Phó Giám đốc có thể chia sẻ một cách khái quát về định hướng phát triển của Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc trong giai đoạn hiện nay?
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, đồng thời cũng để mở ra không gian mới tạo đà cho những phát triển đột phát trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức của ĐHQGHN, với quyết tâm chính trị cao nhất, Ban lãnh đạo ĐHQGHN đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc di dời trụ sở tới Hoà Lạc và đẩy nhanh tốc độ xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN.
Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc là một trong những dự án giáo dục - khoa học trọng điểm quốc gia, được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung nguồn lực tri thức KH&CN; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc, với toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. Định hướng phát triển của ĐHQGHN tại Hòa Lạc không chỉ đơn thuần là mở rộng quy mô đào tạo, mà quan trọng hơn, đó là kiến tạo một mô hình đại học tiên tiến kiểu mới - lấy đổi mới sáng tạo làm động lực; lấy khoa học cơ bản, chuyển đổi số làm nền tảng; lấy liên thông trong đào tạo - nghiên cứu khoa học - ứng dụng và chia sẻ, phát huy các giá trị nguồn lực chung làm phương thức; và lấy người học làm trung tâm. Hòa Lạc không chỉ là nơi chúng tôi chuyển đến, mà là nơi chúng tôi kiến tạo tương lai đại học Việt Nam. Hiện nay, ĐHQGHN tập trung vào ba định hướng chiến lược cho Khu đô thị đại học: thiết lập hệ sinh thái học thuật - nghiên cứu liên thông, hiện đại và số hóa; phát triển không gian đại học thông minh, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; tạo dựng một cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - nơi sinh viên, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình giải quyết các thách thức thực tiễn của đất nước.
![]() |
Xin Phó Giám đốc chia sẻ rõ hơn về các trụ cột cho đổi mới sáng tạo tại Khu đô thị đại học ĐHQGHN?
Đổi mới sáng tạo tại Khu đô thị ĐHQGHN được triển khai dựa trên bốn trụ cột:
Thứ nhất là hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại, với hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, kho dữ liệu dùng chung, và nền tảng hỗ trợ nghiên cứu trực tuyến.
Thứ hai là chính sách và cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó ĐHQGHN đang xây dựng hệ thống hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, cấp quyền sở hữu trí tuệ, cũng như hợp tác nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Thứ ba là cộng đồng học thuật mở, nơi các nhóm nghiên cứu trẻ, các nhóm sinh viên sáng tạo được hỗ trợ về không gian làm việc, thiết bị, cố vấn, và mạng lưới kết nối.
Thứ tư là mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Innovation Hub), hoạt động như một “bệ phóng ý tưởng” từ giảng đường ra thị trường. Các chương trình như cuộc thi đổi mới sáng tạo sinh viên, vườn ươm công nghệ, tuần lễ khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy tinh thần dấn thân và khởi nghiệp trong cộng đồng người học.
Chúng tôi xem hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không chỉ là một phần của hoạt động đại học, mà là “hệ gene” của mô hình Hòa Lạc. ĐHQGHN đang hướng tới xây dựng khu giáo dục quốc tế tại Hòa Lạc, tạo không gian và điều kiện cho các đại học, doanh nghiệp hợp tác đầu tư xây dựng, thành lập các văn phòng hợp tác và thúc đẩy phát triển hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn.
![]() |
ĐHQGHN tại Hòa Lạc định hướng xây dựng theo mô hình "5 trong 1" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, thưa Phó Giám đốc?
Khu đô thị ĐHQGHN định hướng xây dựng theo mô hình “5 trong 1” gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu. Mô hình “5 trong 1” không đơn thuần là tích hợp năm chức năng đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp - sinh hoạt, mà còn phản ánh cách tiếp cận hệ thống trong việc phát triển đại học hiện đại. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện và yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách, mô hình này tạo ra một không gian giáo dục thống nhất, nơi người học không chỉ thu nhận tri thức mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo giá trị mới.
Đồng thời, sự tích hợp này giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tối ưu hóa vận hành, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, từ đó nâng cao năng suất đổi mới. Quan trọng hơn, nó góp phần hình thành một thế hệ sinh viên toàn diện - vừa có năng lực chuyên môn, tư duy đổi mới, vừa có khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc và công nghệ liên tục biến đổi.
“Thành phố đại học thông minh” là một khái niệm đại học tích hợp sâu công nghệ, quản trị số và phát triển bền vững. Điều làm nên sự khác biệt của ĐHQGHN tại Hòa Lạc là cách tiếp cận toàn diện, không chỉ đầu tư vào hạ tầng số, mà còn xây dựng mô hình vận hành thông minh, môi trường học tập - nghiên cứu tương tác cao và hệ sinh thái học thuật mở. Ví dụ, hệ thống quản lý học tập số hóa giúp cá nhân hóa quá trình học của từng sinh viên. Các lớp học tích hợp công nghệ thực tế ảo, mô phỏng số, cho phép học viên tương tác trong không gian ảo. Ký túc xá, thư viện, giảng đường đều được kết nối, theo dõi và vận hành qua nền tảng điều hành trung tâm.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, gắn với đổi mới quản trị đại học tiên tiến, hình thành môi trường số an toàn, đồng bộ, kết nối xuyên suốt khu vực nội thành và cơ sở mới tại Hòa Lạc. Đặc biệt, ngày 8/3/2023, ĐHQGHN đã ban hành quyết định số 688/QĐ-ĐHQGHN về Khung hạ tầng ICT đô thị đại học thông minh tại Hòa Lạc phiên bản 1.0. ĐHQGHN đã xây dựng Khung hành động với các cấu trúc thành phần bao gồm: Khung cảnh quan đô thị; Khung hoạt động đô thị - kinh tế tri thức - giáo dục đại học và Khung hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) nhằm hướng tới mục tiêu: tổ chức lại không gian tổng thể để thu hút đầu tư theo kinh tế thị trường; kết nối không gian phát triển tổng thể với các hoạt động trong đô thị để kiểm soát quá trình hình thành và vận hành hoạt động của đô thị - không gian kinh tế tri thức - đại học - khu công cộng và nhà ở cho sinh viên và giảng viên; kết nối với các phân khu đô thị, công nghiệp cận kề, kết nối nhanh với Khu đô thị Hòa Lạc của thành phố Hà Nội...).
![]() |
Trong quá trình xây dựng và chuyển dịch tới Hòa Lạc, đâu là những dấu ấn quan trọng mà ĐHQGHN đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại, thưa Phó Giám đốc?
Theo tôi, những dấu ấn quan trọng tại Hòa Lạc thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất là không gian vật lý. Từ một địa điểm chưa được khai thác, đến nay Hòa Lạc đã có hệ thống giảng đường, ký túc xá, thư viện và trung tâm điều hành vận hành đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện đón hàng chục nghìn sinh viên. Đến nay, cơ sở vật chất tại Khu đô thị ĐHQGHN đáp ứng khoảng 10.000 học sinh, sinh viên tới học tập tập trung và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, hướng tới phục vụ 25.000 sinh viên vào năm 2026. Tính đến năm 2025, hầu hết các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo và dịch vụ của ĐHQGHN đã chuyển trụ sở hoặc triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại Hòa Lạc. ĐHQGHN đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để phát triển nguồn lực đầu tư cho ĐHQGHN, đặc biệt là nguồn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc được đa dạng hóa. Năm 2024 và đầu năm 2025, ĐHQGHN đã khởi công công trình Tòa nhà Trung tâm điều hành - Khu Trung tâm ĐHQGHN và công trình Trường ĐH Công nghệ (giai đoạn 1), Trung tâm Thư viện, Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, khu Zone 3.
Hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông, cây xanh, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; hệ thống dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao... tiếp tục được hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.
Thứ hai là không gian học thuật. Hiện đã có hàng loạt chương trình đào tạo tiên tiến, liên ngành, quốc tế được triển khai tại Hòa Lạc. Các trung tâm nghiên cứu liên ngành bắt đầu đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch từ “giảng dạy là trung tâm” sang “nghiên cứu làm nền tảng”. Tiêu biểu, Đề án Giáo dục toàn diện cho sinh viên chính quy năm thứ nhất học tập tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc đã được xây dựng và triển khai bắt đầu từ học kỳ I, năm học 2023-2024. Mục tiêu của đề án là tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng, phương pháp học tập, rèn luyện, trải nghiệm của sinh viên năm thứ nhất thuộc các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN học tập, sinh hoạt tại Hòa Lạc; tạo điều kiện cho sinh viên nhanh chóng thích ứng với môi trường học tập bậc đại học tại một khu đô thị đại học xanh, tiện nghi, quy mô và có đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ, chăm sóc, hỗ trợ sinh viên; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành thương hiệu riêng, lan tỏa sự khác biệt của chất lượng “sản phẩm” đào tạo tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc.
![]() |
Ngày 10/12/2023, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất |
Thứ ba là không gian đổi mới sáng tạo. Việc ĐHQGHN thành lập các đơn vị học thuật, trung tâm nghiên cứu liên ngành đặt trụ sở chính thức tại Hòa Lạc, mở đầu cho quá trình hình thành cụm khoa học công nghệ trọng điểm phía Tây Hà Nội. Để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với việc thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và Chiến lược phát triển ĐHQGHN trong thời gian tới, ĐHQGHN thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo để tập trung nguồn lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư để phát triển các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên. Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo sẽ được sử dụng tổ hợp cơ sở vật chất hiện đại, thông minh và đồng bộ trong Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc là khu Viện nghiên cứu liên ngành với quy mô 22,9 ha. Dự kiến, Khu liên hợp nghiên cứu cao cấp thuộc Dự án World Bank sẽ được triển khai với hơn 100.000m2 sàn, thiết kế đồng bộ hạ tầng xây dựng và hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu cho Công viên này.
Một dấu ấn khác là sự khởi động chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với sinh viên, như các cuộc thi sáng tạo trẻ, mô hình vườn ươm khởi nghiệp, các hội thảo, seminar chuyên đề được tổ chức đều đặn tại Hòa Lạc, cho thấy vai trò lan tỏa của khu đô thị đại học không chỉ trong nội bộ ĐHQGHN mà còn với các trường đại học khác và doanh nghiệp trong vùng. Tại Hòa lạc, mô hình sáng tạo khởi nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, với nhiều ý tưởng sinh viên được vinh danh, kết nối doanh nghiệp và đầu tư thử nghiệm.
Theo Phó Giám đốc, thời điểm nào đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt nhất của ĐHQGHN trong việc hiện thực hóa “Giấc mơ Hòa Lạc”?
Tôi cho rằng năm 2022 là một dấu mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ tầm nhìn chiến lược sang hiện thực vận hành. Đây là thời điểm khối Cơ quan ĐHQGHN tiên phong chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc. Tiếp theo đó, các đơn vị đào tạo đầu tiên chính thức tổ chức giảng dạy và sinh hoạt tại Hòa Lạc, đồng nghĩa với việc “Giấc mơ Hòa Lạc” đã chuyển từ giai đoạn quy hoạch sang giai đoạn kiến tạo thực tiễn.
Song song với đó, hệ thống hạ tầng cơ bản được đưa vào khai thác; các giảng đường, ký túc xá, thư viện và trung tâm điều hành bước đầu vận hành ổn định; các chính sách quản lý học tập, sinh hoạt bắt đầu được tinh chỉnh để phù hợp với mô hình đô thị đại học mới. Đáng chú ý hơn cả, đây là giai đoạn bắt đầu ghi nhận sự chuyển biến tư duy trong cả cán bộ, giảng viên lẫn sinh viên - từ tâm lý “tạm thời” chuyển sang “đồng hành dài hạn” với Hòa Lạc. Đặc biệt, sự đồng thuận và hào hứng của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong quá trình chuyển dịch là minh chứng cho một quá trình chuyển hóa tư duy toàn diện, không chỉ là thay đổi về địa lý.
![]() |
Lễ khởi công tòa nhà Trung tâm điều hành ĐHQGHN tại Hòa Lạc, ngày 24/9/2024 |
Đến nay, sau hơn 3 năm ĐHQGHN chính thức chuyển trụ sở tới Hoà Lạc (19/5/2022), Khu đô thị ĐHQGHN đã và đang từng bước thay đổi diện mạo, cơ bản định hình một khu đô thị đại học xanh - thông minh - hiện đại. Trong năm học 2023-2024, quy mô đào tạo của ĐHQGHN tại Hòa Lạc tiếp tục được mở rộng. ĐHQGHN đã đón thêm hơn 4.000 sinh viên khóa QH.2023 tới học tập tập trung tại Hòa Lạc, nâng quy mô học tập tại đây lên hơn 10.000 học sinh, sinh viên chính quy. ĐHQGHN đã đưa vào khai thác, vận hành một số công trình như: Khu tổ hợp giảng đường HT1, HT2; Khu QG-HN04 với hệ thống đồng bộ gồm giảng đường, khu thể thao, nhà ăn, ký túc xá và cảnh quan; Khu thể thao ngoài trời thuộc Dự án QG-HN07; Khu Ký túc xá D1, D7, D8 và sắp tới là Khu ký túc xá B-C với cụm 05 toà nhà.
ĐHQGHN đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành một đô thị đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, hiện đại về trang thiết bị đã được chính thức đưa vào vận hành, từng bước hoàn thiện, đồng bộ theo mô hình “5 trong 1”, góp phần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới.
Khu đô thị ĐHQGHN sẽ trở thành một chủ thể quan trọng của Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Vậy sự kết nối giữa đào tạo - nghiên cứu - doanh nghiệp - địa phương được thể hiện như thế nào tại Khu đô thị ĐHQGHN, thưa Phó Giám đốc?
Đây là một trong những nguyên tắc phát triển cốt lõi của ĐHQGHN. Khu đô thị ĐHQGHN không phát triển độc lập mà có sự liên thông, gắn kết chặt chẽ với các hệ sinh thái xung quanh.
Với các doanh nghiệp, chúng tôi hợp tác trong đào tạo thực hành, nghiên cứu ứng dụng, cung cấp nhân lực chất lượng cao và đồng tổ chức các chương trình đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc có vai trò vừa là “người đặt hàng” vừa là “đối tác đồng hành” với sinh viên, giảng viên. Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam là không gian mở rộng, kết nối cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, triển lãm, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá của ĐHQGHN.
Với địa phương, chúng tôi cùng phát triển các chương trình giáo dục cộng đồng, chuyển giao tri thức, tổ chức hoạt động tình nguyện, hỗ trợ khởi nghiệp vùng. Mô hình hợp tác đại học - địa phương sẽ làm cho ĐHQGHN tại Hòa Lạc không chỉ là một khu đô thị đại học, mà còn là hạt nhân đổi mới của thành phố vệ tinh Hòa Lạc đã được quy hoạch trở thành trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao.
Chính mối quan hệ “4 nhà” - nhà trường, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý - đang từng bước được hiện thực hóa tại Khu đô thị ĐHQGHN.
![]() |
Khu đô thị ĐHQGHN được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung của nguồn lực tri thức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. ĐHQGHN được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP). ĐHQGHN đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và đổi mới sáng tạo, nhằm thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc và khơi thông các nguồn vốn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN nói riêng, cùng với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đô thị đại học tầm cỡ khu vực tại Hòa Lạc.
ĐHQGHN được giao nhiệm vụ tiên phong về hợp tác công tư (PPP) với các dự án tiện ích, trung tâm tổ chức hội nghị, bệnh viện, trung tâm giao dịch công nghệ, trung tâm thương mại dược liệu, văn hóa nghệ thuật, thể thao… Ngày 09/8/2023, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện quy trình đầu tư dự án theo phương thức đối tác công - tư tại ĐHQGHN. Thông qua văn bản, ĐHQGHN thể hiện rõ tính minh bạch, công khai trong trình tự thực hiện quy trình dự án PPP và mong muốn thúc đẩy hình thức đầu tư này. Hướng dẫn được kỳ vọng giúp cho các đơn vị, cá nhân trong ĐHQGHN tiết kiệm thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật khi tham gia quy trình dự án PPP; thuận tiện cho nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân khác trong việc liên hệ công tác liên quan tới đầu tư dự án PPP tại ĐHQGHN nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Giám đốc!