Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >   Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Hợp tác trong triển khai các dự án quốc tế tại ĐHQGHN: thực trạng và giải pháp
Được trình bày tại Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020 – 2025, tham luận “Hợp tác trong triển khai các dự án quốc tế tại ĐHQGHN: thực trạng và giải pháp” của Ban Hợp tác và Phát triển không chỉ nêu tổng quan thực trạng triển khai các dự án quốc tế tại ĐHQGHN mà còn đề xuất giải pháp nâng cao hoạt động này.

Tổng quan một số chương trình, dự án quốc tế trọng điểm

Từ những ngày đầu thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đến nay,  hợp tác quốc tế (HTQT) luôn là một trong các định hướng ưu tiên phát triển.. Thông qua các hoạt động hợp tác hiệu quả, ĐHQGHN đã thu hút được các nguồn lực về tài chính, con người, trang thiết bị, học liệu, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất, tạo giá trị gia tăng cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình đào tạo mới, xuất bản tài liệu và giáo trình ... Số lượng các đối tác quốc tế ngày càng tăng, đồng thời, quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, các Đại sứ quán,  các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) ngày càng hiệu quả,  gia tăng cả về lượng và chất.

 ĐHQGHN và Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác về việc thực hiện dự án VIETNAMICA

Chủ trương nhất quán của ĐHQGHN về thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, được quan tâm thực hiện và thể hiện trong các nghị quyết và chiến lược của ĐHQGHN, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020; Chương trình công tác “Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác và phát triển ở ĐHQGHN giai đoạn 2015-2020” của Đảng ủy ĐHQGHN, Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 4488/QĐ-ĐHQGHN ngày 28/11/2014 của Giám đốc ĐHQGHN;. Với tư cách là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có vị thế và truyền thống lâu đời, ĐHQGHN hợp tác sâu rộng với rất nhiều tổ chức quốc tế như UNESCO, UNDP, Oxfam; các đại sứ quán: Hoa kỳ, Úc, Ireland, EU, Cộng hòa Pháp, Canada, Liên bang Nga, Đaan mạch … ; các quỹ và tổ chức phi chính phủ: Quỹ Rosa Luxemburg, Quỹ Wenner Gren, Quỹ Jean Monnet, các mạng lưới giáo dục đại học khu vực và thế giới như AUN (Mạng lưới các đại học Asean), AUF (Tổ chức đại học Pháp ngữ), UMAP (Tổ chức hợp tác đại học Châu Á-Thái Bình Dương), SATU (Tổ chức hợp tác đại học Đài Loan-Asean) , … Các hoạt động hợp tác có mặt ở hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, các chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN như: Kinh tế, Pháp luật, Khoa học Giáo dục, Văn hóa, Tôn giáo, Nhân học, Lịch sử, Môi trường, Biến đổi Khí hậu, Y sinh, Hóa học Vật liệu, Tính toán mô phỏng, Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ, …. Chính vì vậy, hiệu quả của các chương trình dự án quốc tế trực tiếphay gián tiếp đều tác động đến kinh tế – xã hội thông qua các tư vấn chính sách,  hoạch định chiến lược phát triển giáo dục đại học, phát triển khoa học công nghệ, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước .

Hợp tác với Học viện sáng tạo, Đại học Dublin, Ireland triển khai Dự án VIBE

Chủ trương phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo liên kết quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ, đồng thời gia tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu phát triển của đơn vị và của ĐHQGHN được khẳng định xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN. Cùng với tiến trình phát triển của ĐHQGHN cũng như công tác chỉ đạo, điều hành chung và nỗ lực của các đơn vị, công tác hợp tác phát triển (HTPT) đã thu được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt trong những năm gần đây đã phát triển được nhiều chương trình, dự án mang tính thời sự, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, kinh tế, khoa học và xã hội Việt Nam. Có thể kể đến các chương trình dự án như: Dự án “Xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển xanh” do PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN chủ trì, mục tiêu xây dựng chính sách phát triển kinh tế và duy trì, đảm bảo xã hội phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các đối tác Bắc Âu về bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu, cũng được các nhà khoa học hàng đầu của ĐHQGHN chủ trì và thực hiện thành công trong giai đoạn 2012 – 2016; Dự án”Biến đổi khí hậu và những thách thức của quá trình đô thị hóa tự phát tại các vùng đất thấp miền Bắc Việt Nam” thực hiện 2013 – 2015, do GS. Mai Trọng Nhuận chủ trì; Dự án ”Giải pháp đa lợi ích giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các nước Đông Dương bằng phát triển năng lượng sinh học” do GS. Lưu Văn Bôi chủ trì triển khai trong giai đoạn 2011-2016, là những dự án điển hình về quy mô nguồn lực tài chính, hiệu quả triển khai, liên kết chặt chẽ các yếu tố Quốc tế – Đại học – Địa phương và Doanh nghiệp.

Với  nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, nhiều đơn vị trong ĐHQGHN đã tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế lớn, thu hút được nhiều chuyên gia, học giả danh tiếng, tham dự và góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của ĐHQGHN. Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như Hội thảo Quốc tế Việt Nam học luôn quy tụ số lượng đông đảo các nhà nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới được tổ chức 4 năm một lần; Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á tổ chức năm 2019 thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu, học giả; Hội nghị quốc tế về bệnh Whitmore lần thứ IX năm 2019 với hơn 300 nhà khoa học tham dự; Diễn đàn Hà Nội  về Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững được tổ chức 2 năm một lần với sự tài trợ từ Quỹ Cao học Hàn quốc và Bộ KHCN…. Các hoạt động trao đổi học thuật quy mô, tầm vóc quốc tế không chỉ tập trung trong lĩnh vực khoa học sự sống, khoa học xã hội, mà còn ở những lĩnh vực có nhiều sự khác biệt trong quan điểm tiếp cận như Diễn đàn Luật Hiến pháp Châu Á với hơn 300 chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ... Hàng năm, có trên dưới 100 hội thảo quốc tế được tổ chức tại ĐHQGHN góp phần mở rộng mạng lưới hợp tác khoa học, tạo ra các sản phẩm khoa học, công bố quốc tế và tạo môi trường học thuật hội nhập quốc tế. 

Thông qua các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên song phương và đa phương; các chương trình hợp tác trao đổi tín chỉ trong khuôn khổ các tổ chức, hiệp hội đại học khu vực; các chương trình đào tạo ngắn hạn về văn hóa, lịch sử, kinh tế – xã hội, tài nguyên môi trường Việt Nam, … hàng năm, ĐHQGHN thu hút được hơn 1000 lượt học viên, sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu và số sinh viên ĐHQGHN đi nghiên cứu, học tập và tham gia trao đổi, giao lưu văn hóa tại các cơ sở đối tác nước ngoài cũng ngày càng tăng.

Số lượng sinh viên quốc tế và sinh viên ĐHQGHN tham gia các chương trình hợp tác trao đổi và Tỷ lệ phân bố sinh viên quốc tế tại các đơn vị trong ĐHQGHN (từ trái qua)

 

Qua nghiên cứu và phân tích xu hướng của sinh viên, học viên quốc tế tới ĐHQGHN, có thể nhận thấy, số lượng sinh viên tăng đều hàng năm, các lĩnh vực hợp tác đào tạo về văn hóa, ngôn ngữ, công nghệ, khoa học sự sống, kinh tế, lịch sử Việt Nam thu hút phần lớp số lượng sinh viên quốc tế, đây là thế mạnh cần phát huy nhằm tăng cường chỉ số quốc tế của ĐHQGHN trêncác bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới. 

Đặc biệt trong giai đoạn 2017 – 2019, ĐHQGHN đã xây dựng và bước đầu triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ và các nguồn lực khác vì sự phát triển của ĐHQGHN và các đơn vị. Ngày 4 tháng 11 năm 2019, ĐHQGHN phối hợp với Viện Khảo cứu Cao cấp (EPHE), Viện Hàn lâm và Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ chính thức khởi động dự án Vietnamica. Dự án này do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (European Research Council) tài trợ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam . Dự án nhằm nghiên cứu lịch sử cung tiến Việt Nam qua văn bia, số hóa tư liệu khoa học xã hội Việt Nam lưu trữ ở châu Âu và Việt Nam; tham gia đào tạo học viên cao học và nghiên cứu sinh; thiết lập thư viện điện tử, dịch thuật-xuất bản các chuyên khảo và nghiên cứu tổng hợp về lịch sử cung tiến Việt Nam. Dự án bao gồm cả sự kết hợp nghiên cứu và tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, nhằm duy trì một cách bền vững các hướng nghiên cứu và tạo ảnh hưởng lâu dài. Dự án Vietnamica được triển khai theo cách thức hiện đại, phù hợp với công nghệ số và những xu hướng công nghệ mới cho khoa học xã hội và nhân văn. Và điều đặc biệt, dự án Vietnamica thu hút sự tham gia của nhiều học giả và cơ quan khoa học có uy tín của hai phía Việt Nam và Pháp. Với những khía cạnh đó, dự án Vietnamica sẽ góp phần tạo nên một cơ sở dữ liệu toàn diện, giá trị về Việt Nam học, đồng thời là cầu nối giúp làm sâu sắc và thắt chặt thêm quan hệ học thuật giữa Việt Nam và các nước châu Âu, nhất là Cộng hòa Pháp. Cũng trong hai năm 2018-2019, ĐHQGHN đã phối hợp với Học viện sáng tạo, Đại học Dublin, Ai-len (University College Dublin - UCD) triển khai dự án “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên” nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt Nam-Ireland về giáo dục (VIBE). Dự án hướng đến mục tiêu tăng cường kỹ năng, thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo theo tinh thần khởi nghiệp, phát triển các phương pháp thực hành giảng dạy theo hình thức trải nghiệm mới mẻ cho các cán bộ của ĐHQGHN, qua đó sẽ giúp trang bị tư duy đổi mới sáng tạo theo tinh thần khởi nghiệp và các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 cho sinh viên, giúp sinh viên thích ứng và phát triển tốt hơn trong tương lai. Trong khuôn khổ Dự án, ĐHQGHN đã tổ chức 4 khóa đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 130 cán bộ giảng dạy và quản lý với các chuyên môn khác nhau đến từ nhiều đơn vị trong toàn ĐHQGHN. Trong 10 ngày đào tạo, các học viên được trải qua hai giai đoạn đào tạo: (1) Nhà giáo dục sáng tạo – Nhìn nhận với con mắt mới mẻ; và (2) Nhà giáo dục theo tinh thần khởi nghiệp – Người thắp lửa. Với hình thức học thông qua thực hành và các hoạt động đào tạo đa dạng, đầy tính sáng tạo và gợi mở, các học viên được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm, được làm việc theo nhóm để vượt qua các thử thách và thực hiện các dự án từ dễ đến khó, qua đó học viên được trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức, các công cụ và phương pháp đào tạo tiên tiến, khác biệt và mới mẻ. Thông qua dự án, một cộng đồng hơn 130 các nhà giáo dục theo tinh thần khởi nghiệp tại ĐHQGHN (VNU Entrepreneurial Educators - VNU EE) đã được hình thành để cùng lan tỏa và tạo sự bền vững cho hoạt động đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN. Với sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và trí tuệ của các học viên, cộng với thế mạnh liên ngành và đa dạng về chuyên môn, cộng đồng VNU EE đang phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động như tổ chức các buổi thảo luận, xê-mi-na, chia sẻ cho cán bộ và đào tạo sinh viên về đổi mới sáng tạo; cùng tham gia viết bài công bố quốc tế và trình bày tham luận tại Hội nghị quốc tế, xây dựng các đề xuất xin tài trợ từ các nguồn trong nước và quốc tế; tổ chức các buổi talk show, các buổi chia sẻ, các hoạt động giao lưu, văn hóa, kết nối cộng đồng, v.v. Đây là nguồn lực quan trọng để tiến hành đổi mới hoạt động giảng dạy và đào tạo theo hướng cá thể hóa, tạo sự đột về chất lượng đào tạo trong những năm tiếp theo.

Hợp tác triển khai các chương trình dự án quốc tế, không chỉ góp phần tăng cường năng lực cán bộ, cơ sở dữ liệu khoa học và trao đổi sinh viên quốc tế, mà  thông qua các chương trình hợp tác, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất (bao gồm thiết bị nghiên cứu khoa học, học liệu), … của ĐHQGHN và các đơn vị cũng được tăng cường, cập nhật, bổ sung. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ĐHQHGN đã xây dựng và triển khai mới 05 chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (chương trình nghị định thư) với các đối tác từ Nhật bản, Liên bang Nga, Trung Quốc, Đài loan (Trung Quốc), … đồng thời các cá nhân, đơn vị đã chủ động phát triển hơn 50 chương trình dự án hợp tác quốc tế với các đại học, tổ chức, các cá nhân nhà khoa học nước ngoài thông qua các tổ chức như JICA, KOICA, FAO, RIKEN, FIRST, AIT, …. Tổng kinh phí tài trợ trong giai đoạn 2014 – 2019 đạt hơn 215 tỷ VNĐ và được phân bố theo các năm, như tại biểu đồ sau:

 

Có thể nhận thấy tỷ trọng kinh phí từ chương trình, dự án quốc tế và tài trợ đạt tỷ lệ không cao trong tổng nguồn thu của các đơn vị và đang có xu hướng giảm dần do một số dự án lớn đã kết thúc trong khi chưa có các dự án mới thay thế.

Thực trạng khó khăn và những tồn tại khách quan, chủ quan

Hạn chế, khuyết điểm

Trong quá trình thực hiện và triển khai các hoạt động hợp tác phát triển của ĐHQGHN trong các năm qua, có thể nhận thấy các tồn tại, hạn chế như sau:

- Chưa có văn bản quy định, thống nhất công tác quản lý hoạt động Hợp tác Phát triển (bao gồm cả hợp tác quốc tế và hợp tác trong nước) cho toàn ĐHQGHN. Hiện nay, căn cứ vào các quy định của Nhà nước, ĐHQGHN mới ban hành được Quy định về quản lý hoạt động hợp tác quốc tế tại ĐHQGHN – đây là một phần của hoạt động HTPT. Một số đơn vị  chưa nắm rõ các quy định của Nhà nước và của ĐHQGHN về công tác quản lý hoạt động hợp tác quốc tế.

 - Hoạt động hợp tác trong nước mới được chú trọng phát triển trong thời gian gần đây, do đó chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai thác và phát triển đối tác trong nước. Chính vì vậy, hợp tác trong nước vẫn còn có quy mô nhỏ lẻ, nguồn lực phân tán và chưa có định hướng tổng thể: tập trung với các địa phương, các doanh nghiệp nhà nước hay các tập đoàn tư nhân, ….

- Đội ngũ cán bộ làm hợp tác phát triển ở một số đơn vịthiếu và yếu,; nguồn nhân lực đủ khả năng và kinh nghiệm trong khai thác và phát triển đối tác (cả trong và ngoài nước) còn rất hạn chế;

- Chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các đơn vị thành viên, giữa đơn vị với ĐHQGHN và giữa các Ban chức năng, dẫn đến tình trạng hoạt động manh mún, rời rạc và không ổn định, không khai thác hết tiềm năng của đối tác cũng như chưa tận dụng hết các nguồn lực chung;

- Các cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ cao chưa liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng thể của đơn vị, từ đó tạo ra sức mạnh chung của ĐHQGHN. Các sản phẩm nghiên cứu mang tính cá nhân và thường làm lợi cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao.

- Nguồn tài chính hạn hẹp, đặc biệt chưa có nguồn kinh phí  đối ứng trong một số dự án hợp tác lớn, hạn chế sự chủ động xây dựng chương trình hợp tác;

Tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan

- Nguồn tài chính hỗ trợ của Nhà nước và các Quỹ chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, chưa có chính sách huy động hiệu quả các nguồn Quỹ trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động HTPT.

- Các nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế giảm dần do Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình và ngày càng cạnh tranh do sự vươn lên của một số đại học vùng và đại học tư thục. Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động hợp tác, nhất là hợp tác quốc tế trong trung và dài hạn.

- Chưa ban hành được văn bản quy định về quản lý công tác Hợp tác Phát triển trong toàn ĐHQGHN, đặc biệt hợp tác trong nước. Chính vì vậy, cơ chế phối hợp triển khai hoạt động HTPT còn chưa rõ ràng về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ … của các bên liên quan.

- Năng lực cán bộ làm công tác hợp tác phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Một số đơn vị chưa chú trọng đến công tác hợp tác phát triển như một phương thức nhằm thu hút nguồn lực, chưa coi đó là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tiếp thu công nghệ mới và hội nhập quốc tế.

- Chia sẻ thông tin và tính liên thông, liên kết trong ĐHQGHN nhằm xây dựng và triển khai các chương trình dự án quốc tế còn yếu vì thế chưa có nhiều sự án hợp tác quốc tế quy mô lớn, hiệu quả lan tỏa trong toàn ĐHQGHN.

- Các đơn vị chưa đề xuất kịp thời các chương trình, dự án hợp tác quốc tế với các đối tác do ĐHQGHN phát triển; vẫn thực hiện triển khai với các đối tác truyền thống, riêng lẻ và theo các chương trình đơn ngành.

Một số đề xuất giải pháp nâng cao hoạt động hợp tác 

- Giải pháp về chính sách cấp ĐHQGHN và kiến nghị cấp Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, hạn chế rủi ro khi xây dựng và phát triển các chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, đồng bộ giữa các đơn vị thành viên, giữa đơn vị với ĐHQGHN, tạo sự phối hợp, gắn kết kịp thời, tận dụng các nguồn lực và điều phối hợp tác chung, phát huy được thế mạnh liên ngành của ĐHQGHN.

- Giải pháp huy động nguồn lực tài chính (xã hội hóa, thu hút hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thương mại hóa sản phẩm tái đầu tư cho nghiên cứu, …). ĐHQGHN cần có nguồn kinh phí đầu tư rủi ro ban đầu và vốn đối ứng cho các hoạt động hợp tác, đặc biệt hợp tác quốc tế nhằm tạo sự chủ động trong triển khai hợp tác và thúc đẩy tìm kiếm và xây dựng các dự án hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, phù hợp với các quy định của luật pháp.

- Giải pháp về tăng cường các nguồn lực hỗ trợ phát triển các chương trình dự án hợp tác quốc tế mới. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đối tác và các hoạt động hợp tác, hoàn thiện nguồn lực cơ sở dữ liệu giúp hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả các hoạt động hợp tác trong ĐHQGHN.

- ĐHQGHN và các đơn vị xây dựng kế hoạch hợp tác trong và ngoài nước với định hướng ưu tiên rõ ràng, cụ thể và xây dựng kế hoạch trung và dài hạn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác phát triển. Khai thác tối đa lợi thế đa ngành của ĐHQGHN và kết hợp các yếu tố quốc tế-địa phương-doanh nghiệp để tăng chất lượng và tính cạnh tranh của đề xuất dự án./.

 

 

 Nguyễn Khánh
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :