Thông báo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sẽ thi trắc nghiệm thêm ba môn Lý, Hóa, Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 đang gây xôn xao trong dư luận. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long chung quanh vấn đề chuẩn bị cho việc tổ chức thi trắc nghiệm bốn môn trong hai kỳ thi quan trọng sắp tới.
Ông Bành Tiến Long: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông báo chủ trương thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 theo hướng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình cải tiến hình thức thi đã được đề ra tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2005.
Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn Ngoại ngữ và các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (nếu có quy định thi các môn này trong thông báo môn thi tốt nghiệp ngày 31-3-2007); các môn khác tiếp tục thi theo hình thức ra đề thi tự luận.
Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi trắc nghiệm đối với các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học; các môn khác tiếp tục thi theo hình thức ra đề thi tự luận. Đến năm 2008, sẽ thi thêm ba môn nữa bằng phương pháp trắc nghiệm: Toán, Sử, Địa. Riêng môn Văn vẫn thi theo hình thức tự luận hoặc có thể kết hợp tự luận với một phần trắc nghiệm.
|
Kiến thức cần phải tích lũy dần dần qua các năm học, không thể "học tủ, thi tủ". Ảnh chụp tại Trung tâm Thông tin Thư viện ĐHQGHN. Ảnh: Bùi Tuấn |
Hỏi: Dù đã nêu ra trong lộ trình, nhưng đến thời điểm cuối học kỳ 1 này, Bộ mới chính thức ra thông báo khiến nhiều trường THPT rất hoang mang. Về phía mình, Bộ đã có những chuẩn bị gì cho việc tổ chức thi trắc nghiệm bốn môn này?
Ông Bành Tiến Long: Tất cả các đề thi trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh đến nay đã chuẩn bị đủ cơ số và chúng tôi đang tiếp tục chuẩn bị đề cho môn Toán, Sử… Về cơ bản, thi trắc nghiệm ba môn hoàn toàn giống thi trắc nghiệm ngoại ngữ.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ sớm ban hành hướng dẫn cho từng môn; đồng thời, khoảng cuối tháng 1, Bộ sẽ phối hợp đài truyền hình Việt Nam tổ chức những buổi hướng dẫn trên truyền hình như đã làm với môn Ngoại ngữ, mỗi tuần ba buổi cho từng môn Lý, Hóa, Sinh.
Ngoài ra, chương trình học tập không có gì thay đổi. Sau khi có hướng dẫn, bộ khuyến khích các trường phổ thông, các Sở Giáo dục và Đào tạo cho các em kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm trong học kỳ 2.
Hỏi: Thưa ông, việc tổ chức thi trắc nghiệm khách quan ba môn Lý, Hóa, Sinh có đặc điểm gì khác so với môn Ngoại ngữ. Nếu đã có sẵn trong lộ trình, tại sao Bộ không có hướng dẫn sớm hơn cho các trường?
Ông Bành Tiến Long: Đúng là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phải có hướng dẫn sớm hơn. Nhưng thật ra thi các môn khác cũng giống như thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ mà chúng ta đã thực hiện: Về mặt kỹ thuật thì giống nhau, chỉ có nội dung là khác. Mà nội dung thi đều nằm trong chương trình đã học.
Riêng cấu trúc câu hỏi thi là thuộc trách nhiệm của Ban đề thi, làm thế nào đảm bảo được câu hỏi sát thực với chương trình đã học, không sai sót; số lượng của đề thi cũng không ít hơn môn Ngoại ngữ.
Hỏi: Nhưng với việc thông báo muộn màng như vậy, các trường chưa chưa kịp chuẩn bị, liệu có dẫn đến tình trạng khập khiễng giữa thi và học không, thưa ông?
Ông Bành Tiến Long: Dù có thi trắc nghiệm hay tự luận thì khối lượng kiến thức cũng không thay đổi, chỉ có thay đổi về mặt kỹ thuật. Trong khi đó, thi trắc nghiệm tạo được thuận lợi cho học sinh không bị áp lực, làm bài rất nhanh nếu đã nắm vững kiến thức. Trong quá trình làm đề trắc nghiệm, các nhà sư phạm cũng phải tổng hợp kiến thức, làm thế nào để không xảy ra tình trạng học sinh học thuộc lòng cũng làm được đề trắc nghiệm.
Hỏi: Vậy việc tổ chức thi đối với học sinh phân ban sẽ như thế nào?
Ông Bành Tiến Long: Việc tổ chức thi đối với học sinh phân ban thí điểm sẽ giống như năm ngoái, đề thi sẽ gồm hai phần dành cho học sinh phân ban và không phân ban. Nhưng chúng tôi cũng đang nghiên cứu để cố gắng làm một đề thi thống nhất là tốt nhất.
|