNUBotimax mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng như: + Tác dụng của thuốc đã được khẳng định hàng nghìn năm nay trong y dược học cổ truyền phương Đông. + Có nguồn gốc thảo dược, có độ an toàn cao vì thế rất thích hợp cho sử dụng dài lâu để điều trị dự phòng; + Dạng thuốc nhỏ gọn, thuận lợi mang theo người để sử dụng; + Cho tác dụng nhanh và kéo dài do có thể được sử dụng theo đường dưới lưỡi; + Dùng thuốc rất dễ chịu, người bệnh dễ chấp nhận; + Độ ổn định của thuốc cao giúp bảo quản một cách thuận lợi hơn. - Được biết, ông và các cộng sự hướng đến việc tinh chiết một số sản phẩm đông dược đặc thù của vùng Tây Bắc. Đâu là lí do để nhóm nghiên cứu của ông quan tâm nghiên cứu đến nguồn dược liệu này? Đất nước ta rất phong phú về dược liệu và kinh nghiệm sử dụng dược liệu để chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là vùng Tây Bắc, nơi có nhiều điều kiện đặc hữu về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu. Thế mạnh này nếu phát huy được không những sẽ tạo được tính đặt thù cho ngành Dược mà còn giúp phát triển bền vững được các vùng miền nhờ tham gia vào chuỗi giá trị dược liệu.
Trên thực tế, hiện nay hầu hết nhân dân thu hái dược liệu ngoài tự nhiên và sử dụng theo kinh nghiệm riêng. Chính vì thế có nhiều nguy cơ dẫn đến làm cạn kiệt nguồn cung và thất truyền nhiều kinh nghiệm quí. Là những người công tác trong lĩnh vực y dược, Nhóm chúng tôi nhận thức được các thế mạnh và các nguy cơ đó chính vì thế đã có nhiều suy nghĩ về tiềm năng này. Để có thể phát huy được thế mạnh của vùng Tây Bắc giúp phát triển bền vững, phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân Nhóm nhận thấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa cây trồng dựa trên thế mạnh về dược liệu có thể là một giải pháp tốt. Bên cạnh việc phát triển vùng trồng, cung cấp dược liệu chuẩn thì cần thiết phải nghiên cứu để hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa trong việc sử dụng dược liệu. Tách chiết các hợp chất có tác dụng sinh học từ dược liệu chính là để đáp ứng các mục tiêu nói trên và giúp chúng tôi phát triển thành công công nghệ Phytosol để bào chế thuốc hoạt lực cao có nguồn gốc tự nhiên. - Công nghệ hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đang xu thế của khoa học chăm sóc sức khỏe hiện nay. Theo PGS, thì làm thế nào để khoa học hóa được các bài thuốc cổ truyền và nếp sản xuất của người dân bản địa - nơi có vùng dược liệu? Phát triển thuốc hiện đại trên cơ sở thuốc cổ truyền có một lợi điểm rất lớn là có nguồn gốc tự nhiên và tác dụng đã được khẳng định từ lâu trong thực tiễn điều trị. Tuy nhiên tác dụng của thuốc cổ truyền mới ở mức kinh nghiệm nên rất cần thiết phải được soi sáng bằng các tri thức khoa học hiện đại. Một điều rất khó của phát triển dược liệu là làm sao để dược liệu có chất lượng ổn định và đồng nhất, vì nếu không ổn định và đồng nhất thì các bài thuốc sử dụng các dược liệu đó cũng không thể có tác dụng ổn định và đồng nhất. Chính vì thế việc chuẩn hóa qui trình trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu và tiêu chuẩn hóa dược liệu là hết sức quan trọng. Một hướng khác để phát triển, sử dụng các bài thuốc cổ truyền là bào chế dưới dạng thuốc hiện đại. Theo hướng này cần nhiều nghiên cứu khác nhau như: thành phần hóa học của các dược liệu đơn; thành phần hóa học của cả bài thuốc; các khả năng tương tác lẫn nhau khi bài thuốc được sắc; sàng lọc tác dụng sinh học in vitro, in vivo để tìm ra nhóm hoạt chất chính; kỹ thuật tách chiết lấy phân đoạn có tác dụng; bào chế các dạng thuốc thích hợp; đánh giá tác dụng trong thực tiễn điều trị. Trong các quá trình đó vấn đề tiêu chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng cũng cần được đặt ra. Như vậy trồng trọt, thu hái, chế biến để thu được dược liệu chuẩn là giai đoạn rất quan trọng giúp hình thành nguồn cung dược liệu chuẩn. Khâu này thường do người dân đảm nhiệm. Để người dân hình thành nếp sản xuất theo yêu cầu GACP cần nhiều công sức, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Bên cạnh nỗ lực của các nhà khoa học giúp hình thành các qui trình chuẩn trong trồng trọt, thu hái và chế biến, cần triển khai đào tạo, tập huấn cho người dân; cần sự ủng hộ cam kết của các doanh nghiệp và sự chỉ đạo quyết liệt của các nhà quản lý. Để có thể phát triển thành công nguồn cung dược liệu hàng hóa, ở giai đoạn đầu, nên tập trung đầu tư và hỗ trợ phát triển những cây thuốc mà người dân ở khu vực đã có tập quán trồng trọt. - Sản phẩm viên hoàn giọt tam thất là một minh chứng thiết thực cho việc kết hợp giữa 3 nhà (nhà khoa học, nhà sản xuất/ doanh nghiệp và nhà dân/ địa phương). Ông có thể chia sẻ thêm về hướng phát triển tiếp theo của bộ kiềng ba chân này? Quá trình phát triển viên hoàn giọt VNUBotimax là một minh chứng cho việc kết hợp giữa ba nhà: Nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, nhà sản xuất/doanh nghiệp (Công ty Dược phẩm Quảng Bình) và nhà dân/địa phương. Để phát triển thành công cây dược liệu, phát huy được sức mạnh tổng hợp của sự hợp tác này là yếu tố quyết định. Hiện tại, hầu hết các dược liệu đều thiết cho nhu cầu sử dụng, vì thế ở giai đoạn một nên bắt đầu từ nhà dân/địa phương để đưa ra quyết định trồng dược liệu gì. Như đã trình bày trên đây, nếu người dân/địa phương đã có tập quán trồng dược liệu gì thì nhà khoa học và doanh nghiệp nên cùng hợp tác để khoa học hóa và phát triển thị trường. Như vậy sẽ nhanh chóng tạo ra được dược liệu hàng hóa hơn, tránh phải qua các giai đoạn thử - sai. Khi sản xuất dược liệu đã nền nếp thì việc phát triển thêm chủng loại hoặc diện tích trồng sẽ thuận lợi hơn.
Vai trò của nhà khoa học là hết sức quan trọng trong việc dẫn dắt, đảm bảo để thu được dược liệu tiêu chuẩn; khẳng định được cơ sở khoa học của việc sử dụng dược liệu; phát triển được đa dạng các phương thức sử dụng dược liệu, tạo được niềm tin cho Doanh nghiệp. Nhà doanh nghiệp sử dụng dược liệu làm phương thức kinh doanh, với các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng niềm tin của người dân, nhu cầu sử dụng sẽ tăng dẫn tới làm tăng nhu cầu cho dược liệu đó và qua đó kích thích làm phát triển vùng trồng. Để phát triển bền vững, vấn đề bảo hộ nguồn gốc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý cho dược liệu và tri thức sử dụng dược liệu cũng cần được đặt ra, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững ... Nhóm nghiên cứu Phát triển Thuốc, Khoa Y Dược, ĐHQGHN xin chân thành cám ơn Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ĐHQGHN, Chương trình Tây Bắc và đặc biệt là nhân dân vùng Tây Bắc đã tạo điều kiện, giúp đỡ chúng tôi thực hiện nghiên cứu này. Trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải. >>> Bài liên quan trên website ĐHQGHN: - Tìm hướng đi cho cây tam thất - ĐHQGHN và UBND tỉnh Lào Cai cam kết cùng thực hiện nhiều nhiệm vụ hợp tác giai đoạn 2015 -2020
- ĐHQGHN góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV - Các nhà khoa học ĐHQGHN tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị tỉnh Tuyên Quang - ĐHQGHN góp ý Báo cáo chính trị tỉnh Thanh Hóa - Báo điện tử Chính phủ: Lào Cai phấn đấu thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc
>>> Website Chương trình Tây Bắc: http://taybac.vnu.edu.vn
|