Buổi tọa đàm với sự tham dự của Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải kiêm Chủ tịch CLB Nhà khoa học ĐHQGHN, Ban điều hành CLB, lãnh đạo văn phòng Ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên trực thuộc ĐHQGHN, các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN cùng diễn giả đặc biệt PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải tin tưởng buổi tọa đàm sẽ là cơ hội để những người làm quản lý tại ĐHQGHN học hỏi lần nhau, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các đại học tư hiện nay Là một trong số ít chuyên gia uy tín nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu về quản trị hài hòa Đông Tây, PGS.TS. Hoàng Văn Hải đã đem đến những kiến thức và kỹ năng quản lý hiện đại, được vận dụng sáng tạo để tương thích với đặc thù môi trường khu vực công của Việt Nam, với một số điểm nhấn: các yếu tố quản trị hiệu quả, chân dung nhà quản lý hiệu quả, KPI của nhà quản lý hiệu quả; cách quản lý hướng vào kết quả thông qua xác lập mục tiêu đúng, tập trung vào các điểm then chốt; cách quản lý bằng điểm mạnh, phát triển và thúc đẩy con người… PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN Các nhóm năng lực lãnh đạo, quản lý thiết yếu trong khu vực công PGS.TS. Hoàng Văn Hải đã khắc họa hình ảnh chân dung của nhà quản lý hiệu quả là sự kết hợp giữa một dũng tướng thời xa xưa, một nhà vật lý đoạt giải Nobel, và người dẫn chương trình truyền hình, có những phẩm chất quản lý chuẩn mực Tâm – Tầm- Tài. Mặc dù vậy ông cũng nhấn mạnh việc đòi hỏi một nhà quản lý luôn xuất sắc là phi nhân tính và người giỏi mọi mặt thực chất lại là một trở ngại. Hai tiêu chí cần thỏa mãn trước khi trở thành nhà quản lý giỏi, đó là phải ở tại một vị trí đủ lâu để thấy những sai lầm họ đã làm và cách thức họ sửa chữa sai lầm là đứng ra gánh vác hay trốn tránh trách nhiệm Trong giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo, quản lý trong khu vực công đang phải đối diện với các thách thức lớn như nhịp độ thay đổi ngày càng tăng, sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ, sự thay đổi trong nhận thức của công chúng và xã hội, nhu cầu và nguyện vọng (của công dân, của công chức) ngày càng cao, tính đa dạng trong lực lượng lao động, và sự thay đổi trong môi trường công tác. Trong số các năng lực cần thiết đối với nhà lãnh đạo-quản lý hiệu quả trong khu vực công, ba nhóm năng lực sau đây đóng vai trò trọng yếu nhất: Thứ nhất, nhóm năng lực tư duy, sáng tạo: Khi tư duy, các kỹ năng nhận thức chuyển thành khả năng trí tuệ để lồng ghép các nhu cầu của cá nhân công chức, các nhóm làm việc với mục tiêu chung của cơ quan, tổ chức.Do đó, nhà lãnh đạo, quản lý phải có tư duy liên ngành, hiểu được mối quan hệ qua lại, tác động ảnh hưởng, cơ chế phối hợp giữa các chức năng, bộ phận, vị trí công tác khác nhau của các cơ quan, tổ chức. Tư duy chiến lược tốt là cơ sở quan trọng trong hành động để đề ra định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời mang lại hiệu quả cho tổ chức. Dự báo là một trong những khả năng đặc biệt quan trọng trong nhóm năng lực này. Nhà lãnh đạo, quản lý phải học tập, rèn luyện khả năng quan sát, phân tích để dự báo chuẩn xác về tiến trình vận động của sự vật, hiện tượng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Nhà lãnh đạo, quản lý phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến mới, nhạy bén với các sự kiện, nhạy cảm với các thông tin để ra quyết định trong các tình huống không rõ ràng. Thứ hai, nhóm năng lực tổ chức: khả năng lập kế hoạch, thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, phân công, trao quyền đối với từng vị trí công việc, thiết lập các hệ thống, quy trình quản lý, giám sát, đánh giá việc thực thi, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, không để trùng, để sót việc. Đây chính là năng lực điều hành, điều phối, gắn kết các cá nhân, đơn vị trong một tổng thể thống nhất của tổ chức, hướng tới mục tiêu chung. Thứ ba, nhóm năng lực khuyến khích, tạo động lực làm việc: khả năng gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng; khả năng thấu hiểu các nhu cầu, nguyện vọng để tạo động cơ thúc đẩy tất cả và từng thành viên nỗ lực hành động; khả năng xây dựng hình ảnh cơ quan công quyền, đội ngũ công chức, công bộc của dân, tạo dựng lòng tin vào uy tín, năng lực của nhà lãnh đạo quản lý để thu hút, quy tụ các lực lượng, các tài năng đóng góp cho cơ quan tổ chức, cho hệ thống công vụ ngay cả trong điều kiện khó khăn về vật chất. Mô hình Bánh xe Hiệu quả Quản lý được giới thiệu tại buổi tọa đàm là phương pháp giúp các nhà lãnh đạo vừa quản lý hiệu quả mà vẫn tận hưởng niềm vui cuộc sống Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực công nhằm thích ứng với cải cách, thay đổi Trong bối cảnh toàn cầu hóa với những thay đổi nhanh chóng, khó lường, nhà lãnh đạo, quản lý cần am hiểu về ảnh hưởng của sự thay đổi và biết cách chỉ đạo, triển khai và hỗ trợ một cách tích cực các chương trình, kế hoạch đổi mới, cải cách trong hệ thống công vụ. Có nhiều loại hình thay đổi trong khu vực công như: Thay đổi chiến lược; kỹ thuật; cơ cấu tổ chức; văn hóa. Bản thân các nhà lãnh đạo-quản lý phải có tư duy đúng đắn về tính tất yếu của thay đổi, luôn cam kết ủng hộ cách nghĩ cách làm mới, lường trước thay đổi để lập kế hoạch ứng phó, cải tiến quy trình công tác, lề lối làm việc, đổi mới văn hóa công vụ. Để thực hiện điều đó, nhà lãnh đạo, quản lý phải hiểu rõ nhu cầu của nhân viên mình để tạo động lực và truyền nhiệt huyết cho họ. Tiền lương không phải là động cơ thúc đẩy duy nhất. Đối với người công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo, quản lý, nhu cầu của họ không chỉ dừng lại ở các nhân tố duy trì như: công tác quản lý tốt; chế độ đãi ngộ và thù lao hợp lý; chính sách, quy chế, quy định công bằng; môi trường công tác tích cực, điều kiện làm việc thoải mái; có mối quan hệ tốt với người khác. Động cơ thúc đẩy thực sự với họ thường bao gồm: có cơ hội thăng tiến; lộ trình đào tạo và phát triển rõ ràng, bình đẳng; được đảm trách các nhiệm vụ thách thức; hài lòng với công việc có ý nghĩa; được trao đầy đủ thẩm quyền; được tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhân cách đạo đức, tác phong, hành vi và giao tiếp của nhà lãnh đạo, quản lý cũng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến động lực làm việc của người công chức. Do vậy, một mặt, các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực sự nêu gương trong việc thực hiện các quy định pháp luật, văn hóa công sở, đi đầu trong thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, họ phải hiểu rõ mô hình tính cách cá nhân và phong cách làm việc của chính bản thân mình; tiếp đó, tìm hiểu về mẫu dạng tính cách những người khác để vận dụng phong cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với môi trường công tác. Tại buổi tọa đàm, diễn giả và các thành viên tham dự cùng đưa ra những bài toán khó, những khuyến nghị và giải pháp hữu ích cho các nhà quản lý trong khu vực công - nơi vốn đang vận hành theo cơ chế quy định của Nhà nước Tọa đàm Quản lý hiệu quả trong khu vực công nằm trong chuỗi Hội thảo khoa học do CLB Nhà khoa học ĐHQGHN hoạt động với mục đích tạo một nơi giao lưu cho các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN có cơ hội được thỏa sức đam mê và cống hiến cho khoa học; Hỗ trợ các thành viên phát triển theo lộ trình cá nhân, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu ĐHQGHN; Gắn kết các nhà khoa học để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh có khả năng triển khai được các đề tài nghiên cứu khoa học lớn trong và ngoài nước; Thúc đẩy công bố quốc tế và thu hút các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước đến hợp tác với ĐHQGHN,… Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN được thành lập năm 2013 với mục đích trở thành vườn ươm, thúc đẩy sự sáng tạo của những tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN. Đây là mô hình có thể thấy rất nhiều tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới với các vườn ươm để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, cũng là nơi khởi sinh các sản phẩm khoa học công nghệ, ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp xuất sắc. Trong 7 năm hoạt động, CLB đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt khoa học trong câu lạc bộ, đồng thời, giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu kinh nghiệm từ các chuyên gia từ các đại học lớn trên thế giới. | |