Để tiếp tục khẳng định uy tín trên các bảng xếp hạng đại học của khu vực và quốc tế, việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, sống còn đối với ĐHQGHN. Bài tham luận này sẽ trình bày về những chính sách, hoạt động động cụ thể và kết quả phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành tại ĐHQGHN trong giai đoạn 2015-2020, đồng thời nhận định những thách thức và đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới. 1. Một số chính sách và kết quả phát triển cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành giai đoạn 2015-2020 Thứ nhất, ĐHQGHN đã sớm có chính sách “thu hút” riêng đối với các nhà khoa học xuất sắc tại Quy định số 3768/QĐ-ĐHQGHN; tiên phong phát triển các nhóm nghiên cứu; đẩy mạnh áp dụng xét tuyển đặc cách viên chức đối với cán bộ khoa học tại các đơn vị và ĐHQGHN với thủ tục nhanh gọn hơn nhiều so với tuyển dụng viên chức thông thường. Thứ hai là triển khai một số đề án lớn trong toàn hệ thống như: 1. Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, đầu ngành; 2. Đề án thí điểm thu hút nhà khoa học trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài và các du học sinh; 3. Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức cấp bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Các đề án này đã đánh giá, định vị hiện trạng, xác định đúng kế hoạch phát triển đội ngũ và ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng các biện pháp quản lý và cơ chế đặc thù khác nhau cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Thứ ba là triển khai Chương trình thu hút học giả quốc tế. Từ 2017-2019, Chương trình đã kết nối và thu hút nhiều học giả quốc tế ở các trường đại học uy tín trên thế giới, hợp tác với NXB nước ngoài xây dựng tạp chí khoa học quốc tế, thực hiện các hội thảo quốc tế lớn…Qua Chương trình, đã có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế lấy địa chỉ ĐHQGHN. Thứ tư là thí điểm cơ chế thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài tham gia các vị trí quản lý bộ môn, phòng thí nghiệm để dẫn dắt chuyên môn, học thuật. Một số nhà khoa học quốc tế trình độ cao đã được mời làm đồng Giám đốc các phòng thí nghiệm trọng điểm. Thứ năm là sáng kiến thành lập Câu lạc bộ nhà khoa học với chuỗi các hoạt động hữu ích. Trong quá trình hoạt động, CLB đã phát hiện các nhân tài KHCN và quản lý, thúc đẩy công bố khoa học, phát minh sáng chế, đổi mới giảng dạy; đồng thời đã phát huy tài năng, trí tuệ của các nhà khoa học trong các chương trình, nhiệm vụ lớn của ĐHQGHN, trong đó có việc xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN hiện nay. Thứ sáu là liên tục tổ chức hoặc tạo cơ hội tối đa cho CBKH được đi đào tạo bồi dưỡng. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 3.000 lượt CBKH trong ĐHQGHN tham gia các khóa bồi dưỡng trong và ngoài nước. Từ năm 2019, ĐHQGHN thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy với nhiều chương trình tập huấn thu hút hàng ngàn lượt người tham gia trong năm 2019. Cùng với các hoạt động của Trung tâm, Dự án Vibe với 04 khóa đào tạo cho hàng trăm giảng viên và các hoạt động của Câu Lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN đã tạo thành một cộng đồng các nhà khoa học với tinh thần đổi mới sáng tạo, kết nối sôi nổi nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, năm 2019, ĐHQGHN đã tổ chức cuộc khảo sát quy mô lớn đối với tất cả các nhà khoa học để lắng nghe phản hồi và nỗ lực thực thi các chính sách cải thiện môi trường làm việc. Sau đó, ĐHQGHN đã có những hoạt động triển khai ngay, ví dụ như tổ chức thi thăng hạng giảng viên chính (đón đầu cho việc thực hiện quy định PGS phải là giảng viên chính), xét đặc cách thăng hạng không qua thi đối với các nghiên cứu viên xuất sắc. Cũng từ năm 2019, công tác tuyển dụng được chủ động truyền thông rộng khắp trên websie, facebook và link đến các trang khác như cộng đồng du học sinh các nước, cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước. ĐHQGHN cùng với các đơn vị chủ động phát triển ngân hàng CSDL ứng viên trong nước và quốc tế theo ngành, lĩnh vực; đồng thời chủ động săn tìm các nhà khoa học tài năng, xuất sắc để trực tiếp mời về làm việc. Với những thay đổi trên, một số đơn vị thường xuyên gặp khó khăn về nguồn tuyển dụng giảng viên, nay đã được giải quyết. Khoa Y dược, Khoa Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, Trường ĐH Công Nghệ… đã thu hút được một số nhà khoa học đầu ngành có uy tín trong nước về làm việc. Từ những chính sách trên, chất lượng đội ngũ nhà khoa học trình độ cao ngày càng tăng. Tỷ lệ nhà khoa học có trình độ tiến sĩ tăng từ 48% năm 2015 lên 57% hiện nay, tỷ lệ Giáo sư chiếm 3% và Phó Giám sư chiếm 16%. Tỷ lệ TS, GS, PGS cao hơn gần gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ cán bộ khoa học là tiến sĩ của ĐHQGHN tăng đều qua các năm Cùng với sự gia tăng về chất lượng đội ngũ, số lượng và chất lượng công bố khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên tại ĐHQGHN cũng có sự phát triển đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ bài báo quốc tế ISI, Scopus/CBKH tăng từ 0,15 năm 2015 lên 0,38 năm 2019. Năm | Số bài báo khoa học quốc tế (ISI/Scopus) | Số cán bộ khoa học | Tỷ lệ bài báo quốc tế/cán bộ khoa học | 2015 | 327 | 2186 | 0,15 | 2016 | 315 | 2212 | 0,14 | 2017 | 560 | 2253 | 0,25 | 2018 | 618 | 2289 | 0,27 | 2019 | 874 | 2313 | 0,38 | Số lượng và tỷ lệ bài báo khoa học quốc tế/cán bộ khoa học của ĐHQGHN giai đoạn 2015-2019 2. Một số thách thức trong thời gian tới Xây dựng đại học nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để hoàn thành được mục tiêu đó, ĐHQGHN đang đứng trước nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển đội ngũ. Một số thách thức chủ yếu như sau: - Chiến lược phát triển của ĐHQGHN đến năm 2030 và áp lực cạnh tranh thứ hạng quốc tế đang đang đặt ra những yêu cầu rất cao về chất lượng đội ngũ CBKH. Chẳng hạn, tỷ lệ bài báo quốc tế ISI, Scopus/cán bộ khoa học của ĐHQGHN mặc dù tăng lên hàng năm, hiện ở mức 0,38 bài/cán bộ nhưng so với các đại học tốp 500 trên thế giới thì còn khoảng cách xa (khoảng 1,5-1,8 bài). Tỷ lệ giảng viên trên tổng quy mô đào tạo đại học và sau đại học của ĐHQGHN hiện ở mức 6.7%, cần đạt 9-10% để lọt vào tốp 500 đại học hàng đầu thế giới và 100 đại học hàng đầu Châu Á. Tương tự, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ hiện ở mức 57%, cần đạt được khoảng 70% năm 2025 và 80% năm 2030. Tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS hiện là 19%, cần đạt được khoảng 25% năm 2025 và 30% năm 2030; trong khi nhiều GS, PGS ở ĐHQGHN đang đến tuổi nghỉ hưu, tiêu chí PGS, GS của Nhà nước ngày càng cao hơn. - Quyền tự chủ cao và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các trường đại học trong nước, phân hiệu của các trường đại học uy tín ngoài nước về đội ngũ giảng viên giỏi. ĐHQGHN đang đứng trước áp lực tự chủ đại học - trách nhiệm giải trình và mô hình phát triển của mới, đáp ứng yêu cầu và tình hình mới, đặc thù. - Thiếu nguồn lực đầu tư (đặc biệt là nguồn lực tài chính) để đột phá. Cơ chế về tài chính cho cán bộ nghiên cứu còn chưa tương xứng với tiềm năng. Ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên ngày một hạn chế. - Môi trường làm việc còn chưa thuận lợi, tương xứng với tiềm năng, tài năng và sự đóng góp của các nhà khoa học (đặc biệt là cơ sở vật chất, thủ tục hành chính do cơ chế của đại học công lập). Điều kiện về cơ sở vật chất trong những năm tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. - Đội ngũ nhà khoa học trình độ cao đông đảo, nhưng đang thiếu hụt dần một số nhà khoa học xuất sắc để dẫn dắt và phát triển các lĩnh vực nghiên cứu ở tầm cao mới và một số ngành, lĩnh vực mới. - Yêu cầu về phát triển đại học đổi mới sáng tạo - thương mại hoá được các sản phẩm KHCN của đại học; về phát triển đại học thông minh; đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 và quốc tế hóa giáo dục. 3. Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đến năm 2025 Trước những thách thức trên, ĐHQGHN sẽ tập trung vào một số giải pháp sau đây để phát triển đội ngũ cán bộ khoa học: - Hoàn thiện mô hình tổ chức (đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo) và hệ thống văn bản điều hành, quản lý đáp ứng với yêu cầu đổi mới, với Luật GDĐH sửa đổi bổ sung và Nghị định, Quy chế mới. Tích cực chuyển đổi một số đơn vị sang mô hình tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên. Tăng cường phân cấp phân quyền để giải phóng sức sáng tạo, nhưng đồng thời phải gắn liền với quản trị hệ thống, minh bạch và “công nghệ hóa” các quy trình quản lý để phòng ngừa và kịp thời phát hiện các rủi ro. - Tăng cường thu nhận các ý kiến phản hồi và có các giải pháp phối hợp để cải thiện môi trường làm việc, cải cách hành chính và chuyển đổi số, tăng tính tự chủ và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đặc biệt là khu nghiên cứu 22,9 ha; từ đó, tạo sự đột phá trong việc xây dựng môi trường làm việc cho cán bộ khoa học. - Xây dựng cơ chế đặc thù nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu cho hệ thống các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tương ứng với các ngành/chuyên ngành đào tạo; phát triển các phòng thí nghiệm KHCN trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm. - Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành để tiên phong đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ lớn, quan trọng của Quốc gia; phát triển các lĩnh vực nghiên cứu, chương trình đào tạo mới; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng CMCN4.0 và có thứ hạng cao trong hệ thống các trường đại học của thế giới. - Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học theo hướng đầu tư vun cao, có trọng điểm; trong đó chú trọng nâng cao năng lực phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ, công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, đổi mới hoạt động giảng dạy. - Tăng cường kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển mạng lưới các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi ở trong, ngoài nước để huy động tham gia thực hiện các nhiệm vụ mới, quan trọng của ĐHQGHN. - Hoàn thiện hệ thống chi trả tiền lương mới của cán bộ theo tinh thần của Nghị Quyết 27 (rà soát và chuẩn hoá vị trí việc làm, đổi mới đánh giá cán bộ theo vị trí việc làm...). - Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp uỷ Đảng, tổ chức, đoàn thể và các cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các đề án, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ khoa học (thông qua các nghị quyết, văn bản chỉ đạo; các chương trình, hoạt động chuyên môn; các diễn đàn, CLB nhà khoa học)./. Đây là bài tham luận của đại diện Ban tổ chức Cán bộ ĐHQGHN tại sự kiện Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHGQHN được tổ chức trong 2 ngày 15-16/8/2020 tại Hà Nội. >>> Link tin liên quan: -[Infographic] Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 -Vị thế và Trách nhiệm Quốc gia -Đảng viên trẻ, những kỳ vọng và tự hào
|