1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Triệu Thu Hằng 2. Giới tính: Nữ 3. Ngày sinh: 08/06/1991 4. Nơi sinh: Hà Nội 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: Quyết định số 1546/QĐ-ĐHNN ngày 23/08/2016 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Chỉnh sửa tên đề tài (Quyết định số 859/QĐ-ĐHNN ngày 4/5/2018) 7. Tên đề tài luận án: English-Vietnamese translation assessment of culture-specific references in a literary text: A functional-pragmatic perspective (Đánh giá dịch Anh-Việt các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn học: Bình diện chức năng-dụng học) 8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh 9. Mã số: 9220201.01 10.Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lê Hùng Tiến 11.Tóm tắt các kết quả mới của luận án: Nghiên cứu mô tả, so sánh, và đánh giá này nhằm mục đích đánh giá dịch Anh-Việt các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn học nhìn từ quan điểm chức năng-dụng học của tác giả House (2015). Sau khi vận hành mô hình của House (2015) trong bối cảnh dịch Anh-Việt, nghiên cứu rút ra những đóng góp về mặt lý thuyết cho mô hình trong bối cảnh dịch Anh-Việt. Nghiên cứu đi sâu đánh giá ba nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá, bao gồm tên riêng, các hình thái quy chiếu về người, và phương ngữ trong một tác phẩm văn học cụ thể. Phân tích định tính và định lượng đem lại kết quả nghiên cứu chính như sau. Đối với nhóm tên riêng, chiến lược không dịch được áp dụng với những tên riêng mang hàm ý, đưa đến phần dịch đạt tương đương chức năng một phần so với bản gốc. Do đó, chiến lược bù đắp được đề xuất để bù đắp sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá (không dịch kèm theo phụ lục chú thích về nghĩa của các tên riêng mang hàm ý). Đối với nhóm hình thái quy chiếu về người, cặp trung tính “I-you” có hơn 50 tương đương khác nhau trong bản dịch tiếng Việt theo từng cảnh huống cụ thể, đem đến phần dịch đạt tương đương chức năng so với bản gốc. Đối với nhóm phương ngữ gắn liền với mục đích dụng học của tác giả, phương ngữ trong bản gốc hầu như được chuẩn hoá trong bản dịch, dẫn đến phần dịch đạt tương đương chức năng một phần so với bản gốc. Do đó, chiến lược bù đắp được đề xuất, trong đó kết hợp chiến lược “chuẩn hoá phương ngữ” với sử dụng ngôn ngữ thông tục để làm nổi bật nét độc đáo trong ngôn ngữ của nhân vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy “lọc văn hoá” là quá trình không thể tránh khỏi trong quá trình dịch liên văn hoá. Trong nghiên cứu này, những lý do ẩn dưới sự lựa chọn các chiến lược của người dịch cũng được đưa ra. Về lý thuyết, nghiên cứu cung cấp minh chứng mới về việc sử dụng các nguồn ngôn ngữ thể hiện Thái độ theo lý thuyết Đánh giá của Martin và White (2005) để khám phá thái độ của tác giả ẩn trong các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn bản. Về phương pháp nghiên cứu, phân tích văn bản dựa trên mô hình chức năng dụng học được củng cố bởi các bài phỏng vấn tác giả, dịch giả, các dịch giả và chuyên gia trong lĩnh vực. Các quy trình thu thập và phân tích dữ liệu chi tiết có thể hữu ích cho việc các nhà nghiên cứu thực hiện những nghiên cứu tương tự. Về thực tiễn, nghiên cứu cung cấp cho người dịch nói chung những chiến lược dịch cụ thể để xử lý từng nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong một tác phẩm văn học. Đây là một kênh tham khảo hữu ích cho công tác đào tạo biên dịch, các dịch giả, và các nhà xuất bản. 12.Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung minh chứng về khả năng áp dụng mô hình chức năng-dụng học của House (2015) trong đánh giá chất lượng bản dịch các tác phẩm văn học. Nghiên cứu này cung cấp minh chứng mới về việc bổ sung các nguồn ngôn ngữ thể hiện Thái độ theo lý thuyết Đánh giá của Martin và White (2005) để khám phá thái độ của tác giả ẩn trong các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn bản, phục vụ mục đích đánh giá. Thứ hai, việc sử dụng đa nguồn dữ liệu được đề xuất trong quá trình đánh giá để đảm bảo tính tin cậy. Nhằm khám phá thái độ của tác giả gửi gắm vào các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn bản, nghiên cứu này cung cấp minh chứng về việc kết hợp phân tích văn bản dựa trên mô hình chức năng-dụng học của House (2015) cùng với phân tích các bài phỏng vấn tác giả, dịch giả của tác phẩm, các dịch giả khác và chuyên gia trong lĩnh vực để đảm bảo tính tin cậy. Thứ ba, các chiến lược dịch cụ thể được đề xuất đối với từng nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong quá trình dịch Anh-Việt. Chiến lược bù đắp được đề xuất đối với dịch các tên riêng mang hàm ý và phương ngữ gắn với mục đích dụng học của tác giả. 13.Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Nghiên cứu này mở ra một số hướng nghiên cứu tiếp theo. Thứ nhất, mô hình chức năng dụng học của House (2015), được bổ sung bởi nguồn ngôn ngữ thể hiện Thái độ theo lý thuyết Đánh giá ngôn ngữ của Martin và White (2005), có thể được áp dụng để đánh giá các tác phẩm văn học. Thứ hai, đánh giá từ phía độc giả của bản dịch có thể được thu thập nhằm so sánh với kết quả đánh giá dựa trên phân tích văn bản để thu được kết quả đánh giá toàn diện. Cuối cùng, mở rộng phạm vi nghiên cứu với các nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá khác nhằm đạt được một bức tranh tổng quan về các chiến lược dịch để xử lý các nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá, phục vụ thực tiễn dịch thuật. 14.Các công trình đã công bố liên quan đến luận án: Tạp chí: 1. Triệu Thu Hằng, (2017). Các hướng tiếp cận trong đánh giá dịch văn học. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, 8(262), 41-45. 2. Triệu Thu Hằng, (2017). Mô hình chức năng dụng học trong đánh giá chất lượng bản dịch: Từ lý thuyết tới thực tiễn áp dụng. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, 33(4), 91-100. 3. Triệu Thu Hằng, (2017). Mô hình đánh giá chất lượng bản dịch và đề xuất đối với đánh giá dịch Anh-Việt. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, 33(5), 37-46. 4. Triệu Thu Hằng, (2018). Translating Proper Names in a Literary Text: A Case of Harry Potter Novel in Vietnam. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, 34 (2), 37-46. Báo cáo khoa học: 1. Triệu Thu Hằng, (2016). Ứng dụng mô hình chức năng dụng học trong đánh giá chất lượng bản dịch văn học Anh-Việt. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia 2016. Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt Nam. ĐHNN-ĐHQGHN, 88-95. 2. Triệu Thu Hằng, (2017). Thử nghiệm mô hình chức năng-dụng học trong đánh giá dịch Anh-Việt tên riêng trong tác phẩm văn học. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh lần thứ nhất, 151-162. 3. Triệu Thu Hằng, (2018). Đánh giá dịch các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn học: Hành trình chuyển ngữ Harry Potter từ Anh sang Việt. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh, ĐHNN-ĐHQGHN, 142-159.
|