Ngày 5/9/2012 Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành quyết định số: 2929 /QĐ-ĐT chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học, mã số 62220113, thuộc ngành Việt Nam học
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TIẾN SĨ
Chuyên ngành: Việt Nam học
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2929/QĐ-ĐT, ngày 05/9/2012 của
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội)
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1.1. Mục tiêu chung
Nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam đã trở thành nhu cầu cấp thiết, một mặt đối với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, mặt khác đối với quá trình đầu tư và hợp tác của các nước và các tổ chức quốc tế với Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nhiều lĩnh vực giáo dục, việc đào tạo Việt Nam học ở bậc đại học và sau đại học đang được thực hiện ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu.
Với sứ mệnh là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định việc đào tạo tiến sĩ Việt Nam học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chương trình đào tạo tiến sĩ Việt Nam học góp phần đào tạo một số lượng đáng kể các chuyên gia Việt Nam học trong nước phục vụ cho chiến lược phát triển, mở cửa và hội nhập của Việt Nam và từ đó làm nòng cốt cho sự phát triển ngành Việt Nam học trên thế giới.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành Việt Nam học là đào tạo các chuyên gia có kiến thức rộng về đất nước, con người Việt Nam, có khả năng làm việc trong môi trường liên ngành và sử dụng thành thạo các kỹ năng nghiên cứu đa ngành, liên ngành, có khả năng phát hiện các đặc trưng của từng không gian văn hoá - xã hội cụ thể phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá Việt Nam.
Đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước cung cấp cho các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo Việt Nam học trên cả nước mà còn góp phần đào tạo một số lượng đáng kể các chuyên gia Việt Nam học của nhiều quốc gia trên thế giới phục vụ chiến lược phát triển và hội nhập của Việt Nam. Kết quả của quá trình đào tạo sẽ góp phần xây dựng và phát triển một số ngành khoa học mới ở Việt Nam như Khu vực học, Việt Nam học (liên ngành) và Khoa học phát triển. Đây cũng là một hướng phát triển mới của các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam và trên thế giới.
II. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
2.1. Về kiến thức
Tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học nắm được hệ thống lý thuyết hiện đại của quốc tế và Việt Nam về khu vực học và phương pháp nghiên cứu liên ngành, có khả năng áp dụng hệ thống lý thuyết hiện đại và phương pháp nghiên cứu tiên tiến vào nghiên cứu và giải quyết độc lập các vấn đề của Việt Nam, có khả năng đi sâu nghiên cứu và giải quyết các vấn đề về không gian văn hóa của các vùng hay khu vực của Việt Nam với tư cách là một đối tượng nghiên cứu tổng hợp. Kết quả nghiên cứu có thể những đóng góp nhất định cho việc xây dựng, hoạch định chính sách cho một địa phương, một khu vực hoặc một lĩnh vực cụ thể của đất nước.
2.2. Về kỹ năng
Tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học có những kỹ năng chủ yếu sau đây:
+ Có khả năng áp dụng một cách sáng tạo các phương pháp và kiến thức của thế giới trong lĩnh vực chuyên ngành vào giải quyết các vấn đề cụ thể của Việt Nam. Có khả năng nghiên cứu độc lập một vấn đề thuộc không gian văn hóa của một khu vực; có kỹ năng thuần thục trong việc khảo sát, điều tra điền dã, sử dụng thành thạo phương pháp nghiên cứu thực địa, khả năng khai thác, phân tích và tổng hợp tư liệu theo hướng nghiên cứu liên ngành;
+ Có phương pháp tư duy khoa học, tiên tiến, khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc hiệu quả theo nhóm;
+ Tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học có vốn ngoại ngữ tốt để đọc tài liệu và trao đổi học thuật với các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Chuẩn đầu ra ngoại ngữ của tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học chuẩn quốc tế đạt 6.0 IELTS hoặc tương đương.
2.3. Về phẩm chất đạo đức
Chương trình đào tạo tiến sĩ Việt Nam học sẽ cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực có đạo đức và nhân cách tốt; có trách nhiệm trong công việc và làm việc với thái độ tích cực, sáng tạo.
2.4. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp
- Tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học có thể đảm nhiệm các công việc chuyên môn liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đặc biệt có ưu thế ở những công việc đòi hỏi khả năng nghiên cứu tổng hợp, liên ngành.
- Tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học có thể đảm nhiệm các vị trí chủ chốt, nòng cốt trong các cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu Việt Nam học ở Việt Nam. Có thể tham gia các chương trình và dự án nghiên cứu quốc tế về các vấn đề về Việt Nam học nói chung hoặc các không gian văn hóa của các khu vực Việt Nam nói riêng.
III. TÊN VĂN BẰNG VÀ MÔN THI TUYỂN SINH
3.1. Tên văn bằng
- Tên tiếng Việt: Tiến sĩ ngành Việt Nam học
- Tên tiếng Anh: Doctor of Philosophy in Vietnamese Studies
3.2. Môn thi tuyển sinh
- Môn ngoại ngữ : Tiếng Anh (đạt chuẩn đầu vào tiếng Anh của chương trình nhiệm vụ chiến lược).
- Bảo vệ hồ sơ chuyên môn.
IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
4.1. Tóm tắt yêu cầu chương trình đào tạo
a. Đối với NCS có bằng thạc sĩ chuyên ngành đúng (chuyên ngành Việt Nam học)
Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 88 tín chỉ
+ Ngoại ngữ học thuật nâng cao: 4 tín chỉ
+ Khối kiến thức chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan: 14 tín chỉ
- Các chuyên đề bắt buộc : 6 tín chỉ
- Các chuyên đề tự chọn: 6 tín chỉ
- Tiểu luận tổng quan: 2 tín chỉ
+ Luận án tiến sĩ: 70 tín chỉ.
b. Đối với NCS có bằng thạc sĩ thuộc chuyên ngành gần với chuyên ngành Việt Nam học
Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 107 tín chỉ
+ Khối kiến thức bổ sung: 19 tín chỉ
- Khối kiến thức bắt buộc: 15 tín chỉ
- Khối kiến thức tự chọn: 4 tín chỉ
+ Ngoại ngữ học thuật nâng cao: 4 tín chỉ
+ Khối kiến thức chuyên đề tiến sĩ: như yêu cầu trong phần 4.1.a.
+ Luận án tiến sĩ: 70 tín chỉ.