Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận. 1. Đặt vấn đề Tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi và với những yêu cầu mới của xã hội. Tại Việt Nam, quá trình tự chủ đại học được bắt đầu từ năm 1996 với một số quyền tự chủ được trao cho Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó là đề án thí điểm thực hiện tự chủ đại học từ khoảng năm 2007 với 23 trường đại học trên cả nước đăng ký thực hiện. Thông thường, tự chủ đại học bao gồm 4 khía cạnh: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự. Theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018, “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học. ” Tự chủ đại học mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học phát triển và hội nhập quốc tế, tuy nhiên cũng sẽ mang lại không ít thách thức cho các trường. Trong phạm vi báo cáo tham luận này, chúng tôi muốn phân tích những cơ hội và thách thức đối với Trường Đại học Ngoại ngữ trong xu thế tự chủ đại học hiện nay. Từ đó đưa ra một số giải pháp để biến thách thức thành cơ hội, thành đòn bẩy cho sự phát triển của Nhà trường. 2. Cơ hội trước xu thế tự chủ đại học Nằm trong Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Ngoại ngữ cũng như các đơn vị thành viên được hưởng những chính sách đặc thù và quyền tự chủ về chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự của Chính phủ dành cho 2 Đại học Quốc gia. Hiện nay câu chuyện tự chủ đại học được bàn đến nhiều nhất là tự chủ về tài chính. Trong 2 năm vừa qua, bắt nhịp với xu thế tự chủ về tài chính, trường Đại học Ngoại ngữ đã xây dựng và triển khai thành công 6 chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu như năm 2018 Trường chỉ mở 03 CTĐT CLC Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản với tổng số 150 chỉ tiêu, chiếm 11% tổng chỉ tiêu toàn trường và tuyến song song cả CTĐT chuẩn và CTĐT CLC thì sang năm 2019, 03 CTĐT này chuyển toàn bộ sang CTĐT CLC, đồng thời mở mới 03 CTĐT CLC Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Đức, nâng tổng số chỉ tiêu các CTĐT CLC lên thành 900, chiếm 60% tổng chỉ tiêu toàn Trường. Đến năm 2020, toàn bộ 6 CTĐT này chỉ tuyển chất lượng cao với tổng chỉ tiêu lên đến 1075, chiếm khoảng 74% tổng chỉ tiêu các CTĐT đại học. Song song với việc mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đầu vào các CTĐT CLC được duy trì và đảm bảo ở mức tốt với điểm chuẩn cao trong nhóm các trường đào tạo cùng lĩnh vực. Việc tuyển sinh và triển khai thành công 6 CTĐT chất lượng cao bậc đại học tại trường Đại học Ngoại ngữ tạo tiền đề cho sự phát triển các chương trình đào tạo các bậc học theo hướng tự chủ. Những cơ hội trong giai đoạn tới gồm có: - Tiếp tục phát triển các CTĐT bậc đại học và sau đại học theo hướng tự chủ, thu học phí đảm bảo chất lượng đào tạo; - Đổi mới toàn diện cả về chuyên môn như chương trình đào tạo, nội dung môn học, hoạt động tổ chức giảng dạy, và các lĩnh vực khác như công tác quản trị đại học, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người học, chính sách nhân sự. Xu thế đào tạo đại học trong giai đoạn mới là cơ hội để Trường triển khai các mô hình hoạt động như giáo dục khai phóng, cá thể hóa; - Người học ngày càng chủ động, sáng tạo trong việc học và phát triển năng lực cá nhân, do đó đây là cơ hội để Trường triển khai nhiều hoạt động đổi mới trong công tác đào tạo và hỗ trợ người học, tạo nên bản sắc và thế mạnh riêng của học sinh, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ; - Nhu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ trong đội ngũ cán bộ công chức và các doanh nghiệp, nhu cầu phát triển năng lực đội ngũ giáo viên ngoại ngữ vẫn rất cao. Đây là cơ hội để Trường mở rộng và đẩy mạnh hợp tác địa phương và hợp tác với các bộ ban ngành; - Với thế mạnh có nhiều đối tác quốc tế, Trường có thể tận dụng để tạo cơ hội giao lưu, hợp tác, học tập và trải nghiệm cho giảng viên và sinh viên; - Khi Nhà trường thực hiện từng bước giao quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo sẽ tạo cơ hội để các đơn vị năng động, sáng tạo, tự tìm kiếm các giải pháp để chuyển mình và tạo sức cạnh tranh cho chính đơn vị. 3. Thách thức trước xu thế tự chủ đại học Bên cạnh các cơ hội, xu thế tự chủ đại học cũng mang lại nhiều thách thức, trong đó đối với Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ có 04 thách thức nổi bật như sau: - Nguồn thu từ ngân sách nhà nước có thể giảm, do đó bên cạnh học phí, cần tạo các nguồn thu khác để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Trường. Điều này đòi hỏi các hoạt động về nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư từ xã hội, cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội cần được chú trọng và phát triển đồng bộ song song với công tác đào tạo; - Cạnh tranh trong tuyển sinh ngày càng gay gắt, nếu không nâng cao chất lượng đào tạo và hỗ trợ người học, tạo những giá trị gia tăng tốt và đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp thì nguồn tuyển sinh của Trường sẽ bị giảm về số lượng hoặc chất lượng hoặc cả hai; - Là một đơn vị lớn với gần 800 cán bộ, giảng viên, khi chuyển sang cơ chế tự chủ Nhà trường cần có chính sách nhân sự phù hợp để vừa thu hút và giữ chân người tài, vừa vận hành hiệu quả bộ máy và cơ cấu; - Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình, năng lực quản trị đại học của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp nếu không được nâng cao và cập nhật kịp thời sẽ là thách thức không nhỏ đối với Nhà trường trong giai đoạn mới. 4. Một số giải pháp chuẩn bị cho tự chủ đại học Trước những cơ hội và thách thức trên, Trường Đại học Ngoại ngữ đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, đón đầu cơ hội, hóa giải các thách thức để có những bước chuẩn bị vững vàng khi chuyển sang cơ chế tự chủ. Một số giải pháp gồm: - Xây dựng các CTĐT đại học và sau đại học theo hướng tự chủ với mức học phí phù hợp với định mức kinh tế-kỹ thuật của từng CTĐT. Cần xác định được điểm nhấn và những định hướng mới trong mỗi chương trình đào tạo của Trường. Điều này không chỉ duy trì sức thu hút đối với thí sinh, đảm bảo nguồn thu từ học phí tăng theo lộ trình phù hợp, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Nhà trường; - Tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động giảng dạy ở tất cả các bậc học trong Trường, triển khai hiệu quả Đề án đổi mới hoạt động thực hành thực tập, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên. Nâng cao năng lực sáng tạo và tính tự chủ, năng lực học tập suốt đời, khả năng thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh và những thách thức của công việc cho người học. Tạo giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của người học khi tốt nghiệp; - Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu người học và các tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức xã hội khác, thể hiện trong một số điểm sau: (1) Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan vào quá trình xây dựng CTĐT và tổ chức đào tạo, đánh giá chuẩn đầu ra của người học. Thiết kế nội dung và phương thức tổ chức đào tạo nhằm rút ngắn tối đa khoảng cách giữa nội dung chương trình, chất lượng người học khi tốt nghiệp với yêu cầu của nhà tuyển dụng; (2) Tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cựu người học, các tổ chức khoa học công nghệ, các tổ chức xã hội trong các hoạt động đào tạo, thực hành thực tập và nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên; (3) Xây dựng các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ ý tưởng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên do doanh nghiệp, cựu người học, các tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức xã hội tài trợ; - Xây dựng các sản phẩm đào tạo, khoa học công nghệ theo hướng ứng dụng cao phù hợp với nhu cầu xã hội. Những yêu cầu của thế kỷ 21 đối với người giáo viên nói chung và giáo viên ngoại ngữ nói riêng đòi hỏi công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cần có sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức triển khai. Với thế mạnh về giáo dục ngoại ngữ và liên tục cập nhật các phương pháp giáo dục hiện đại, Trường Đại học Ngoại ngữ có cơ hội thiết kế và triển khai các chương trình phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên ngoại ngữ nói riêng ở các bậc học trên cả nước; - Nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực đổi mới sáng tạo cho toàn thể giảng viên, giáo viên trong Trường thông qua các khóa tập huấn do chuyên gia trong và ngoài trường tổ chức. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp trong đó mỗi cá nhân đều có thể phát huy năng lực bản thân, sẵn sàng gắn bó và đóng góp cho đơn vị; - Phát triển năng lực quản trị đại học tiên tiến cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Xây dựng các văn bản quản lý điều hành phù hợp với phương thức quản trị mới, song song với việc trao quyền tự chủ cần thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả. Kết luận: Tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu của giáo dục đại học tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Tự chủ đại học mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các cơ sở giáo dục đại học. Trong phạm vi bài báo cáo tham luận này, chúng tôi phân tích một số cơ hội và thách thức của Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN trước xu thế tự chủ đại học hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải pháp để vượt qua thách thức trong giai đoạn tới.
|