1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Thị Hoàn. 2. Giới tính: Nữ 3. Ngày sinh: 08/03/1983 4. Nơi sinh: Nghệ An 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội số: 2999/2013/QĐ-XHNV-SĐH, ngày 30 tháng 12 năm 2013. 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: - Thay đổi tên đề tài luận án tiến sĩ: từ “Tôn giáo, tín ngưỡng của người Cơ-tu ở tỉnh Quảng Nam” thành “Tri thức địa phương về việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Cơ-tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (Tiếp cận dưới góc độ luật tục) - Theo quyết định số 946/QĐ-SĐH ngày 9/5/2014. - Thay đổi người hướng dẫn luận án tiến sĩ: Theo quyết định số 3217/QĐ-XHNV ngày 27/4/2016 về việc thay người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh làm hướng dẫn độc lập (PGS.TS. Lê Sĩ Giáo thôi không hướng dẫn). - Kéo dài thời gian học tập 12 tháng (1/1/2017 - 31/12/2017): theo quyết định số 4619/ QĐ-XHNV ngày 29/12/2016. - Điều chỉnh tên đề tài luận án tiến sĩ: Theo quyết định số 3219/QĐ-XHNV ngày 4/12/2017: tên đề tài cũ “Tri thức địa phương về việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Cơ-tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (Tiếp cận dưới góc độ luật tục”, tên đề tài mới “Luật tục của người Cơ-tu về sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam”. 7. Tên đề tài luận án: Luật tục của người Cơ-tu về sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. 8. Chuyên ngành: Dân tộc học. 9. Mã số: 62 22 70 01 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh. 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: - Tổng quan tài liệu cho thấy, vẫn còn ít những nghiên cứu về luật tục tồn tại dưới dạng thực hành xã hội - một loại luật tục vẫn tồn tại tương phổ biến ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Với quan điểm cho rằng loại luật tục này đã biến mất hoặc đã trở nên lạc hậu khiến cho việc áp dụng chính sách quốc gia về quản lý tài nguyên thường bỏ qua các quy tắc của cộng đồng trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. - Luận án chỉ rõ luật tục trước đây của người Cơ-tu về sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong và ngoài cộng đồng làng. Trong truyền thống, luật tục này dựa trên nền tảng hệ tri thức hiểu biết phong phú về các loài động thực vật, đất đai,…; bởi thiết chế làng là tổ chức chính trị - xã hội cao nhất và dựa trên thế giới quan “vạn vật hữu linh”. Thế giới quan này chính là động lực dẫn dắt hành vi của các thành viên trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. - Sự hội nhập vào quốc gia thống nhất, sự ra đời của cơ chế quản lý quốc gia về tài nguyên và các chính sách phát triển của nhà nước đã làm thay đổi kết cấu kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cộng đồng Cơ-tu ở địa bàn nghiên cứu. Luật tục từ thiết chế chính thức trở thành thiết chế phi chính thức trong bối cảnh luật pháp nhà nước.Những thay đổi về cách tổ chức không gian, về sinh kế, về xã hội đã làm thay đổi các quy tắc về sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân địa phương. Có những quy tắc vẫn còn tồn tại, đặc biệt là quy tắc trong bảo vệ rừng kiêng nhưng cũng có những quy tắc phai nhạt dần hoặc đã mất đi. - Đối với cộng đồng người Cơ-tu tại địa bàn nghiên cứu, luật tục không phải là những quy định cứng nhắc mang tính áp đặt, mà là những chuẩn mực về hành vi dựa trên thế giới quan “vạn vật hữu linh”, được các thành viên trong cộng đồng tôn trọng và tự giác tuân theo. Nó cũng không phải là quy tắc bất biến mà có sự biến động, thay đổi qua thời gian theo bối cảnh lịch sử, kinh tế-chính trị-xã hội nhất định và vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Quá trình đó cũng phản ánh sự biến đổi và thích ứng văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương. - Trước xu hướng quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, sự phát triển kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập, luật tục của cộng đồng cư dân địa phương có những cơ hội và đối diện với những thách thức khi tích hợp vào thể chế quản lý tài nguyên của Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu hài hòa giữa phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương và phát triển bền vững chung cho quốc gia. 12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:Luận án cung cấp cơ sở để cho chính quyền các cấp hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của luật tục trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng, từ đó góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng người Cơ-tu ở huyện Tây Giang nói chung và cộng đồng người Cơ-tu ở Việt Nam nói riêng; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người. 13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Đứng trước nhu cầu quản lý bền vững tài nguyên dựa vào cộng đồng, cần tiếp tục nghiên cứu khả năng thích ứng của cộng đồng trước bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như hội nhập, toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển từ nội lực của cộng đồng địa phương, cần nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực học hỏi của cộng đồng thông qua tiếp cận nguồn vốn văn hóa. 14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án: 1. Phan Thị Hoàn (2015), “Bảo tồn và phát huy tri thức sinh thái truyền thống của người Cơ-tu ở Quảng Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Miền Trung (4), tr.46-55. 2. Phan Thị Hoàn (2016), “Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên qua điểm luận lý thuyết và phương pháp của nhân học sinh thái”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung (3), tr.36-43. 3. Phan Thị Hoàn (2018), “Quy ước về bảo vệ tài nguyên rừng: trường hợp rừng kiêng của người Cơ-tu ở huyện Tây Giang, Quảng Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Miền trung (1), tr. 40-50.
|