1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Kim Nhung
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 07/11/1986
4. Nơi sinh: Hải Phòng
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 5658/QĐ-SĐH, ngày 17 tháng 11 năm 2008 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: quyết định thay đổi tên đề tài luận án số 685a/QĐ-SĐH, ngày 2 tháng 6 năm 2010 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
7. Tên đề tài luận án: Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị (nghiên cứu trường hợp quận Hoàn Kiếm và huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
8. Chuyên ngành: Xã hội học
9. Mã số: 62.31.30.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Cao Đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án
Thứ nhất, so với các công trình nghiên cứu đi trước, luận án không chỉ mô tả thực trạng người dân thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác, mà còn bổ sung các bình diện khác của sự tham gia, đó là các hoạt động gián tiếp, như đóng phí vệ sinh, kiểm tra/giám sát, tuyên truyền, vận động và đóng góp ý kiến trong quá trình ra quyết định. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhóm xã hội khác nhau thì có mức độ tham gia khác nhau trong quá trình trực tiếp và gián tiếp quản lý rác thải tại khu dân cư. Các cá nhân trong gia đình có thành viên tham gia quản lý cấp chính quyền và đoàn thể xã hội có mức độ tham gia tuyên truyền cao hơn các cá nhân khác. Nữ giới và những người hiện đang nghỉ hưu có mức độ tham gia cao hơn.
Thứ hai, sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng các quy định và chính sách quản lý rác thải trải dài trong một phổ, từ mức độ thấp nhất là tuân thủ các quy tắc được nhóm chính quyền đưa ra đến mức độ cao nhất là tham gia đóng góp ý kiến nhưng quyền quyết định thuộc về nhóm chính quyền. Mức độ tham gia của người dân tỷ lệ nghịch với tầm ảnh hưởng của từng quy định, nghĩa là những quy định có phạm vi ảnh hưởng càng nhỏ, như nội bộ trong khu dân cư thì mức độ tham gia của người dân càng cao và giới hạn quyền lực của người dân được mở rộng hơn. Ngược lại, khi phạm vi ảnh hưởng của quy định càng lớn, vượt ra ngoài nội bộ cộng đồng thì mức độ tham gia của nhóm dân cư trong cộng đồng càng thấp và giới hạn quyền lực của người dân cũng bị thu hẹp lại.
Thứ ba, luận án đã nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tham gia của người dân. Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải sẽ hiệu quả hơn khi đảm bảo sự đồng thuận giữa hai nhóm yếu tố, một bên là các yếu tố nhu cầu, động cơ, nhận thức của cá nhân và một bên là các thiết chế, gồm chính sách và các tập tục, thói quen của cộng đồng. Luận án đã phát hiện ra rằng sự thiếu minh bạch trong xây dựng và thực thi các quy định, cùng với sự thiếu quan tâm đến các nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương là những yếu tố hạn chế khả năng tham gia của các tầng lớp nhân dân trong quá trình quản lý rác thải đô thị. Bên cạnh đó, những thói quen của cộng đồng trong cách nhìn nhận về vai trò giới trong quá trình quản lý rác thải, tâm lý e ngại và thiếu chủ động trong các cuộc họp tại khu dân cư và hiệu quả truyền thông chưa cao cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân.
Thứ tư, luận án này đã đánh giá thực trạng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Những phân tích trong nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù đã có dấu hiệu của các yếu tố hướng đến sự bền vững như: cung cấp thêm cơ hội nghề nghiệp cho nhóm dân cư đô thị (nghề thu mua phế liệu), vận động người dân tham gia trong việc xây dựng và thực thi các chính sách về quản lý rác thải, hay những dự án cộng đồng huy động người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự bền vững kinh tế, xã hội và môi trường, chưa đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc của phát triển bền vững, gồm nguyên tắc phòng ngừa, nguyên tắc bình đẳng cùng thế hệ và nguyên tắc người sử dụng dịch vụ trả phí.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
- Là tài liệu tham khảo có thể sử dụng cho môn học Xã hội học Môi trường
- Luận án đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải, như tiếp tục duy trì hoạt động phân loại rác thải tại nguồn ở địa phương đã được thực hiện thí điểm phân loại rác theo dự án 3R, xây dựng một kênh phản hồi chính thức để qua đó người dân có thể gửi những ý kiến đánh giá trực tiếp đến công ty vệ sinh môi trường về các dịch vụ môi trường họ đang được hưởng, và thực hiện quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân về việc xây dựng các quy định và chính sách thông qua phiếu trưng cầu tại khu dân cư.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: nghiên cứu quá trình xây dựng và thực thi các chính sách môi trường và ảnh hưởng của chính sách đến cộng đồng.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án
- Nguyễn Thị Kim Nhung (2014), “Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng trong hoạch định chính sách và khả năng vận dụng vào quá trình ban hành các quyết định về môi trường ở Việt Nam”, Tạp chí Xã hội học (2), tr.71-81.
- Nguyễn Thị Kim Nhung (2014), “Ảnh hưởng của các bên liên quan đến mức độ tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải ở Hà Nội”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN (2), tr.16-27.
- Nguyễn Thị Kim Nhung (2014), “Quản lý rác thải tại hộ gia đình ở Hà Nội hiện nay: thực trạng và vấn đề”, Tạp chi Nghiên cứu Con người (5), tr.48-62.
- Nguyễn Thị Kim Nhung (2012), “Chính sách xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, Hội thảo Quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách xã hội và an sinh xã hội”, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.283-294.
|