Tham gia tọa đàm có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; về phía ĐHQGHN có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, GS.TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Giám đốc ĐHQGHN cùng đại diện lãnh đạo các ban chức năng, các trường thành viên, khoa trực thuộc, viện nghiên cứu; các giáo sư, Trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN; lãnh đạo phòng tổ chức cán bộ, phòng đào tạo, phòng khoa học công nghệ và đại diện các nhà khoa học đang công tác tại ĐHQGHN. Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về tiêu chuẩn, tiêu chí để xác định CBKH trình độ cao, đầu ngành; Kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong phát triển đội ngũ CBKH đầu ngành; Cơ hội, thách thức từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2035 trong việc phát triển CBKH trình độ cao, đầu ngành; Phát triển đội ngũ CBKH quốc tế. Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Nguyễn Hiệu trình bày báo cáo đề dẫn Trưởng ban Tổ chức Cán bộ PGS.TS Nguyễn Hiệu chia sẻ, tọa đàm nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành của ĐHQGHN; từ đó tạo cơ sở xây dựng chính sách đột phá về thu hút, phát triển và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học lâu dài với ĐHQGHN. Ông cho biết, tính đến tháng 12/2018, tổng số cán bộ khoa học (viết tắt là CBKH) của ĐHQGHN là 2.289 người; trong đó có 1.204 TS, TSKH; 902 ThS; Chức danh khoa học: 75 GS, 366 PGS. Trưởng ban Nguyễn Hiệu nhấn mạnh, để phát triển đội ngũ CBKH, ĐHQGHN có một số thuận lợi: ĐHQGHN có thương hiệu và truyền thống;Sự đồng thuận cao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, sự ủng hộ của công chức viên chức và người lao động trong các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thành viên, trực thuộc; Các đơn vị đều cố gắng tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất cho CBKH trình độ cao, CBKH đầu ngành trên nền tảng tự do học thuật, nghiên cứu và sáng tạo;CBKH được tạo động lực; động cơ luôn gắn liền với công việc, với tổ chức, cam kết tương lai lâu dài; Công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách và “đầu tư vun cao” cho những cá nhân có thành tựu nổi bật. Cùng với đó, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ cũng nêu một số khó khăn khi phát triển đội ngũ CBKH là chính sách, cơ chế về tài chính cho cán bộ nghiên cứu còn thấp chưa tương xứng; chưa có nhiều chính sách đột phá và còn nhiều hạn chế trong việc xếp lương theo ngạch/bậc; hoạt động R&D còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng; Chưa xác định và kế hoạch hoá được nhu cầu nhân lực gắn với quy hoạch ngành/chuyên ngành đào tạo, quy hoạch về mạng lưới KH&CN để thu hút/đào tạo; Chính sách hỗ trợ các CBKH triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án đào tạo, KH&CN còn nhiều bất cập; ngân sách KH&CN hạn chế. ĐHQGHN thời gian gần đây đã thu hút được trên 20 học giả quốc tế ở các trường ĐH uy tín trên thế giới, trong đó 09 học giả đã đến Khoa Quốc tế giảng dạy, NCKH. Trong 10 PTN trọng điểm của ĐHQGHN có 3 PTN có đồng giám đốc là nhà khoa học uy tín nước ngoài. Nhiều nhà khoa học trong nước có uy tín cao đã đến ĐHQGHN tham gia dẫn dắt một số lĩnh vực nghiên cứu/ chương trình đào tạo mới, như: y học, công nghệ nông nghiệp, hàng không vũ trụ, ... Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Nguyễn Hiệu chia sẻ, trong thời gian tới, ĐHQGHN tiếp tục hướng đến các mục tiêu: thu hút, tuyển dụng được cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành; Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; Quản lý và phát triển toàn diện các nguồn lực KH&CN. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các báo cáo: “Thực trạng đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN; Sự cần thiết của việc thu hút và phát triển cán bộ khoa học trình độ cao, đầu đàn, đầu ngành trong giai đoạn hiện nay; Cơ hội và thách thức” của Trưởng ban Tổ chức Cán bộ ĐHQGHN Nguyễn Hiệu; “ Xu hướng thu hút các nhà khoa học của Việt Nam dưới góc nhìn quản lý nhà nước; kinh nghiệm của một số tổ chức Khoa học Công nghệ trong nước và quốc tế” của bà Trần Thị Ngọc Hà - Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ; “Cơ hôi và thách thức thu hút nhà khoa học trẻ trước bối cảnh toàn cầu hóa” của PGS.TS Nguyễn Thế Toàn – Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm về khoa học tính toán đa tỉ lệ phức hợp, Trường ĐHKH Tự nhiên; “Một số chính sách hỗ trợ, thu hút học giả quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam” của TS. Phạm Thế Hoàn, Khoa Quốc tế; “Chính sách phát triển nhà khoa học trình độ cao ở các trường ĐH ở Nhật: kinh nghiệm và giải pháp” của GS. Nashisa Okamoto, chuyên gia JICA, Phát triển Chương trình Chính sách Công, Trường ĐH Việt Nhật; “Tiêu chí, tiêu chuẩn nhà khoa học trình độ cao, đầu ngành” của TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục. |