TIN TỨC & SỰ KIỆN
Phiên bản Tiếng Việt 14:47:07 Ngày 24/04/2020 GMT+7
Hội thảo khoa học quốc gia: Nghiên cứu, giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam
Những tác động của dịch bệnh Covid-19 không hề khiến các hoạt động khoa học công nghệ trở nên bớt sôi động. Ngay sau khi thời gian cách ly xã hội kết thúc, hơn 700 nhà khoa học và những người quan tâm đã tham dự vào Hội thảo Quốc gia Nghiên cứu, giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam năm 2020 do Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức ngày 24/4/2020. Hội thảo lần này trở nên vô cùng đặc biệt khi lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, nhưng vẫn thu hút đông đảo người tham gia.

Phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể của Hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN Đỗ Tuấn Minh cho biết công tác chuẩn bị cho Hội thảo đã diễn ra tích cực từ một năm trở lại đây, song, do những tác động không lường trước được của dịch bệnh, Nhà trường quyết định chuyển Hội thảo sang hình thức trực tuyến. Các đơn vị liên quan của Trường Đại học Ngoại ngữ đã hết sức nỗ lực để Hội thảo diễn ra thành công, tốt đẹp. Chính vì vậy, Nhà trường kỳ vọng không gian học thuật ảo này có thể để kết nối tất cả những người tham gia lại với nhau nhằm nâng cao tinh thần nghiên cứu khoa học.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN Đỗ Tuấn Minh

Đánh giá cao hình thức tổ chức trực tuyến của Hội thảo trong việc lan tỏa và thu hút những người quan tâm, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích cho rằng đây sẽ là một cầu nối hiệu quả giữa ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Ông Tích cho rằng chủ đề của chương trình “ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học” vừa thể hiện chiều sâu về chuyên môn, vừa thể hiện tính ứng dụng cao trong việc gắn kết ngoại ngữ và ngôn ngữ với các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam. Ông cũng hy vọng từ Hội thảo này sẽ có nhiều báo cáo được đóng góp xây dựng để tiếp tục phát triển thành các công bố quốc tế.

Trước đó, Ban tổ chức đã nhận được hơn 130 báo cáo có chất lượng của các tác giả từ 20 cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, bao gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa Quốc tế thuộc ĐHQGHN; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sài Gòn; Trường Đại học Đà Lạt và rất nhiều đơn vị khác.

Ba báo cáo tiêu biểu được trình bày tại Phiên toàn thể là các nghiên cứu đến từ các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ngôn ngữ tại Việt Nam. Các báo cáo đã lý giải vấn đề đưa ra theo các chiều cạnh từ thực tiễn đến lý luận, từ đó rút ra những mối liên hệ giữa việc nghiên cứu và ứng dụng trong giảng dạy hiện nay.

Với báo cáo “Tiếp cận như thế nào với Giao tiếp liên văn hóa”, GS. Nguyễn Hòa, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã đánh giá những điểm mạnh và điểm hạn chế của ba đường hướng nghiên cứu giao tiếp liên văn hóa mà các học giả trong lĩnh vực này đang sử dụng là đường hướng khoa học xã hội, đường hướng tường giải, và đường hướng phê phán. Mục đích của nghiên cứu là tìm một cách tiếp cận kết hợp những thế mạnh của ba phương thức này và nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa, ngôn ngữ và ngữ cảnh xã hội.

Trong khi đó, GS. Hoàng Văn Vân, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN nghiên cứu về đặc điểm chuyển tác của một số bài học trong sách giáo khoa khoa học bậc trung học cơ sở ở Việt Nam, qua đó giải thích một phần lí do tại sao ngôn ngữ của sách giáo khoa khoa học ở trường phổ thông thường tạo ra cảm giác “xa lạ” đối với nhiều học sinh, và đưa ra khuyến nghị nên sử dụng từ ngữ theo cách có thể giúp học sinh giải nén được thông tin cô đọng một cách dễ dàng để các em không cảm thấy bị “bỏ rơi” khi học các môn học.

Bàn về một trong các cụm từ nóng nhất hiện nay của lĩnh vực giáo dục là “Đổi mới phương pháp giảng dạy”, PGS Lê Văn Canh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cho rằng sự đổi mới về phương pháp giảng dạy hiện nay chưa có đủ tác động đến người học, chính vì vậy, trong nghiên cứu của mình, ông cho rằng cần thiết phải xây dựng sự gắn kết ý tưởng đổi mới giáo dục với các yếu tố lịch sử và văn hoá bản địa.

Trong khuôn khổ chương trình, còn có 70 báo cáo khác được lựa chọn để trình bày, chia làm 16 tiểu ban song song, diễn ra trong vòng 90 phút. Các báo cáo khoa học có nội dung khá đa dạng và phong phú, tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu giảng dạy ngoại ngữ và tiếng Việt; nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng, diễn ngôn; nghiên cứu so sánh đối chiếu các ngôn ngữ; nghiên cứu dịch thuật; nghiên cứu giáo dục ngôn ngữ, xây dựng chương trình, giáo trình môn học; nghiên cứu về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ngoại ngữ; nghiên cứu về ngôn ngữ - văn hóa, lịch sử - văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa chính trị, kinh tế trong khu vực học và quốc tế học…

 Thùy Trang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ