1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Đỗ Thị Thanh Hương;
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 16 tháng 4 năm 1974;
4. Nơi sinh: Xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 1386/QĐ-SĐH ngày 26/12/2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Quyết định số 699/QĐ-SĐH ngày 13/10/2015 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành về việc điều chỉnh tên luận án tiến sĩ.
7. Tên luận án: Những điều kiện cơ bản đảm bảo sự thăng tiến của phụ nữ trong các cơ quan Đảng và chính quyền ở Tuyên Quang.
8. Chuyên ngành: Xã hội học ;
9. Mã số: 62 31 30 01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Văn Quyết.
11. Tóm tắt kết quả mới của luận án:
Ở Tuyên Quang giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền ở tỉnh, huyện, xã cao hơn bình quân trong cả nước. Số lượng nữ là trưởng, phó sở, ban, ngành ở cấp tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, các chức vụ lãnh đạo cao nhất trong các cơ quan Đảng, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện chủ yếu do nam giới nắm giữ. Ở cấp xã, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chủ yếu là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Trong các cơ quan Đảng, chính quyền, phụ nữ chủ yếu giữ các vị trí cấp phó. Một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, phụ nữ chỉ hiện diện với chức danh chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ.
Nữ cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, thường có cơ hội được đào tạo nâng cao trình độ nhiều hơn, do đó cơ hội được đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm cao hơn nữ cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở địa bàn vùng điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Việc thực thi chính sách về bình đẳng giới là điều kiện quan trọng nhất đối với sự thăng tiến của nữ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó:
+ Công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo: Tuyên Quang đã thực hiện quy hoạch cán bộ trước khi bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo. Khi thực hiện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, tỷ lệ nam thường cao hơn nữ. Một trong những nguyên nhân là do không nhiều nữ cán bộ, công chức đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định (trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và khả năng lãnh đạo,…). Tuy nhiên, trong số những người đã được quy hoạch, tỷ lệ nữ được bổ nhiệm cao hơn tỷ lệ nam giới trong quy hoạch được bổ nhiệm. Bởi vì, nhiều phụ nữ khi đã được quy hoạch, thì họ luôn có ý thức phấn đấu, trách nhiệm với công việc, tu dưỡng đạo đức, lối sống tốt, được đồng nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin tưởng quyết định bổ nhiệm lãnh đạo.
+ Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Việc đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng cho nữ cán bộ, công chức còn hạn chế. Để nâng cao cơ hội thăng tiến, phụ nữ phải được đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình.
- Một trong những điều kiện để thăng tiến đó là phụ nữ phải thường xuyên có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, biết quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, có uy tín, được đồng nghiệp, cấp trên ủng hộ, sẽ có cơ hội thăng tiến cao. Hơn nữa, phụ nữ cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy khả năng kiến tạo, định hướng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
- Điều kiện gia đình có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thăng tiến của phụ nữ. Những gia đình có các thành viên cùng cộng đồng trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế, phụ nữ không phải là người đóng vai trò chính trong việc kiếm tiền nuôi gia đình, thì việc đầu tư thời gian, kinh phí cho học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, hoàn thiện cá nhân sẽ được chú trọng hơn. Mặt khác, điều kiện kinh tế khá giả, phụ nữ sẽ có điều kiện giúp đỡ đồng nghiệp, giao lưu mở rộng các mối quan hệ của cá nhân, mở rộng vốn xã hội, tạo mối quan hệ với nhiều đối tác hơn.
- Các quan niệm, định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng tiến của phụ nữ. Nhiều người vẫn chưa đánh giá cao sự nỗ lực, khả năng của nữ giới. Nhiều phụ nữ thường an phận, không tự tin đảm nhận công việc lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, ở nhiều gia đình, phụ nữ phải đảm nhận vai trò chính trong việc nội trợ, chăm sóc gia đình, do đó thời gian đầu tư cho công việc cơ quan bị hạn chế. Việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các chính sách về bình đẳng giới, sẽ giúp cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn về khả năng, năng lực của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ phấn đấu để thăng tiến. Cùng với đó, bản thân phụ nữ phải có tinh thần tự tin, sự nỗ lực phấn đấu, sẽ là cơ sở cho sự thăng tiến.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Thứ nhất, Nghiên cứu ở Tuyên Quang cho thấy, để thúc đẩy sự thăng tiến của phụ nữ, cấp ủy, chính quyền cần phải tổ chức tốt các chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các quá trình như: tuyển dụng, tiếp nhận vào làm việc trong cơ quan, đơn vị; tổ chức, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đào tạo đầy đủ về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình; đưa vào quy hoạch và xem xét để bổ nhiệm nếu phụ nữ hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiêu chuẩn đối với vị trí lãnh đạo phù hợp. Làm tốt những nội dung trên, phụ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, nắm giữ các vị trí lãnh đạo sẽ đạt tỷ lệ cao, kể cả các vị trí lãnh đạo chủ chốtcấp tỉnh, cấp huyện).
Thứ hai, trong cuộc sống, vươn tới vị thế cao hơn, có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn (sự thăng tiến - di động xã hội theo chiều dọc) là ước muốn của không ít người, trong đó có nhiều phụ nữ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, một trong những con đường đi đến mục tiêu đó là, mỗi nữ cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống tốt; phát huy khả năng kiến tạo, định hướng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; biết quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, có uy tín, được đồng nghiệp, cấp trên ủng hộ, từ đó phụ nữ mới có nhiều cơ hội thành công. Nếu đông đảo phụ nữ nhận thức và có ý thức phấn đấu thực hiện tốt các dung này thì cơ hội thành đạt sẽ đến với nhiều phụ nữ.
Thứ ba, Nghiên cứu chỉ ra rằng, một trong những điều kiện để phụ nữ thăng tiến phải có sự tạo điều kiện, ủng hộ về tinh thần, chia sẻ việc nhà, cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng kinh tế của các thành viên trong gia đình. Nếu mỗi thành viên trong các gia đình nhận thức, thực hiện tốt các nội dung này, cơ hội thăng tiến của phụ nữ trong gia đình họ sẽ cao.
Thứ tư, nghiên cứu chỉ ra rằng, tư tưởng định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, là một trong những yếu tố cản trở sự thăng tiến của phụ nữ. Để hạn chế định kiến giới, tạo điều kiện để phụ nữ thăng tiến, mỗi người trong xã hội phải dần xóa bỏ định kiến tiêu cực đối với phụ nữ; phải đánh giá đúng thực chất về khả năng, năng lực của mỗi người, để từ đó ủng hộ, tạo điều kiện phụ nữ phát huy trí tuệ, năng lực, đóng góp cho xã hội.
Như vậy, để thúc đẩy sự thăng tiến của phụ nữ, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Bản thân mỗi phụ nữ cũng phải thực sự nỗ lực trong việc rèn luyện tu dưỡng, để được xã hội ghi nhận. Các thành viên trong gia đình và xã hội cần phải xoá bỏ định kiến, nhận thức đúng năng lực của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng để đóng góp sức lực, trí tuệ cho xã hội.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo
- Đánh giá nhận thức của phụ nữ người dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn về việc phụ nữ tham gia chính trị.
- Các giải pháp nhằm tăng cường thu hút sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện các phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động.
14. Các công trình đã công bố liên quan đến luận án:
1. Đỗ Thị Thanh Hương (2012), “Công tác xã hội về bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý ở Tuyên Quang”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội và an sinh xã hội, Hà Nội, tr. 361-367.
2. Đỗ Thị Thanh Hương (2014), “Cán bộ nữ cấp xã ở thành phố Tuyên Quang”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học cán bộ trẻ và học viên sau đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.709-722.
3. Đỗ Thị Thanh Hương (2015), “Về sự thăng tiến trong công tác của nữ cán bộ, công chức (trường hợp tỉnh Tuyên Quang)”, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội (8), tr. 23-30.
>>>>> Xem bản thông tin tiếng Anh.
|