VNU Logo

Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN mở các chương trình đào tạo Thạc sĩ y khoa dành cho học viên quốc tế

Hướng đến mục tiêu phát triển thành trung tâm đào tạo y khoa chất lượng cao và hội nhập quốc tế, Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ y khoa bằng tiếng Anh dành cho học viên quốc tế từ năm 2025. Đây là một trong những bước đi chiến lược nhằm mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế và khẳng định vị thế của Trường trong khu vực và trên thế giới.

Hiện thực hóa chiến lược quốc tế hóa đào tạo sau đại học

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, ĐHQGHN đang thúc đẩy hàng loạt đổi mới sâu rộng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Chiến lược quốc tế hóa đào tạo của ĐHQGHN được xác định là một trong những hướng đi trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Sau một quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng, Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN chính thức triển khai 4 chương trình Thạc sĩ quốc tế đầu tiên, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lộ trình hội nhập và quốc tế hóa đào tạo bậc sau đại học của Nhà trường. Bốn chương trình đào tạo thạc sĩ gồm: Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Điện quang và Y học hạt nhân, được xây dựng theo chuẩn kiểm định quốc tế và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bởi đội ngũ chuyên gia, giảng viên nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Song song với đó, học viên quốc tế còn được tham gia các học phần tiếng Việt cơ bản nhằm hỗ trợ giao tiếp và sinh hoạt tại Việt Nam, cũng như hòa nhập với môi trường văn hóa bản địa trong suốt quá trình học tập.

Đây là bước tiến lớn của Trường ĐH Y Dược sau 5 năm thành lập, không chỉ khẳng định vị thế đào tạo trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Mạng lưới đối tác của Trường gồm 29 bệnh viện tuyến trung ương và Hà Nội sẽ là những cơ sở thực hành uy tín đảm bảo cho chất lượng thực hành lâm sàng.

Phát triển đào tạo y tế chất lượng cao cho khu vực

Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên gửi sinh viên tới học các chương trình đào tạo Thạc sĩ của Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN. Tại Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu học sinh dự thi đại học nhóm ngành y khoa và gần 800.000 trong số đó vượt qua kì sát hạch. Tuy nhiên, năng lực đào tạo của các trường đại học Ấn Độ hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% số lượng sinh viên, học viên đã vượt qua sát hạch. Do đó, một phần không nhỏ các sinh viên Ấn Độ lựa chọn ra nước ngoài để học ngành y. Hiện tại, có hơn 400 sinh viên Ấn Độ đang học đại học tại Cần Thơ và Tp. Hồ Chí Minh. Việc tiếp tục mở rộng thu hút sinh viên quốc tế tới học tập tại Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực y dược, không chỉ mở ra cơ hội hợp tác học thuật đa quốc gia mà còn góp phần xây dựng một môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam, nâng cao uy tín và thương hiệu học thuật của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trường Đại học Y Dược và Công ty Aieraa Overseas (Ấn Độ) ký kết thoả thuận hợp tác (ngày 9/4/2025)

Trong những năm qua, Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN là địa chỉ uy tín, thu hút được sự quan tâm của học sinh, sinh viên và các gia đình. Điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược luôn trong top 3 toàn quốc, tỉ lệ sinh viên ra trường đạt kết quả tốt, 100% học viên tốt nghiệp đúng hạn với trên 90% sinh viên có việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ ngay khi ra trường. Trong chiến lược phát triển, Trường ĐH Y Dược xác định rõ bên cạnh phát triển đồng bộ các chương trình đào tạo và nghiên cứu cũng hết sức chú trọng hợp tác quốc tế, coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực đội ngũ và bổ sung cơ sở vật chất. Với chủ trương đó, cùng đội ngũ giảng viên và mạng lưới các cơ sở thực hành hiện có, Trường ĐH Y Dược hoàn toàn có đủ năng lực chuyên môn để đào tạo cho sinh viên, học viên quốc tế, trong đó có sinh viên, học viên Ấn Độ.

Việc triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho các nước đang phát triển, mà còn khẳng định vai trò của Trường ĐH Y Dược - ĐHQGHN trong việc tiên phong phát triển các chương trình đào tạo quốc tế và hội nhập khu vực. Đồng thời, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực y học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN đang hướng dẫn sinh viên về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tại phòng MRI của Bệnh viện E
PGS.TS Phạm Văn Đếm, Phó Trưởng bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN đang hướng dẫn thực hành cho sinh viên kỹ thuật khám xuất huyết dưới da tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Tính đến thời điểm hiện tại, quy mô đào tạo đại học và sau đại học của Trường ĐH Y Dược là hơn 3.000 sinh viên, học viên với 6 chương trình đào tạo đại học, 10 chương trình đào tạo thạc sĩ với 12 chuyên ngành và 13 chương trình đào tạo bác sĩ nội trú. Cơ cấu tổ chức của Nhà trường ngày càng tinh gọn với quy mô 6 phòng chức năng và trung tâm, 05 Khoa (Khoa Y, Khoa Dược, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Y Dược học cơ sở, Khoa Y tế công cộng), 02 trung tâm trực thuộc (Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trung tâm Y khoa đại học); tổng số cán bộ viên chức, người lao động là 398 người, trong đó có 281 giảng viên, trình độ TS chiếm tỷ lệ 42,8% số cán bộ giảng dạy; số GS và PGS chiếm 27,2%.

Bên cạnh đó, Nhà trường còn có hơn 100 giảng viên thỉnh giảng là các nhà khoa học, bác sĩ điều trị tại các bệnh viện hàng đầu của Việt Nam. Trường ĐH Y Dược có đội ngũ thầy/cô cơ hữu và kiêm nhiệm quản lý là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, hiện đang công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện E… Các trường đại học thành viên trong ĐHQGHN, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng cử cán bộ tham gia công tác giảng dạy và làm lãnh đạo, quản lý tại Trường ĐH Y Dược.


Sinh Vũ