Tin văn bản pháp luật
(liên quan đến hoạt động của ĐHQGHN do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành từ ngày 1 đến 31/8/2008)
|
-
Ngày 13/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Nghị định có các nội dung chủ yếu như: nghiêm cấm việc tạo điều kiện, cho phép sử dụng phương tiện điện tử thuộc quyền của mình để gửi, chuyển tiếp thư rác; trao đổi mua bán hoặc phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử; sử dụng các phần mềm để thu thập địa chỉ điện tử khi không được phép của người sở hữu địa chỉ điện tử đó; trao đổi, mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư rác. Có 2 loại thư rác là: thư điện tử, tin nhắn với mục đích lừa đảo, quấy rối hoặc phát tán virus máy tính, phần mềm gây hại; thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo vi phạm các nguyên tắc gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo. Mức phạt tiền cao nhất là 80 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử mà máy chủ gửi thư điện tử quảng cáo không đặt tại Việt Nam; Cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet có máy chủ dịch vụ gửi tin nhắn không đặt tại Việt Nam; Cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn mà không sử dụng số thuê bao gửi tin nhắn quảng cáo do nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn Việt Nam cấp. Ngoài ra, phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thu thập địa chỉ điện tử cho mục đích quảng cáo không được sự đồng ý của người sở hữu địa chỉ đó. Hành vi tạo điều kiện, cho phép người khác sử dụng phương tiện điện tử thuộc quyền của mình để gửi, chuyển tiếp thư rác sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Mức phạt 20 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi trao đổi, mua bán hoặc phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử; trao đổi mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư rác. Gửi quá 5 thư điện tử quảng cáo đến 1 địa chỉ thư điện tử trong 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận, sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Không phải nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mà vẫn gửi thư điện tử hoặc tin nhắn quảng cáo khi chưa được người nhận đồng ý thì bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Nghị đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
-
Ngày 22/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN). Theo đó, BHXHVN là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện theo quy định của pháp luật. Chính phủ đã giao cho BHXHVN 28 nhiệm vụ, quyền hạn; với cơ cấu tổ chức chặt chẽ, gồm 12 tổ chức giúp việc cho Tổng Giám đốc và 6 tổ chức là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. BHXHVN chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế, của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
-
Ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội. Cụ thể, có 4 nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu chung bao gồm: Các đối tượng được khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg; Đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở một số vùng theo các Quyết định số: 24, 25, 26 và 27/2008/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ; Người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 130% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định. Ngân sách Nhà nước bảo đảm nguồn đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc nhóm 1, 2 và 3 và hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc nhóm 4. Ngoài ra, ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ 100% kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; hỗ trợ 50% kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2008.
-
Ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ban hành Quy đinh về công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Theo đó, việc công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện đối với các loại tài sản: nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng, phương tiện đi lại, tài sản được quy định là tài sản cố định (hữu hình) theo quy định về chế độ quản lý tài sản cố định được hình thành từ nguồn gốc ngân sách; Tài sản là hàng viện trợ, quà biếu, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, được Nhà nước giao cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng. Về nguyên tắc, cơ quan có trách nhiệm công khai quản lý, tài sản nhà nước phải cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về quản lý, sử dụng tài sản qua các hình thức: công bố trong các kỳ họp thường niên của cơ quan, đơn vị, tổ chức; Phát hành ấn phẩm; Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan; Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; Đưa thông tin lên trang thông tin điện tử và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có 6 nội dung công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gồm: Chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Kinh phí, kế hoạch đầu tư, mua sắm, trang bị tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với tài sản nhà nước (nội dung này được thực hiện định kỳ hàng năm, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch); Quản lý, sử dụng các tài sản được viện trợ, quà biếu, tặng cho. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận tài sản này, cơ quan, đơn vị nhận viện trợ, quà biếu, tặng cho phải công khai quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền và phương án sử dụng tài sản tại đơn vị mình và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng được tiếp nhận thông tin công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có quyền được chất vấn cơ quan, tổ chức, đơn vị về các nội dung công khai trên. Việc chất vấn được thực hiện theo quy chế công khai, dân chủ ở cơ sở. Người có trách nhiệm thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải trả lời chất vấn cho người chất vấn chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
|