Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đã nghe đồng chí Phạm Hồng Tung - Bí thư chi bộ nhiệm kỳ III trình bày báo cáo chính trị của chi bộ. Báo cáo khẳng định những kết quả nổi bật của chi bộ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển đạt được trong 5 năm qua.
Giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn Viện có những nỗ lực vượt bậc để khẳng định vị trí của mình trong hệ thống các viện nghiên cứu của quốc gia, đặc biệt là xây dựng và phát triển Viện theo mô hình và cơ chế của tổ chức khoa học công nghệ nghiên cứu cơ bản và phục vụ chính sách.
Từ năm 2013, Viện đã từng bước kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hoá và chuyên môn hoá, với sự ra đời của Phòng Nghiên cứu Khu vực học và Phòng Nghiên cứu Khoa học Phát triển. Năm 2014, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô được thành lập, làm đầu mối triển khai các nhiệm vụ do thành phố Hà Nội đặt hàng và ĐHQGHHN giao cho. Việc cơ cấu lại bộ máy nhằm định hình rõ nét hơn hướng phát triển về chuyên môn của Viện trong hiện tại và tương lai.
Công tác phát triển đội ngũ có những kết quả nổi bật: có 4/28 cán bộ có học hàm GS, PGS, 3/28 cán bộ có học vị TS và 10/28 cán bộ đang là NCS.
NCKH được coi là công tác trọng tâm, với định hướng: triển khai các nghiên cứu cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng trên nền tảng của khu vực học nhằm phục vụ quá trình chính sách ở trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng hợp tác và đối thoại học thuật ở tầm quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học về VNH và KHPT. Trong 5 năm, Viện triển khai 5 đề tài và một đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 05 đề tài cấp ĐHQGHN, 11 đề tài cơ sở và 5 đề tài liên kết với các tình thành. Các đề tài đều có chất lượng chuyên môn cao, có đóng góp nổi bật và có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn quan trọng, được ứng dụng trong nhiều bộ, ngành, cơ quan. Bên cạnh đó, Viện cũng khẳng định uy tín trong nước và quốc tế của một cơ sở nghiên cứu hàng đầu khi chủ trì và tham gia tổ chức nhiều hội thào quốc gia và quốc tế gây tiếng vang như các hội thảo về Việt Nam học, Hà Nội học... Các hoạt động NCKH phục vụ xây dựng chính sách và phát triển địa phương cũng là một hướng ưu tiên được Viện thực hiện khá thành công ở Hà Nội và các tỉnh như Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Quảng Nam...
Dù còn non trẻ, song hoạt động đào tạo sau đại học của Viện được thực hiện bài bản, chất lượng, có hiệu quả lan toả rộng và được xã hội ghi nhận về uy tín và thương hiệu. Viện là cơ sở đào tạo đầu tiên của cả nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên ngành Việt Nam học. Viện đã tổ chức 9 khoá đào tạo thạc sỹ Việt Nam học với gần 200 học viên, trong đó có 27 học viên quốc tế. Từ năm 2010, Viện tiên phong tuyển sinh tiến sỹ chuyên ngành Việt Nam học.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, chi bộ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển đặt mục tiêu đưa Viện trở thành viện nghiên cứu đầu ngành về Việt Nam học gắn liền với Khoa học phát triển, là cầu nối trao đổi tri thức học thuật giữa các học giả trong và ngoài nước về các vấn đề Việt Nam. Trong tầm nhìn đến năm 2030, Viện sẽ trở thành viện nghiên cứu xuất sắc, giữ vai trò là đầu mối kết nối và định hướng ngành Việt Nam học trên thế giới. Viện tiếp tục hướng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng; đẩy mạnh chuyển giao tri thức và tư vấn chính sách ở Việt Nam. Về công tác đào tạo, Viện sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Việt Nam học, có lộ trình xây dựng chương trình đào tạo thí điểm chuyên ngành Khoa học phát triển, dự kiến sẽ tuyển sinh vào năm 2019.
Tại đại hội, Phó Bí thư Đảng uỷ ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã đánh giá cao những thành tích mà chi bộ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, thể hiện ở nhiều điểm sáng:
Trước hết, trong nỗ lực xác lập vị thế, uy tín của mình ở trong và ngoài nước, Viện đã từng bước xây dựng và định hình các trường phái khoa học riêng và để lại dấu ấn rõ nét trên các lĩnh vực liên ngành về Khu vực học, Hà Nội học, nghiên cứu biển đảo...
Tiếp đó, quyết tâm phát triển còn thể hiện ở việc cải tổ, cơ cấu lại các các đơn vị chức năng, thành lập trung tâm đầu tiên trong cả nước nghiên cứu về Hà Nội học và phát triển thủ đô, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh...
Cuối cùng, trên cả lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, Viện đã có những kết quả ban đầu xuất sắc, được lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, được xã hội tôn vinh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Viện cần tiếp tục khẳng định tầm trí tuệ và vị trí trụ cột trong ĐHQGHN nói riêng và của giới khoa học Việt Nam nói chung trong lĩnh vực chuyên môn đặc thù của mình, là ngọn cờ đầu trong xây dựng và phát triển ngành Việt Nam học, nghiên cứu về khoa học pát triển đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội và của đất nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, chi bộ Viện cần tiếp tục các giải pháp củng cố tổ chức, mô hình hoạt động của Viện, tổ chức sơ kết mô hình 115, đánh giá cơ chế thu hút và phát huy các nguồn lực, đánh giá hợp tác trường – viện. Cùng với đó, Viện cần đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, đầu đàn, có giải pháp bứt phá để giải phóng sự sáng tạo của cán bộ, xây dựng nhiều nhóm nghiên cứu mạnh làm nòng cột cho phát triển hoạt động NCKH đỉnh cao.
Trên định hướng trở thành viện nghiên cứu xuất sắc về Việt Nam học ở tầm quốc tế, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá mạnh mẽ, đặc biệt là với sự ra đời của cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Viện cần tăng cường sự xuất hiện của mình tại các sự kiện khoa học, giáo dục khu vực và quốc tế; tham gia các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế; đón đầu mở thêm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến khu vực học; đầu tư vào công bố quốc tế gây tiếng vang để gia tăng tầm ảnh hưởng học thuật; có chính sách thu hút các nghiên cứu sinh xuất sắc người nước ngoài...
Kết thúc Đại hội, các đại biểu đã bầu Chi uỷ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển khoá IV và thông qua Nghị quyết đại hội. Đồng chí Phạm Hồng Tung được bầu làm Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2015-2020.
|