1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Mai Thanh Hiếu
2. Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 01/6/1970
4. Nơi sinh: Hải Phòng
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Quyết định số 1916/QĐ-ĐT, ngày 01/7/2011 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không
7. Tên đề tài luận án: Hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam
8. Chuyên ngành: Luật hình sự
9. Mã số: 62 38 40 01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, TS. Nguyễn Khắc Hải
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Trong khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay chưa có công trình nghiên cứu trực tiếp về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm ở tất cả các cấp độ nghiên cứu. Luận án là công trình nghiên cứu đầu tiên, trực tiếp và có hệ thống về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam.
- Luận án đã xây dựng khái niệm hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự là sự phát sinh và giới hạn việc thực hiện thẩm quyền xem xét và quyết định của Toà án cấp phúc thẩm bởi kháng cáo hoặc kháng nghị hợp pháp.
- Luận án đã phân tích điều kiện hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong tố tụng hình sự là sự hợp pháp của kháng cáo, kháng nghị về đối tượng, chủ thể, giới hạn, thời hạn, hình thức và thủ tục. Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Chủ thể kháng cáo phúc thẩm là bị cáo và các đương sự khác; chủ thể kháng nghị phúc thẩm là Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Giới hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là phạm vi quyền kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật phù hợp với tư cách pháp lí tố tụng của chủ thể kháng cáo, kháng nghị. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là khoảng thời gian cần thiết theo quy định của pháp luật để chủ thể của quyền kháng cáo, kháng nghị thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị. Hình thức kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là phương thức theo quy định của pháp luật thể hiện nội dung của kháng cáo, kháng nghị. Thủ tục kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là cách thức theo quy định của pháp luật để thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị. Sự hợp pháp của kháng cáo, kháng nghị là điều kiện tiên quyết để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và quyết định về nội dung.
- Luận án đã phân tích nội dung hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Nội dung thứ nhất: kháng cáo, kháng nghị phát sinh việc thực hiện thẩm quyền của Toà án cấp cao hơn, cấp xét xử thứ hai đồng thời là cấp xét xử cuối cùng, xem xét lại mặt sự việc cũng như mặt pháp luật của vụ án, xét xử lại nội dung vụ án. Nội dung thứ hai: kháng cáo, kháng nghị giới hạn việc thực hiện thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm trong giới hạn xét xử sơ thẩm, phạm vi và hướng kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm không được chấp nhận yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị vượt quá giới hạn xét xử sơ thẩm, không được xem xét và quyết định ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị, không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và đương sự nếu không có kháng cáo, hoặc kháng nghị theo hướng không có lợi cho họ.
- Luận án đã phân tích pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, làm sáng tỏ các yêu cầu và giải pháp bảo đảm hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam.
12. Khả năng ứng dụng thực tiễn:
- Kết quả nghiên cứu của luận án, đặc biệt là các luận điểm khoa học về khái niệm, cơ sở, điều kiện và nội dung hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị góp phần bổ sung, hoàn thiện lí luận khoa học luật tố tụng hình sự về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
- Kết quả nghiên cứu của luận án, đặc biệt là các luận điểm khoa học trong việc phân tích pháp luật, yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị đóng góp về mặt thực tiễn, giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong việc xây dựng, thi hành pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, trong chiến lược cải cách tư pháp, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng hình sự về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm nói riêng. Luận án là tài liệu tham khảo thiết thực trong nghiên cứu, giảng dạy, xây dựng và thi hành pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo: Không
14. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
[1] Mai Thanh Hiếu (2012), "Thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam", Tạp chí Luật học (10), tr. 18 - 26.
[2] Mai Thanh Hiếu (2013), "Thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm trong giới hạn xét xử sơ thẩm", Tạp chí Luật học (10), tr. 13 - 19.
[3] Mai Thanh Hiếu (2014), "Phân cấp thẩm quyền xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm", Tạp chí Luật học (4), tr. 18 - 25.
[4] Mai Thanh Hiếu (2014), “Thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm theo phạm vi kháng cáo, kháng nghị”, Tạp chí Luật học (8), tr. 27 - 34.
[5] Mai Thanh Hiếu (2015), “Khái niệm hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự”, Tạp chí Luật học (1), tr. 20 - 30.
>>>>> Xem bản thông tin bằng tiếng Anh.
|