KH&CN đã được quy hoạch và quản lý theo thế mạnh và đặc thù của 4 nhóm lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và y sinh; khoa học kỹ thuật và công nghệ và khoa học liên ngành.
Việc tích hợp chặt chẽ với đào tạo, đặc biệt với đào tạo sau đại học đã triển khai ngày càng hiệu quả. Số lượng NCS, học viên cao học tham gia các đề tài nghiên cứu tăng. Gần 60% NCS trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và y sinh; khoa học kỹ thuật và công nghệ tốt nghiệp đã có công bố quốc tế.
Ngoài việc phát triển các nghiên cứu khoa học cơ bản đỉnh cao, giành các giải thưởng quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước và Tạ Quang Bửu, ĐHQGHN đã nghiên cứu phát triển thành công một số sản phẩm công nghệ tiên tiến của khu vực và của cả nước như: công nghệ thiết vi mạch, công nghệ tin-sinh...
Các nghiên cứu cũng đã góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn; tư vấn hoạch định các chính sách phát triển của các vùng và địa phương. Đặc biệt với thế mạnh khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, ĐHQGHN đã được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Chương trình đang được triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn chặt với nhu cầu của các tỉnh Tây Bắc và hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống của người dân trong vùng.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của ĐHQGHN luôn tham gia giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có nhiều công trình nghiên cứu phục vụ sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, tham gia nghiên cứu tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn sau 30 năm đổi mới; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992; nghiên cứu văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam; nghiên cứu chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra còn phải kể đến hàng chục công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chương trình nghiên cứu trọng điểm kinh tế vĩ mô với sản phẩm Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam đã trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế- xãhội của Đảng, được các cấp quản lý và xã hội đánh giá cao.
Khoa học tự nhiên và y sinh tiếp tục phát triển mạnh, tiếp cận trình độ quốc tế. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này không chỉ là những nghiên cứu cơ bản trình độ cao đóng góp trên 76% công bố quốc tế của ĐHQGHN, trong đó có nhiều công trình đăng trên các tạp chí có chỉ số IF cao, mà còn góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ quốc gia. Nhiều sản phẩm đã được chuyển giao, tiêu biểu như: Đề án quy hoạch tổng thể công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) do các nhà khoa học ĐHQGHN đề xuất đãđược Chính phủphê duyệt; sản phẩm dầu biodiegen sinh học được chuyển giao cho tỉnh Quảng Ninh. Chương trình nghiên cứu vùng biển miền Trung góp phần tư vấn cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều công nghệ lõi và sản phẩm khoa học và công nghệ được phát triển thành công, theo hướng hoàn chỉnh. 50 sản phẩm khoa học và công nghệ được chuyển giao, phục vụ thực tiễn, nổi bật là: công nghệ thiết kế mạch vi điện tử mã hóa video H264; công nghệ ảnh 360 độ; phần mềm quản lý nhà trường - gia đình; công nghệ chế tạo cảm biến đo từ trường và trạm thu thông tin vệ tinh di động; công nghệ máy phát dải rộng và khối tổ hợp; khối tổ hợp máy phát công suất lớn nhận biết chủ quyền quốc gia...
Khoa học liên ngành, liên lĩnh vực cũng được ưu tiên đầu tư. Xác định đây là lĩnh vực thế mạnh, ĐHQGHN đã đặc biệt chú trọng đầu tư triển khai thành công một số hướng nghiên cứu. Trong giai đoạn 2010-2015, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, đã góp phần tăng cường năng lực cho các địa phương miền núi và ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình là các công trình nghiên cứu trọng điểm tin-sinh dược của ĐHQGHN đã thu được kết quả ban đầu quan trọng, làm chủ công nghệ tin sinh giải mã bản đồ gen người Việt; sự kết hợp của các nhà khoa học ngôn ngữ học và công nghệ thông tin đã cho ra đời bộ công cụ và phần mềm VIETTEST đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài. Đặc biệt với uy tín khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, ĐHQGHN đã được Chính phủ tin tưởng giao triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước: Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đến nay Chương trình đã và đang được triển khai bước đầu có hiệu quả, đúng hướng, bám sát được mục tiêu của Chương trình.
Việc công bố quốc tế và xuất bản sách chuyên khảo cũng rất được ĐHQGHN chú trọng. Chính sách hỗ trợ công bố quốc tế đã phát huy hiệu quả, góp phần gia tăng số lượng công bố quốc tế năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 số bài báo ISI mới chỉ là 90 bài, đến năm 2014 số bài báo ISI đã đạt 260 bài (tăng 170% và vượt 30% so với chỉ tiêu Đại hội IV đề ra). Đặc biệt, năm 2013, ĐHQGHN đã có một công trình khoa học được đăng trên tạp chí Nature, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Xuất bản sách chuyên khảo được quan tâm đầu tư, số lượng sách chuyên khảo được xuất bản trong 3 năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 25, 28, 30; riêng năm 2014 do có sự chỉ đạo đúng hướng và chính sách đầu tư hiệu quả nên số lượng sách chuyên khảo chất lượng cao được xuất bản lên tới 50 đầu sách, trong đó có 10 đầu sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài (vượt chỉ tiêu Đại hội IVđề ra). Theo thống kê của bảng xếp hạng SCIMAGO, năm 2015, ĐHQGHN xếp thứ 1 trong số các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về quy mô công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu Scopus; chỉ số đổi mới sáng tạo thể hiện số lượng bài báo được trích dẫn trong các phát minh, sáng chế xếp thứ 284 thế giới và thuộc nhóm 4 cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.
Năm năm qua, với triết lý phát triển giảng viên là nhà khoa học, giảng dạy đại học thông qua hoạt động nghiên cứu, ĐHQGHN đã phát triển vững chắc văn hóa nghiên cứu, thiết lập được văn hóa công bố quốc tế và phát triển khoa học theo hướng vị nhân sinh. Trong giai đoạn tới, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và đầu tư đồng bộ cho hệ thống hạ tầng phục vụ nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và một số phòng thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu giải quyết những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia và Thành phố Hà Nội. Tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm để phát triển các sản phẩm KH&CN có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, phát triển một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế. Thực hiện có hiệu quả Chương trình KH&CN Tây Bắc.
|