Chia sẻ tại một buổi làm việc gần đây, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ khẳng định: Điểm xuất phát của một hệ thống khoa học bền vững không chỉ là các phòng thí nghiệm hiện đại hay chính sách đầu tư mạnh mẽ, mà là một môi trường học thuật minh bạch, cởi mở và công bằng - nơi con người là trung tâm của sự phát triển.
![]() |
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN GS.TS Chử Đức Trình |
Môi trường học thuật minh bạch là nền tảng thu hút nhân tài
Theo GS.TS Chử Đức Trình, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng đội ngũ nhân lực nghiên cứu lâu dài chính là kiến tạo môi trường làm việc văn minh, rõ ràng, có tính cạnh tranh lành mạnh và thực sự khuyến khích sáng tạo. “Đó là môi trường mà ở đó các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý đóng góp cho Nhà trường, cho khoa học mà không bị phân tâm bởi các yếu tố hành chính hay cạnh tranh không lành mạnh” - ông nhấn mạnh.
Tại Trường Đại học Công nghệ, sự minh bạch không chỉ nằm ở các quy chế, quy trình hoạt động mà còn thể hiện trong cách Nhà trường ghi nhận, tôn vinh và sử dụng nhân tài. Mỗi giảng viên, nghiên cứu viên đều được tạo điều kiện phát triển theo thế mạnh riêng, đồng thời được tham gia trực tiếp vào các hoạt động quản trị khoa học, tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học – một yếu tố hiếm có ở nhiều đơn vị giáo dục hiện nay.
Chính sinh viên – đặc biệt là sinh viên tài năng – cũng được coi là một phần của hệ sinh thái học thuật này. Họ không chỉ là người học, mà còn là những cá nhân có đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Nhà trường. Từ đó, môi trường học thuật của Trường ĐH Công nghệ được mở rộng và bền vững không ngừng nhờ chính các thế hệ sinh viên, các chủ nhân của tương lai.
Chính sách đãi ngộ xứng đáng: trụ cột của chiến lược nhân lực
Theo Hiệu trưởng Chử Đức Trình, môi trường minh bạch là cần thiết, nhưng chưa đủ. Để giữ chân người tài, điều kiện tiên quyết là đảm bảo về đời sống vật chất một cách thỏa đáng. “Các nhà khoa học không thể toàn tâm toàn ý nếu điều kiện sinh hoạt của họ không được đảm bảo. Chính sách lương, học bổng và các khoản hỗ trợ tài chính là những yếu tố quyết định trong lựa chọn ở lại hay rời đi của một nhà khoa học” - ông thẳng thắn chia sẻ.
![]() |
Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN luôn thu hút được nhiều nguồn nhân lực giỏi về đồng hành và cộng tác |
Với nhận thức đó, thời gian qua, Trường Đại học Công nghệ đã triển khai nhiều chính sách đột phá để thu hút và giữ chân các nhà khoa học, trong đó có tính để cả các học viên cao học và nghiên cứu sinh – những người được xem là lực lượng giảng viên và nhà khoa học tiềm năng của tương lai. Cụ thể, Nhà trường đã thực hiện miễn học phí cho tất cả học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học các chương trình chính quy tại Trường. Bên cạnh đó, mỗi học viên và nghiên cứu sinh còn được hỗ trợ kinh phí hàng tháng để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu tại Hà Nội.
![]() |
Tân thạc sĩ, tiến sĩ Trường ĐH Công nghệ nhận bằng tốt nghiệp |
Không dừng lại ở hỗ trợ tài chính, Trường Đại học Công nghệ còn hướng đến việc đưa học viên cao học và nghiên cứu sinh trở thành một lực lượng nghiên cứu trong hệ thống đội ngũ nghiên cứu của Trường. Thông qua việc tham gia trực tiếp vào các đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp bộ, cấp nhà nước, học viên sau đại học không chỉ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn mà còn tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị ứng dụng cao, đóng góp vào thành tích chung của trường và các nhóm nghiên cứu.
Triển khai nghị quyết 57: tinh thần vượt ra khỏi giới khoa học
Khẳng định vai trò của Nghị quyết 57-NQ/TW, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh rằng: “Nghị quyết 57 không chỉ là một chính sách dành cho giới khoa học. Nó là một trụ cột cho đổi mới tư duy phát triển, bởi nó khuyến khích mọi nhà – từ người nông dân, công nhân đến doanh nghiệp – đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả lao động.”
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày công nghệ, thiết bị, sản phẩm về chip bán dẫn của Trường ĐH Công nghệ nhân dịp tham dự Triển lãm Công nghệ Chip bán dẫn của ĐHQGHN năm 2023 |
Chính tinh thần này đã được Trường Đại học Công nghệ vận dụng linh hoạt và hiệu quả vào các hoạt động cốt lõi của Nhà trường. Trong công tác đào tạo, trường đã điều chỉnh lại các khung chương trình đào tạo, thiết kế lại đề cương môn học theo hướng tăng tính ứng dụng, tích hợp công nghệ và gắn với nhu cầu thực tế. Trong hoạt động quản trị, Trường chủ động xây dựng hệ thống quản trị đại học số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, minh bạch và tiết kiệm nguồn lực.
Đặc biệt, với đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên trẻ, Nghị quyết 57-NQ/TW được xem như là “lá chắn pháp lý” bảo vệ quyền lợi và khuyến khích sự dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu vốn đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết. “Đây là một cú hích lớn để các nhà khoa học trẻ cảm thấy được trân trọng, được đầu tư và có tương lai rõ ràng,” GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh.
Gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu: hình thành văn hóa học thuật bền vững
Hướng tới tương lai, Trường Đại học Công nghệ đặt mục tiêu hình thành một hệ sinh thái gắn kết bền vững giữa đào tạo và nghiên cứu. Theo đó, học viên cao học và nghiên cứu sinh không chỉ được học để lấy bằng mà còn trở thành một lực lượng nòng cốt trong các nhóm nghiên cứu mạnh của nhà trường.
![]() |
Một trong những mô hình đang được triển khai là xây dựng các “phòng thí nghiệm mở”, nơi mà sinh viên, học viên và giảng viên cùng làm việc như những đồng nghiệp khoa học. Từ đó, hình thành nên một văn hóa học thuật chia sẻ, gắn bó và cùng phát triển – điều kiện không thể thiếu để tạo ra những công trình nghiên cứu xuất sắc và những thế hệ giảng viên chất lượng cao cho tương lai.
“Chúng tôi tin rằng, nếu đào tạo và nghiên cứu được kết nối một cách thực chất, thì chính các nghiên cứu sinh hôm nay sẽ là giảng viên nòng cốt, là nhà khoa học chủ chốt của trường và của đất nước trong 5 – 10 năm tới” - GS.TS Chử Đức Trình kỳ vọng.
Với chiến lược rõ ràng, chính sách đột phá và tinh thần cải cách mạnh mẽ, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ đẳng cấp khu vực và quốc tế. Quan trọng hơn, nhà trường đang kiến tạo một không gian học thuật nhân văn, sáng tạo – nơi nhân tài được nuôi dưỡng, phát triển và cống hiến vì tương lai Việt Nam.
>>> Thông tin tuyển sinh đại học, sau đại học của Trường ĐH Công nghệ tại đây:
![]() |