TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức & Sự kiện 08:18:18 Ngày 27/02/2022 GMT+7
Tình nguyện chống dịch vì tình yêu và tấm lòng với các bệnh nhân nhi
Hầu hết các bệnh nhân Nhi mắc covid -19 đều không có người thân ở bên cạnh vì vậy việc chăm sóc cho các em lại càng khó khăn, vất vả hơn rất nhiều cho đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng. Điều này đã thôi thúc Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Đếm - giảng viên Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Ba lần vào tâm dịch

Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch lớn và đang trong đợt thứ 4. Đáng nói, đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó. Và trong cả 3 đợt dịch này, TS.BS. Phạm Văn Đếm đều luôn có mặt trong đội ngũ y tế tình nguyện chống dịch với vai trò chăm lo và chữa trị cho các bệnh nhân nhỏ tuổi mắc Covid-19.

Bác sĩ Đếm kể lại lần đầu tiên tham gia đội hỗ trợ chống dịch ngay tại bệnh viện Bạch Mai (là nơi anh được Trường giao thường trực giảng dạy lâm sàng). Tại thời điểm đó bệnh viện bị phong toả nhưng vẫn đảm bảo công tác điều trị cho hàng chục bệnh nhi nặng không thể chuyển tuyến hoặc xuất viện. Trong suốt thời gian hơn 1 tháng anh thường xuyên hội chẩn với lãnh đạo Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai và các đồng nghiệp tại bệnh viện, nhằm xây dựng những phương án điều trị cụ thể trong tình huống trường hợp trẻ có thể nặng hơn bất cứ khi nào. Với sự quan tâm tận tình và chăm sóc hỗn hợp, các bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, đảm bảo kết quả và hiệu quả cao.

Lần thứ 2 và cũng là lần chống dịch đặc biệt nhất tại Hải Dương - là tỉnh miền Bắc ghi nhận số ca dương tính bùng phát trên diện rộng tại thời điểm ấy và cũng là quê hương của anh. Thời điểm Tết Tân Sửu 2021 đã cận kề, với tình yêu thương và nhiệt huyết, bác sĩ Đếm với vai trò là giảng viên bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược, bác sĩ công tác tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, được sự động viện khích lệ của GS. Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Nhà trường và lãnh đạo Bộ môn Nhi cũng như khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, anh là bác sĩ đầu tiên của Khoa Nhi, tình nguyện tham gia vào đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ toàn diện cho bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương. Sau hơn 2 tháng, anh đã cùng các đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và dịch bệnh dần được đẩy lùi. Đặc biệt tại đây anh đã tham gia cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện Dã chiến Số 2 Hải Dương điều trị cho gần 100 trẻ em trong đó có trẻ sơ sinh đầu tiên tại Việt Nam mắc Covid-19.

Lần chống dịch gần đây nhất, tháng 8/2021, với sự tín nhiệm của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, bác sĩ Đếm tiếp tục đảm nhiệm vai trò làm Phó đoàn Tình nguyện của Trường Đại học Y Dược cùng 25 thầy cô và sinh viên vào chống dịch tại Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tuy điều kiện tại đây còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn lực song đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp với địa phương điều trị bệnh nhân Covid-19, để lại những hình ảnh tốt đẹp và nhận được nhiều khen ngợi và đánh giá cao của địa phương và người dân.

Theo bác sĩ Đếm: “Điều trị cho bệnh nhân nhi mắc covid-19 rất cần sự chăm sóc và theo dõi đặc biệt sát sao do diễn biến của bệnh thường rất phức tạp liên quan nhiều hệ cơ quan và biểu hiện lâm sàng đôi khi rất kín đáo. Ngoài kiểm tra tình hình sức khỏe của các bệnh nhi, bác sĩ nhi còn cần biết hướng dẫn và phối hợp với các điều dưỡng, cách chăm sóc các cháu nhỏ, quan sát tỉ mỉ và lưu ý những biểu hiện bất thường. Hơn thế nữa để khám được trẻ thuận lợi bác sĩ nhi cũng cần tạo sự thân thiện gần gũi với trẻ để trẻ không có cảm giác sợ hãi khi khám. Hầu hết các bệnh nhi mắc covid -19 đều không có người thân ở bên cạnh vì vậy việc chăm sóc cho các em đòi hỏi đội ngũ y tế lại càng phải có tấm lòng yêu thương trẻ đặc biệt hơn”

Mặc dù số trẻ mắc bệnh Covid-19 ít hơn so với người lớn, nhưng trẻ em bị nhiễm vi-rút dễ lây lan hơn cho những người khác (vì khó thực hiện hành vi cách ly hoàn toàn như người lớn). Hầu hết trẻ em bị Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ em có thể bị bệnh nặng phải nhập viện chăm sóc đặc biệt, thở máy và có nguy cơ tử vong. Đặc biêt đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có bệnh lý nền như hen suyễn hoặc bệnh phổi mãn tính bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch, có thể bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19.

Chọn Nhi khoa vì yêu trẻ

Trước khi về công tác tại Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN, bác sĩ Đếm đã có thời gian gần 10 năm điều trị cho các trẻ em không may mắn bị nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm điều trị trẻ em nhiễm chất độc da cam Dioxin, Làng Hữu Nghị Việt Nam (từ năm 2006 - 2014).

Tại đây, chứng kiến các hoàn cảnh đáng thương của các em nhỏ ngày đêm bị hành hạ bởi các cơn đau và biến chứng từ chất độc da cam Dioxin, bác sĩ Đếm đã quyết tâm theo đuổi và gắn bó với Nhi khoa, nâng cao học thuật, hoàn thành bậc học Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội, với hy vọng sẽ cứu chữa được nhiều hơn cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Song song với việc học, anh còn làm việc và học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài đến từ Đức, Ba Lan, Nhật Bản. Trong thời gian tại đây anh đã điều trị trên 1000 trường hợp trẻ em và các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam Dioxin.

 “Chữa bệnh cho trẻ em đã khó, cho các bệnh nhi bị nhiễm chất độc da cam càng khó hơn nhiều lần” - Bác sĩ Đếm chia sẻ. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và tình yêu dành cho trẻ nhỏ, Anh chưa lúc nào cảm thấy muốn xa rời với ngành học mà mình đã chọn.

Theo bác sĩ Đếm, đặc điểm của điều trị cho bệnh nhân Nhi nhỏ tuổi, trẻ chưa biết nói hoặc đôi khi sợ khi khám bệnh, các biểu hiện lâm sàng của bệnh nặng đôi khi chỉ thông qua việc quấy khóc nên việc chẩn đoán đúng cho bệnh nhi yêu cầu người bác sĩ phải có rất nhiều kinh nghiệm và nhạy cảm lâm sàng. Bên cạnh đó, chăm sóc cho trẻ em cần trang bị nhiều kỹ năng, chơi với trẻ, biết cách dỗ dành, chăm chỉ, kiên nhẫn và đặc biệt là tình yêu với trẻ nhỏ. Đó cũng là bài học mà anh thường truyền dạy cho các sinh viên của mình khi giảng bài trên trường đại học.

Qua nhiều đợt điều trị cho bệnh nhi mắc Covid 19, Bác sĩ Đếm cùng các cộng sự tại Trường Đại học Y Dược cũng đã đồng thời tiến hành điều tra nghiên cứu và số liệu đã được công bố trên tạp chí quốc tế với tiêu đề “Ca lâm sàng sơ sinh Việt Nam mắc biến thể B.1.1.7 chủng SARS-CoV-2: thực hành chăm sóc và điều trị” (The first newborn patient with SARS-CoV-2 variant B.1.1.7 identified in Viet Nam: treatment and care practices). Ngoài ra, bác sĩ Đếm còn cho biết: có mong muốn tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực Nhi khoa cộng đồng, đặc biệt là về phòng bệnh sớm để giảm thiểu, phát hiện sớm các bệnh thận, tiêu hoá, hô hấp và điều trị cá thể hoá cho trẻ em.

 

 Việt Nga - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ