Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội
Đối với một cơ sở đào tạo đại học, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ cơ bản có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thực tế cho thấy, nếu tổ chức tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không chỉ có ý nghĩa nâng cao tiềm lực, uy tín khoa học của Trung tâm, mà còn trực tiếp góp phần bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.

Nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng đặc biệt trong giáo dục đại học vì không những góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra những tri thức mới, sản phẩm mới phục vụ cho sự phát triển của nhân loại. Với tầm quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có nêu: “Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống”. Thực tiễn ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm), đội ngũ giảng viên là người trực tiếp giảng dạy, quản lý sinh viên, đồng thời là người tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Các nhiệm vụ đó quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau; nếu chỉ thực hiện một trong ba nhiệm vụ ấy người giảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vì vậy, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của mỗi giảng viên đại học. Nếu nghiên cứu khoa học có hiệu quả sẽ giúp giảng viên nâng cao trình độ, kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự làm việc; nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp và công tác chuyên môn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế và uy tín của Trung tâm. Mặt khác, thông qua nghiên cứu khoa học, giảng viên cũng từng bước hình thành những tố chất, bản lĩnh của người cán bộ khoa học.

Đội ngũ giảng viên tại Trung tâm bao gồm đội ngũ sĩ quan biệt phái của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và đội ngũ giảng viên đào tạo ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh, trong đó số giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm 54%. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Trung tâm ngày càng đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả cao và có giá trị thiết thực; đóng góp đáng kể vào thành tích giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trung tâm, nhiều giảng viên trẻ có khả năng tốt trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và dự báo sự phát triển của Trung tâm trong thời gian tới thì hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ còn chưa tương xứng với khả năng đạt được. Thống kê giai đoạn từ 2015 đến 2020 đề tài các đồng chí giảng viên trẻ là chủ nhiệm và tham gia mới chỉ chiếm khoảng 35%, số lượng bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành và website chưa nhiều. Bởi thế, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, yêu cầu xây dựng đội ngũ nhà giáo là vấn đề vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài.

Nghiên cứu khoa học thực chất và chủ yếu là hoạt động thực hiện đề tài, dự án các cấp. Những công trình đó phải là sản phẩm của quá trình tư duy, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và được phát huy để tạo ra các sản phẩm trí tuệ, đảm bảo các yêu cầu: tính khoa học, tính sáng tạo và tính thực tiễn. Năng lực nghiên cứu khoa học được thể hiện ở các kỹ năng: phát hiện, lựa chọn vấn đề nghiên cứu; xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động nghiên cứu; niềm đam mê, tính tích cực, chủ động, độc lập và khả năng hợp tác với người khác trong nghiên cứu (khả năng làm việc nhóm).

Để góp phần bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ở Trung tâm hiện nay, cần có sự đầu tư, quan tâm thỏa đáng của nhiều lực lượng và tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt cho đội ngũ giảng viên trẻ thấy rõ tầm quan trọng, trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Khắc phục tình trạng thiếu gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học hoặc chưa thấy được nghiên cứu khoa học là hoạt động rất quan trọng và cần thiết để bổ sung cho hoạt động giảng dạy; Kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh những biểu hiện thiếu nhiệt tình, say mê nghiên cứu hoặc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mang tính đối phó, làm cho đủ giờ nghiên cứu, đủ chỉ tiêu quy định, ít quan tâm đến chất lượng công trình.

Hai là, cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ một cách cụ thể; có lộ trình, mục tiêu, thời gian và chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp. Ưu tiên dành cho giảng viên trẻ các nhiệm vụ nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp, từ cấp nhỏ đến cấp lớn; trước hết là nghiên cứu những vấn đề cụ thể, trực tiếp phục vụ cho hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực hành, viết bài đăng website, tạp chí…Đồng thời, phân công cán bộ, giảng viên có kiến thức, kinh nghiệm, có nhiệt huyết và năng lực hướng dẫn, bồi dưỡng giảng viên trẻ về cách thức phát hiện, lựa chọn vấn đề nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn quy trình, các bước triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu độc lập của cá nhân cũng như khả năng làm việc nhóm nhằm dẫn dắt họ vào con đường nghiên cứu, tìm tòi cái mới một cách độc lập, chủ động, sáng tạo. Bởi vì, sự phối hợp trong nghiên cứu sẽ phát huy được dân chủ và trí tuệ tập thể, tiết kiệm thời gian và có kết quả nghiên cứu tốt.

Ba là, mỗi giảng viên trẻ phải tích cực nghiên cứu sách báo, tài liệu, tìm đọc các sản phẩm, công trình khoa học có giá trị; chủ động thâm nhập thực tế, điều tra khảo sát, phỏng vấn… để không những mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao trình độ nghiên cứu, mà còn dần nắm vững phương pháp, cách thức tổ chức nghiên cứu, nâng cao khả năng giao tiếp, niềm tin khoa học, từng bước hình thành những tố chất, bản lĩnh, kinh nghiệm, kỹ năng cần có của người cán bộ nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Đồng thời, phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để hình thành tính tự giác, niềm đam mê và ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với khó khăn thử thách, thậm chí là những thất bại trong quá trình nghiên cứu.

Bốn là, cơ quan, đơn vị cần có chính sách động viên, khuyến khích, phát triển tài năng trẻ phù hợp nhằm tăng động lực và tính tích cực, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học. Các chính sách đó có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức cả vật chất và tinh thần. Mặt khác, tăng cường cập nhật và phổ biến, cung cấp thông tin, nhất là những thông tin mới, thông tin có giá trị và độ tin cậy cao; tuyên truyền về những tấm gương tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học để đội ngũ giảng viên trẻ học tập, noi theo.

Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ở Trung tâm là yêu cầu khách quan trong công tác giáo dục-đào tạo và xây dựng đội ngũ nhà giáo. Năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trẻ được nâng lên sẽ giúp họ nhanh chóng đáp ứng yêu cầu “chuẩn hóa”, “hiện đại hóa” đội ngũ giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Trung tâm trong thời gian tới./.

 

 Minh Hiền
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :