LTS: Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội bên cạnh việc chú trọng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước thì luôn quan tâm đến việc thu hút, phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao một cách hiệu quả. Để hiểu rõ cách triển khai của nhà trường trong việc phát triển đội ngũ trình độ cao, đầu ngành, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Phóng viên: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ông có thể chia sẻ thêm gì về điều này? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu: Tôi cho rằng, đây là quan điểm kiên định, đúng đắn của Đảng và Nhà nước được khẳng định như kim chỉ nam trong các định hướng phát triển của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã nêu rõ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 tiếp tục khẳng định lại chủ trương này, khẳng định sự quan tâm của Đảng đến chất lượng nguồn nhân lực, một yếu tố mang tính cốt lõi cho sự phát triển của đất nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Tôi thấy rằng, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì nước ta khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập và mức sống của người lao động. Phóng viên:Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học uy tín hàng đầu Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã, đang và sẽ có những chính sách đột phá, tiên phong gì để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu: Đại học Quốc gia Hà Nội luôn lấy chất lượng là kim chỉ nam trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chúng tôi có “ba tầng” triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ thông qua hệ thống các trường phổ thông. Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 4 trường trung học phổ thông và 01 trường trung học cơ sở, trong đó có 3 trường trung học phổ thông Chuyên. Hệ thống các trường phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc về số học sinh giỏi quốc gia và số giải thưởng quốc gia, quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2022, học sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội đã chiếm 2/3 số huy chương vàng quốc tế của Việt Nam. Thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ một số các địa phương để ươm tạo các tài năng trẻ; trong đó chú trọng ươm tạo tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số (Đề án hỗ trợ các trường trung học phổ thông nội trú của Đại học Quốc gia Hà Nội). Thứ hai, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi tiên phong triển khai đào tạo cử nhân tài năng, cử nhân tiên tiến và cử nhân đạt chuẩn quốc tế. Các chương trình cử nhân tài năng luôn được Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên và đạt được nhiều thành tích. Tỷ lệ các chương trình đào tạo chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt gần 50%. Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục nâng chuẩn đầu ra để đảm bảo các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định của khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Đại học Quốc gia Hà Nội đã, đang và sẽ là nơi triển khai thí điểm rất nhiều ngành nghề đào tạo mới chưa có trong danh mục nhà nước. Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội ra nghị quyết và quyết liệt triển khai đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đặc biệt các ngành kỹ thuật công nghệ, sáng tạo và nghệ thuật. Thứ ba, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi đào tạo nhân lực trình độ cao và phải là nơi ươm tạo và đào tạo bồi dưỡng nhà khoa học cho đất nước. Nhiệm vụ này chưa được coi trọng đúng mức trong những năm qua. Là một đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, có đội ngũ đông đảo nhà khoa học trình độ cao, có mạng lưới đối tác uy tín trong và ngoài nước, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên bồi dưỡng nhà khoa học trẻ. Trong thời gian qua, các chính sách để thực hiện nhiệm vụ này đã được Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành đồng bộ. Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành đề án ươm tạo nhà khoa học trẻ để phát hiện, thu hút và bồi dưỡng các em học sinh, sinh viên có mong muốn và năng lực trở thành nhà khoa học. Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành chính sách học bổng dành cho nghiên cứu sinh (100 triệu đồng/năm) và học bổng sau tiến sĩ (120 triệu đồng/năm). Đây là nỗ lực rất lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội để bồi dưỡng nhà khoa học trẻ. Năm 2021 đã có 31 suất học bổng được trao. Đại học Quốc gia Hà Nội đã khởi động chương trình hỗ trợ đào tạo tiến sĩ cho một số trường đại học địa phương theo chương trình này. Năm học 2021- 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở lớp chuẩn bị nguồn đào tạo tiến sĩ cho Trường Đại học Thái Bình. Dự kiến Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ Trường Đại học Tân Trào và Trường Đại học Phạm Văn Đồng triển khai đề án tăng cường năng lực giảng viên. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ban hành chính sách học bổng cho 18 ngành khoa học cơ bản, bao gồm cả chính sách phân công nhà khoa học đỡ đầu để thu hút các em học sinh đến với các ngành mà đất nước rất cần. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có quỹ học bổng rất lớn với các ngành khác để đảm bảo sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đều có cơ hội học tập nếu trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đợt tuyển sinh vừa qua, nhiều em học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế đã nhập học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ví như, em Ngô Quý Đăng, huy chương vàng Toán quốc tế với điểm tuyệt đối đã nhận học bổng này và giải thưởng sinh viên xuất sắc của Đại học Quốc gia Hà Nội (100 triệu đồng). Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm dự báo và phát triển nguồn nhân lực để đẩy mạnh đưa sinh viên Việt Nam đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội cần gắn với chuẩn quốc tế và hợp tác quốc tế. Phóng viên:Thưa ông, với đội ngũ cán bộ khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội có những chính sách gì để thu hút và bồi dưỡng? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu: Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy nhiều điểm bất cập, còn nhiều mục tiêu đề ra nhưng chưa đạt được. Hạn chế lớn nhất là chỉ tiêu đặt ra cao, nhưng nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, hai nhiệm vụ quan trọng nhất là lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội phải tập trung ưu tiên trong thời gian tới là huy động các nguồn lực vật chất, tài chính và phát triển đội ngũ. Khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc Đại học Quốc gia Hà Nội rất chú trọng không chỉ đến việc việc thu hút, mà còn đến việc bồi dưỡng và sử dụng nhân lực chất lượng cao. Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học cả nước. Năng lực công bố các công trình khoa học của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thuộc nhóm hàng đầu của Việt Nam. Rất nhiều tài năng khoa học trẻ, được đào tạo bài bản ở những trường đại học hàng đầu thế giới đã chọn Đại học Quốc gia Hà Nội làm nơi công tác. Qua khảo sát tại Đại học Quốc gia Hà Nội, môi trường làm việc và cơ hội phát triển năng lực được coi là hai yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, thu nhập cũng là điều kiện không thể xem nhẹ. Chính sách của Đại học Quốc gia Hà Nội do vậy tập trung vào: tạo dựng môi trường làm việc, đảm bảo các điều kiện để nhà khoa học phát huy năng lực, và đảm bảo thu nhập. Chúng tôi cho rằng muốn thu hút nhân lực chất lượng cao thì phải phải cải thiện chính sách sử dụng. Chính vì vậy, trong hoạt động khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội rất chú trọng xây dựng một môi trường khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo. Nhiều nhóm nghiên cứu được xây dựng và đầu tư. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm với các trang thiết bị hiện đại được xây dựng. Tinh thần tự do học thuật rất được khuyến khích nhằm giúp các nhà khoa học bộc lộ hết khả năng của mình. Hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai chính sách đầu tư theo đặt hàng và theo đề xuất của nhà khoa học. Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành chính sách hỗ trợ các nhà khoa học trong việc giảm định mức giờ giảng để tăng cường nghiên cứu, hoặc chính sách thưởng cho những công bố có chất lượng cũng như những hỗ trợ với các nhà khoa học đầu ngành, các giáo sư. Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm, các dự án trung hạn và hằng năm mở các đề tài khoa học công nghệ cho các nhóm nghiên cứu mạnh do các nhà khoa học đầu ngành làm trưởng nhóm. Khích lệ và hỗ trợ các nhà khoa học đầu ngành xây dựng các ngành/chuyên ngành đào tạo mới. Hỗ trợ kinh phí trong việc biên soạn và xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình cho các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn. Các giáo sư có phòng làm việc riêng. Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Ban chăm sóc sức khỏe cán bộ do một giáo sư đầu ngành y là trưởng ban, ban hành đề án chăm sóc sức khỏe cho các giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội (mỗi giáo sư có bác sĩ riêng để theo dõi, tư vấn và hỗ trợ) và sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng cho các đội ngũ nhà khoa học khác. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học kế cận thông qua nhiều hoạt động hữu ích của Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài. Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra nghị quyết về chính sách hỗ trợ tài chính với cán bộ khoa học trẻ. Theo đó đảm bảo mỗi cán bộ được nhận tối thiểu 01 đề tài cấp Bộ hoặc tương đương; đảm bảo thu nhập cho nhà khoa học trẻ có thâm niên công tác dưới 5 năm lĩnh vực khoa học cơ bản thấp nhất là 15 triệu đồng/tháng…. Phóng viên:Từ cách làm, bài học kinh nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội, theo Phó Giáo sư, làm sao để các cơ sở giáo dục đại học phát huy hiệu quả những chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, tài năng trong bối cảnh tự chủ đại học? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu trong phát triển giáo dục đại học. Các nghiên cứu về giáo dục đại học đều cho thấy, tự chủ đại học là cơ chế quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và đóng góp cộng động. Tự chủ đại học bao gồm cả tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, học thuật, tài chính. Tự chủ đại học làm cho cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học trong thu hút nhân lực chất lượng cao, tài năng ngày càng quyết liệt hơn. Tuy nhiên, như trên đã nói, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều nhà khoa học có năng lực tốt. Những bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra, ngoài hai yếu tố chung thường được nhắc đến là môi trường làm việc thân thiện, chính sách sử dụng tốt và thu nhập đảm bảo cho cuộc sống, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh thêm vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu phải thực sự xem việc có được nhân lực chất lượng cao tài năng là sống còn với tổ chức, phải thực sự lăn lộn đi tìm người (head hunting). Cho dù chính sách rất tốt, nhưng thực sự quyết tâm, nhiệt tình tìm kiếm thì cũng sẽ khó thu hút được nhân lực chất lượng cao, tài năng về đơn vị làm việc. Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu. Nguồn: giaoduc.net.vn
|