Hệ thống cơ sở vật chất dùng chung
1. Ưu tiên đầu tư để toàn bộ hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, các cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được quy hoạch, xây dựng đạt chuẩn và được sử dụng hiệu quả, với sự liên thông, liên kết mạnh, phục vụ chung cho tất cả các ngành, chuyên ngành thuộc Nhiệm vụ chiến lược.
2. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý cơ sở vật chất dùng chung, phải tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và người học của các đơn vị khác được sử dụng, phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo quy định đối với từng loại cơ sở vật chất.
3. Định kỳ theo quy định, các đơn vị thống kê và báo cáo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội hiện trạng cơ sở vật chất có khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng quốc tế; xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây dựng và phát triển các phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Văn phòng, Ban Kế hoạch Tài chính chủ trì, Ban Đào tạo, Ban Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp thống kê, xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cấp, xây dựng, hoàn thiện và bố trí sử dụng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ Nhiệm vụ chiến lược đảm bảo sự liên thông, liên kết trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xây dựng các giảng đường, phòng học chuẩn
1. Các đơn vị có đề án thành phần phát triển các phòng học, hệ thống điện, ánh sáng, bàn ghế, bảng, quạt, điều hoà nhiệt độ, các dụng cụ, thiết bị phục vụ giảng dạy theo công nghệ tiên tiến (máy tính, máy chiếu, bảng thông minh, kết nối internet và các công cụ đa phương tiện khác), hệ thống thiết bị e-learning để thực hiện các bài giảng điện tử, các thí nghiệm ảo và các thiết bị khác đạt tiêu chuẩn của các trường đại học đối tác;
2. Các đơn vị có đề án thành phần bố trí các phòng tự học có kết nối internet cho người học và phòng làm việc dành cho giảng viên trợ giảng giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người học thuộc các chương trình này khi cần thiết.
Hệ thống thông tin, thư viện
1. Phát triển nguồn tài nguyên thông tin phục vụ Nhiệm vụ chiến lược
a) Trung tâm Thông tin - Thư viên có trách nhiệm mua giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ Nhiệm vụ chiến lược. Nội dung, phương thức, quy trình, thủ tục thực hiện như Điều 18 và Điều 29 của Quy định này;
b) Trung tâm Thông tin - Thư viên phải bố trí phòng đọc riêng cho giảng viên và người học thuộc Nhiệm vụ chiến lược;
c) Hàng năm các đơn vị có đề án thành phần đề xuất bổ sung trong kế hoạch nhiệm vụ và kế hoạch ngân sách việc thu thập, bổ sung sách, tạp chí điện tử, các cơ sở dữ liệu, thư mục tài liệu, tóm tắt hoặc toàn văn cho tất cả các ngành, chuyên ngành đào tạo thuộc các đề án thành phần để Trung tâm Thông tin - Thư viện tổ chức thực hiện;
d) Trung tâm Thông tin - Thư viện làm đầu mối và phối hợp với các đơn vị có đề án thành phần đẩy mạnh phát triển cơ sở học liệu (bộ giáo trình, học liệu mở, bài tập tình huống và học liệu khác); ưu tiên đặc biệt về mặt tài chính cho việc hoàn thiện bộ giáo trình mới, hiện đại và đang được trường đại học đối tác sử dụng, đảm bảo mỗi người học có một bộ giáo trình, tài liệu tham khảo ở dạng số hóa cho tất cả các môn học trong chương trình đạt chuẩn quốc tế;
2. Cơ sở vật chất trang thiết bị hỗ trợ thư viện điện tử và truyền thông đa phương tiện
a) Các đơn vị có đề án thành phần phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Viện Công nghệ Thông tin xây dựng và trang bị đầy đủ công cụ, thiết bị công nghệ thông tin, đảm bảo việc kết nối và truy cập khai thác thông tin tốc độ cao trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội;
b) Xây dựng phòng đa phương tiện ở các đơn vị, phát triển hệ thống học trực tuyến (e-learning), hội thảo trực tuyến (video conference) phục vụ giảng dạy, học tập, hội nghị, hội thảo và giao lưu quốc tế;
c) Lắp đặt tại các giảng đường chuẩn hệ thống phục vụ giảng dạy trực tuyến; trang bị đủ cho các phòng thí nghiệm thực tập cơ bản, thực tập cơ sở, thực tập chuyên ngành hệ thống máy tính nối mạng để sinh viên tra cứu tài liệu, tự làm thí nghiệm, cập nhật các thí nghiệm ảo về khoa học và công nghệ.
3. Nâng cấp hệ thống phòng đọc thuộc Trung tâm Thông tin - Thư viện; củng cố và xây dựng thêm phòng đọc tại các trường, khoa, bộ môn có kết nối vào nguồn học liệu điện tử của Trung tâm Thông tin - Thư viện để phục vụ cho việc tự học, tự nghiên cứu của cán bộ và người học theo một qui hoạch thống nhất.
Cơ sở dữ liệu về Nhiệm vụ chiến lược
1. Cơ sở dữ liệu ở dạng in và dạng điện tử bao gồm toàn bộ hệ thống văn bản quản lý điều hành của Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị; cơ sở học liệu; hệ thống thông tin về khoa học và công nghệ, luận văn, luận án; hệ thống thông tin về người học, người dạy và về đào tạo; các hệ thống thông tin khác phản ánh sản phẩm, các nội dung liên quan chương trình đạt chuẩn quốc tế của các đơn vị có các đề án thành phần và các đơn vị có liên quan. Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin tổ chức xây dựng phần mềm và quản lý cơ sở dữ liệu này.
2. Các đơn vị tham gia Nhiệm vụ chiến lược cung cấp dữ liệu định kỳ về tình hình và kết quả thực hiện Nhiệm vụ chiến lược, chương trình đạt chuẩn quốc tế ở dạng in và số hóa cho Văn phòng Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược.
3. Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp Văn phòng Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược và các đơn vị số hóa và lưu trữ toàn bộ tài liệu, văn bản về hoạt động và kết quả thực hiện chương trình đạt chuẩn quốc tế, trong đó có chỉ đạo quản lý, điều hành hoạt động học thuật, hợp tác và chuyển bản sao cho Trung tâm Thông tin - Thư viện để xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung.
4. Trung tâm Thông tin - Thư viện xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ như sách giáo khoa, giáo trình, bài báo khoa học, luận án, luận văn, báo cáo kết quả đề tài khoa học và công nghệ, kỷ yếu hội nghị khoa học của các đề án thành phần và của các đơn vị tham gia thực hiện, đồng thời quản lý để sử dụng cơ sở dữ liệu do Văn phòng, các ban chức năng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược cung cấp.
Cơ sở vật chất cho các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ
1. Các đơn vị có đề án thành phần phát triển hệ thống trang thiết bị của các phòng thí nghiệm thực tập đại cương, thực tập các môn học cơ bản, hệ thống phòng thí nghiệm thực tập chuyên ngành, thực tập công nghệ một cách đồng bộ, hiện đại, từng bước đạt chuẩn của trường đại học đối tác.
2. Các đơn vị có đề án thành phần xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm, thực tập công nghệ, xưởng thực nghiệm, dây chuyền sản xuất thí nghiệm, gắn thực tập nghiên cứu cơ bản với thực tập triển khai ứng dụng công nghệ; gắn kiến thức lý thuyết với thực tiễn; xây dựng và nâng cấp hệ thống trạm, trại, vườn thực tập đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu thực tập ứng dụng ngoài trường cho các ngành nghề liên quan.
3. Các đơn vị có đề án thành phần xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu liên ngành thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn và nằm trong chương trình kinh tế, kỹ thuật của Nhà nước. Các phòng thí nghiệm này có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cập nhật trình độ các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế; có tính liên ngành cao; tạo được các dịch vụ chất lượng cao về đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ; tạo được nguồn kinh phí bổ sung để mở rộng, nâng cấp các phòng thí nghiệm; tạo bước đột phá để có các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ tiêu biểu của quốc gia và đạt trình độ quốc tế; xây dựng và phát triển trường phái khoa học; thu hút các nhà khoa học giỏi ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học có thời hạn cũng như lâu dài tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Các đơn vị tạo cơ chế để xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm liên kết với các tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước, góp phần tăng cường nguồn lực và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cơ sở vật chất cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn
1. Các đơn vị có đề án thành phần xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất để có các công trình nghiên cứu tiêu biểu của quốc gia và đạt trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn.
2. Phát triển các cơ sở vật chất khác như cơ sở học liệu số hóa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu những vấn đề điển hình về kinh tế, xã hội, văn hoá, phong tục, tập quán và các vấn đề đặc thù về quốc gia, dân tộc trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá; những vấn đề điển hình về khu vực và quốc tế có tác động đối với quốc gia, dân tộc nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của đất nước; những vấn đề lịch sử và sự hình thành lãnh thổ phục vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với vùng đất, vùng trời, vùng biển và các vấn đề khác thuộc hướng nghiên cứu ưu tiên của các đề án thành phần.
3. Xây dựng các phòng thí nghiệm thực hành có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cập nhật, các studio, phòng đa phương tiện được sử dụng mang tính liên ngành; các phòng bảo tàng trưng bày các vật liệu, tư liệu lịch sử nhằm thu hút đông đảo người học và cán bộ khoa học khai thác phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, làm khoá luận, luận văn, luận án chất lượng cao; phòng chiếu phim, các phòng trình diễn và thực hành đặc thù để tạo được các dịch vụ chất lượng cao về đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, tạo được nguồn kinh phí bổ sung.
Các trung tâm giao lưu quốc tế và hệ thống câu lạc bộ sinh viên
1. Các đơn vị có đề án thành phần xây dựng và trang bị hệ thống câu lạc bộ sinh hoạt học thuật, thể thao, giao lưu văn hóa và hoạt động khác; xây dựng các trung tâm giao lưu sinh viên quốc tế với các trường đại học đối tác và các trường đại học thuộc các nước nói tiếng Anh để tổ chức cho sinh viên đi tham quan, thực tập, hội nghị, hội thảo khoa học.
2. Đại học Quốc gia Hà Nội tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị thực hiện các chương trình trao đổi cán bộ và người học đi học tập, nghiên cứu, giảng dạy tại trường đại học có uy tín theo phương thức tự túc kinh phí toàn phần hoặc một phần (đối với người học), hỗ trợ của đề án thành phần và đơn vi, khuyến khích cá nhân tự trang trải một phần kinh phí (đối với cán bộ).
3. Xây dựng các vườn ươm tài năng khoa học trẻ, vườn ươm doanh nghiệp trẻ; các câu lạc bộ sinh viên sáng tạo nhằm tạo điều kiện ứng dụng các kiến thức đã học và sáng tạo tri thức mới.
|