Học môn học này các bạn sẽ được tham gia làm dự án môn học, được tự lên kế hoạch kinh doanh để gây quỹ, tự liên hệ xin tài trợ, liên hệ triển khai các dự án cộng động từ số tiền kiếm được. Nhưng năm nay, do Dịch bệnh, giảng viên và sinh viên cả nước nói chung và Khoa Quốc tế nói riêng, trong phần lớn thời gian, cùng chuyển sang chế độ dạy và học trực tuyến (online). Và như vậy, sinh viên lớp VISK2017A – chương trình Khoa học quản lý - phải thử sức làm dự án môn trong một điều kiện, hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Đến thời điểm các bạn học môn Trải nghiệm và làm dự án cũng là lúc Việt Nam phải gồng mình chống chọi với làn sóng COVID-19 thứ 3. Đón nhận thách thức gấp hai Do tình hình Dịch bệnh, giảng viên các trường đại học nước ngoài không thể sang trực tiếp giảng dạy tại Khoa. Toàn bộ các môn học do giảng viên nước ngoài đảm nhiệm học trực tuyến. Với môn học Trải nghiệm, việc học online là một thiệt thòi, bởi các bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ hướng, dẫn trực tiếp từ giảng viên trong mọi khâu tổ chức thực hiện, không nhận được những lời khuyên hữu ích và kịp thời lúc gặp khó khăn, bỡ ngỡ của lần đầu làm dự án. Dịch bệnh cũng sẽ khiến việc kiếm tiền gây quỹ không thuận lợi. Các bạn phải đau đầu suy nghĩ xem nên kinh doanh theo hình thức nào, bán món hàng gì và ở đâu để có thể gây được quỹ nhiều nhất. COVID-19 khiến cả thế giới lao đao và rất nhiều người đang mất việc ngoài kia. Còn nữa Dịch bệnh cũng là trở ngại lớn khi tổ chức thực triển khai các dự án. Việc trao tặng các món quà trong dự án sẽ tiến hành ra sao khi tất cả phải thực hiện nghiêm quy định không tụ tập chỗ đông người. Việc truyền thông cho những dự án môn học có ý nghĩa này sẽ được làm thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh mới? Cái khó ló cái khôn “Khi bắt tay thực hiện các dự án môn học, nhóm chúng em đã xác định sẽ phải tự gây dựng được một số quỹ nhất định trước sau đó mới xin tài trợ, vì chúng em nhận thấy có nhiều cơ hội kiếm tiền từ Dịch bệnh COVID-19”, Vũ Kim Thành, sinh viên lớp VISK2017A, chương trình Quản lý, chia sẻ. Kim Thành và các bạn trong nhóm đã nghiên cứu và đề xuất với GS. Lynn Lannon – giảng viên Trường Đại học Keuka - phương án bán cafe pha sẵn trong những chai thủy tinh cho nhân viên của các công sở, trường học. GS. Lannon là người có kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn học Trải nghiệm và hướng dẫn sinh viên làm các dự án môn học. Cô từng hướng dẫn rất nhiều khóa sinh viên chương trình Quản lý và hiểu rất rõ các dự án do sinh viên Việt Nam thực hiện. “GS. Lynn Lannon nói luôn cô không thích ý tưởng kinh doanh của chúng em. Cô còn nói nếu chúng em có thể kiếm được đủ tiền từ ý tưởng này thì cô sẽ rất thán phục”, Vũ Kim Thành bày tỏ. Các bạn sinh viên vẫn quyết tâm theo đuổi dự án kinh doanh của mình và và lấy câu phản bác của GS Lannon làm động lực để phấn đấu, đạt mục tiêu đề ra. Các bạn nhận thấy do Dịch bệnh, có rất ít người đến quán cafe nên nếu đăng bán những tách cafe pha sẵn và “free ship” đến tận nơi cho mọi người thì chắc chắn cơ hội thu lợi nhuận sẽ cao. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, kết quả không như mong đợi, lợi nhuận thu về không nhiều. Cái khó ló cái khôn, các bạn phải quyết định thay đổi chiếc lược kinh doanh. “Chúng em liên hệ, triển khai giới thiệu sản phẩm của mình tới nhiều cơ quan, công sở hơn nữa thông qua các mối quan hệ của bố mẹ, bạn bè và ngoài thân. Ngoài việc bán cafe, chúng em cũng tranh thủ PR về các dự án môn học của mình, mục đích thực sự của việc bán cafe là gì với mong muốn họ sẽ tài trợ cho dự án”. Chiến lược mới rất hiệu quả. Nhiều cơ quan, công sở tỏ ra hứng thú với dự án và sẵn sàng chi tiền mua những tách cà phê vừa để động viên, khuyến khích nhân viên của mình vừa tham gia thực hiện hoạt động có ý nghĩa. Và như vậy, lợi nhuận thu về cũng tương đối, thêm với số tiền đi xin tài trợ, các bạn đủ khả năng mua được 400 chiếc mũ bảo hiểm cho dự án “Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học”. Đây là năm thứ 7 sinh viên chương trình Khoa học quản lý thực hiện dự án trao mũ bảo hiểm cho các em học sinh tiểu học, với tổng số mũ bảo hiểm được trao tặng lên đến 3375 chiếc. Nhiều ý tưởng mới cho các dự án, thêm nhiều bài học ý nghĩa Trong số các dự án môn học năm nay, có một dự án mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là dự án quyên góp phẫu thuật cho bé Trần Ngọc Khôi mắc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội. Các bạn lấy thông tin của bé Ngọc Khôi qua chương trình “Trái tim cho em” trên VTV1 và liên hệ với gia đình đề nghị được giúp đỡ. Ngọc Khôi bị tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật lần 1 khi mới chào đời. Đây là lần thứ 2 em làm phẫu thuật, cộng với tiền chi trả của bảo hiểm y tế, nên chi phí cho ca phẫu thuật là 20.000.000 VNĐ. Các bạn quyết định quyên góp tiền cho Khôi và thời gian vẻn vẹn chỉ có 3 ngày để đi xin tài trợ cho ca phẫu thuật. “Nhờ tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, chúng em đã quyên góp được đủ 20 triệu đồng. Và chúng em hoàn thành được mục tiêu đề ra trong vòng đúng 3 ngày. Điều quý giá nhất mà chúng em học được trong suốt thời gian thực hiện dự án này chính là khi bạn làm được một việc tốt, bạn sẽ thấy cảm thấy niềm vui và hạnh phúc thực sự. Điều quan trọng không phải là chúng ta sống được bao lâu mà chính là cách chúng ta sống, nhờ có khoảng thời gian này mà em đã học được cách để sống một cuộc sống thật ý nghĩa”, Mai Lam Anh, sinh viên lớp VISK2017A, chia sẻ. Một tháng bước chân vào thực tế kiếm tiền, trong điều kiện vô cùng khó khăn, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm không thể nào quên. “Môn học Trải nghiệm đúng là môn học đặc biệt. Em đã học được cách chia sẻ với người khác, học được cách làm việc nhóm, rèn được cho mình những kỹ năng quan trọng, cần thiết cho công việc sau này. Em cũng học được cách không từ bỏ, không gục ngã trước những khó khăn”, Kim Thành chia sẻ. Trần Minh Khánh, thành viên nhóm dự án trao quà cho người vô gia cư, bày tỏ niềm vui vì làm được nhiều việc có ý nghĩa thông qua các dự án môn học. “Ngoài việc học được kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian, em còn học được bài học về sự chia sẻ và giúp đỡ. Và em nghĩ điều quan trọng khi làm bất cứ việc gì cũng cần nó niềm tin - tin vào điều mà chúng ta đang làm cũng như tin vào bản thân mình. Có như thế chúng ta mới thành công”. Như vậy, các sinh viên lớp VISK2017A – chương trình Khoa học quản lý, liên kết với Trường Đại học Keuka, đã kết thúc chương trình môn học Trải nghiệm với mục tiêu đặt ra nhờ sợ hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của GS Lynn Lannon. Các em còn có được những trải nghiệm tuyệt vời cùng kinh nghiệm quý báu từ việc học và làm dự án môn học trực tuyến. Những bài học các em học được từ giai đoạn đặc biệt này chắc chắn sẽ làm giàu thêm hành trang sống của mình trong tương lai.
|