Vừa qua, không ít thí sính gửi mail đến Tòa soạn băn khoăn về ngành Tôn giáo học. Các em mong muốn được biết ngành này sẽ học gì, ra trường có thể làm việc ở đâu, có lợi thế ra sao trong tìm việc? Theo tìm hiểu của phóng viên, cả nước hiện chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học đào tạo cử nhân chính quy ngành học này là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Quan niệm chưa đúng gây ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ngành Tôn giáo học Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Kim Oanh – Trưởng Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là ngành học nghiên cứu chuyên sâu những vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới, làm cơ sở lý luận cho nhiều ngành khác. Giảng viên và sinh viên Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Liên chi đoàn - Liên chi hội Tôn Giáo Học - USSH Việc đào tạo Tôn giáo học được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau và mang tính liên ngành, bởi đây là một ngành rộng, một ngành khoa học cơ bản. Ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đào tạo tôn giáo đã có truyền thống lâu đời (trước đây là một định hướng chuyên ngành nằm trong khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Đến năm 2016, do nhu cầu thực tiễn của xã hội và tình hình của thế giới, Tôn giáo học được tách ra thành một bộ môn riêng. Chia sẻ thêm quan điểm của mình, cô Oanh cho rằng: “Xã hội từng hiểu đây là một ngành hẹp (khi đặt Tôn giáo học là chuyên ngành nằm trong một ngành học nào đó như Chính trị học, Triết học,…) là chưa thật sự phù hợp. Hiện nay, nhà trường đào tạo Tôn giáo học dưới góc độ là khoa học liên ngành, có 03 hướng chuyên ngành nghiên cứu chính: Thứ nhất là lý luận và lịch sử nghiên cứu tôn giáo, tập trung nghiên cứu lý luận Tôn giáo học để soi chiếu vào thực tiễn tôn giáo; Thứ hai là tín ngưỡng, tôn giáo thế giới và Việt Nam. Hướng tới việc nhận diện các đặc trưng của những tín ngưỡng, tôn giáo lớn ở Việt Nam và trên thế giới, dưới các góc độ về ý thức tôn giáo, sự thờ cúng và kết cấu tổ chức. Thứ ba là tôn giáo với đời sống xã hội. Đây là một mảng kiến thức sinh động, đưa tôn giáo vào nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau về văn hóa (âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc…), chính trị, kinh tế và đời sống xã hội,… Ngoài ra, đơn vị này cũng đang xây dựng khối kiến thức về Công tác tín ngưỡng tôn giáo (đào tạo ở trình độ thạc sĩ). Dự kiến, đến tháng 9/2024 sẽ đưa chuyên ngành này vào tuyển sinh và đào tạo. Còn ở khu vực phía Nam, cho đến hiện nay, chỉ có duy nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo ngành học này. Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trưởng Bộ môn Nhân học Tôn giáo, khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Trước đây, việc nghiên cứu các vấn đề về tôn giáo được nhà trường thực hiện ở nhiều khoa, dưới nhiều khía cạnh khác nhau của tôn giáo, như ở khoa Triết học (nghiên cứu Triết học tôn giáo), hay khoa Văn hóa học (nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và tôn giáo), khoa Tâm lý (nghiên cứu về Tâm lý học tôn giáo),… Bắt đầu từ năm 2021, nhà trường chính thức thành lập Bộ môn Tôn giáo học (nằm trong khoa Nhân học) để giảng dạy ngành học này độc lập, làm nhiệm vụ đào tạo cử nhân Tôn giáo học, đào tạo nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo cho khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên”. Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trưởng Bộ môn Nhân học Tôn giáo, khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường Công tác chuẩn bị cho việc mở ngành của nhà trường đã được thực hiện từ cách đây hơn 15 năm, bắt đầu từ việc hình thành của Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức. Năm 2019, đơn vị này đã thành lập Tổ biên soạn đề án chương trình đào tạo hệ cử nhân ngành Tôn giáo học cùng sự thành lập Bộ môn Nhân học Tôn giáo – trực thuộc khoa Nhân học để trực tiếp đảm nhận công tác đào tạo. Trong quá trình ấy, nhà trường cũng đã chuẩn bị về nhiều mặt (như giảng viên, tài liệu, cơ sở vật chất…) để chuẩn bị tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2021. Hiện nay, nhà trường cũng đang biên soạn giáo trình Tôn giáo học đại cương và sẽ sớm được đưa vào giảng dạy. Mục tiêu đào tạo ngành Tôn giáo học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới là đào tạo người học có tinh thần yêu nước, nhận thức đúng đắn về chính trị, phụng sự xã hội; đồng thời, gắn đào tạo lý thuyết với thực tiễn. Chương trình đào tạo ngành học của nhà trường gồm 2 khối kiến thức, là khối kiến thức đại cương (gồm các học phần cơ sở ngành như: Tôn giáo học đại cương, Tâm lý học tôn giáo, Triết học tôn giáo, Mỹ học tôn giáo…) và khối kiến thức chuyên ngành...; đồng thời, gắn các lý thuyết chuyên ngành với thực tiễn thông qua các học phần như Tôn giáo với nghệ thuật, Công tác xã hội trong tôn giáo, Tôn giáo với truyền thông, Công tác dân vận trong tôn giáo,…). Trên thế giới, Tôn giáo học không phải là ngành học mới và đã có nhiều trường đại học đào tạo (ở các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…). Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa nhiều cơ sở đào tạo trình độ đại học ngành này. Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc cho biết: “Ở Việt Nam, Tôn giáo học cũng là một ngành mới mẻ, chưa được xã hội tiếp cận nhiều. Chính những điều này đã gây nên tình trạng ít cơ sở đào tạo đại học chính quy ngành học này”. Sinh viên ngành Tôn giáo học, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thực tập thực tế tại Sóc Trăng. Ảnh: website nhà trường Bên cạnh đó, thầy Lộc còn cho rằng, Tôn giáo học cũng gặp phải khó khăn trong việc tuyển sinh giống như một số ngành khoa học cơ bản hiện nay. Nói thêm về những quan niệm chưa đúng đắn về ngành Tôn giáo học, Phó Giáo sư Trần Thị Kim Oanh cho biết, khi làm khảo sát tuyển sinh đầu khóa về lí do lựa chọn ngành học, đã có một số sinh viên đưa ra những lý do rất “buồn cười” như nghĩ học ngành này để hiểu được việc đi tu, hay vì tên ngành học lạ,… Điều này đến từ việc các sinh viên ấy – đại diện cho một bộ phận xã hội chưa thực sự hiểu về bản chất của tôn giáo. Các thầy cô cũng cho rằng với tư cách là một thực thể trong đời sống xã hội, tham dự vào nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, nên việc tìm hiểu, nghiên cứu về tôn giáo một cách bài bản là vô cùng cần thiết. Học không những ra làm ngành, làm nghề, mà còn có ích cho chính bản thân khi áp dụng vào cuộc sống. Và đặc biệt, hiểu được tôn giáo sẽ lưu truyền nét đẹp tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, cốt cách của người Việt, thêm hiểu và thêm yêu lịch sử nước nhà. Ví dụ như khi học Tôn giáo học, khi đi tham quan sẽ hiểu được lịch sử, bản chất sâu xa của Văn miếu Quốc tử giám, biết được tại sao lại có Bia Tiến sĩ ở đây, tại sao rùa lại đội bia tiến sĩ,… Hay học Tôn giáo học sẽ hiểu về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (Đạo ông bà). Khi ấy, mọi người sẽ có cách làm đúng đắn; các chuyên gia cũng ít phải kêu gọi giảm bớt việc đốt vàng mã hay những hoạt động tiêu cực khác. Học ngành học này còn để hiểu và thực hành từ những điều cơ bản nhất (ăn mặc, ứng xử…) khi đi tới đền, chùa, nhà thờ,… Khi nhận diện được ra vấn đề, bản chất của tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người sẽ nhìn ra được những hành vi lợi dụng tôn giáo, giảm bớt việc mê tín dị đoan. Cơ hội việc làm rộng mở Nói về cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Tôn giáo học, các thầy cô đều có chung nhận định rằng người học ngành này có thể làm được đa ngành, đa nghề. “Vừa qua, để phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục trình độ đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Bộ môn Tôn giáo học đã có cuộc khảo sát, ghi nhận hơn 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Việc tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao như vậy vì đây là ngành có mối quan hệ rộng (là nền tảng của nhiều ngành học khác), nên người học ngành này có thể làm được đa ngành, đa nghề. Không chỉ có các cơ quan nhà nước mà nhiều công ty, doanh nghiệp bên ngoài cũng có nhu cầu tuyển dụng” – Trưởng Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin thêm. Một số ngành nghề mà sinh viên ngành Tôn giáo học có thể đảm sau khi ra trường như: Giảng viên giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến tôn giáo; Cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại các viện, trung tâm, tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ); Cán bộ chuyên trách tôn giáo ở các cấp chính quyền; Phóng viên, biên tập viên về tôn giáo; Làm việc tại các công ty du lịch… Là một người gắn bó lâu năm với công tác tôn giáo, Tiến sĩ Lê Thị Liên – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay, cán bộ làm công tác tôn giáo được đào tạo đúng chuyên ngành rất ít và đang rất thiếu. Cán bộ hiện nay đa số là đào tạo ở các ngành gần, trái ngành. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác. Do đó, cơ hội việc làm của sinh viên ngành tôn giáo sau khi ra trường sẽ rất rộng mở. Đa phần sinh viên đăng ký ngành Tôn giáo học hiện nay thường là những bạn lớn lên trong những gia đình có truyền thống về tôn giáo, bản thân các bạn tham gia vào các hoạt động tôn giáo; một số thì thích tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu. Ít sinh viên lựa chọn ngành này vì mục tiêu phục vụ công tác sau này. "Cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khá vất vả. Công việc không phải lúc nào cũng theo khuôn mẫu, có lộ trình sẵn để áp dụng và thường xuyên phát sinh những vấn đề phức tạp. Không có chế độ chính sách đặc thù. Người làm công tác tôn giáo nếu không có niềm đam mê và tâm huyết thì sẽ rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với công việc. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng, bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có kiến thức tôn giáo tốt, nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật và kỹ năng làm việc thì mới đảm bảo hiệu quả công tác và không sai sót" – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay. Tiến sĩ Lê Thị Liên – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ Tuy vất vả là vậy, nhưng theo cô Liên, công tác tôn giáo rất thú vị, bởi môi trường làm việc nhân văn và đoàn kết. Hơn nữa, tôn giáo là một kho tàng thú vị trong nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu ban hành chủ trương, chính sách. Nên làm việc trong lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Đánh giá về lợi thế của sinh viên chính quy ngành Tôn giáo học khi đi làm, cô Liên cho rằng, việc làm đúng ngành, đúng nghề là rất tốt, là rất cần thiết tạo nên tính chuyên nghiệp trong xã hội. Bởi sinh viên ngành Tôn giáo học là những người đã được trang bị những kiến thức nền tảng về tôn giáo. Khi đi làm họ tiếp cận các vấn đề về tôn giáo nhanh, bài bản, thuận lợi hơn. Thêm vào đó, sinh viên học ngành học này còn được trang bị nhiều phương pháp nghiên cứu, rất tốt khi ứng dụng vào làm việc. Điều này thuận lợi cho họ áp dụng trong việc nhận định, phán đoán, đánh giá, xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo khi đi làm. “Trong những năm qua, công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tôn giáo được thực hiện thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực, nhưng thiếu tính trường quy và bền vững. Nếu muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, bắt buộc phải đẩy mạnh công tác đào tạo chính quy về tôn giáo và công tác tôn giáo, tín ngưỡng. Để làm được điều này, theo tôi, cần sự chung tay của nhiều bộ ngành, địa phương, cần có những chính sách hỗ trợ riêng cho sinh viên theo học ngành Tôn giáo học thì mới thu hút được sinh viên đăng ký và cũng là chiến lược đào tạo cán bộ cho ngành lâu dài. Đồng thời với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cũng cần chú trọng lựa chọn, nâng cao trình độ của giảng viên. Bởi so với các ngành học khác, giảng dạy về tôn giáo khó hơn nhiều, bởi độ chính xác trong nội dung cao, cách thức truyền đạt phải rất linh hoạt và liên tục cập nhập tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và những vấn đề liên quan" - Tiến sĩ Liên bày tỏ ý kiến. Nguồn: Báo Giáo dục VN
|