TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 11:03:05 Ngày 25/09/2019 GMT+7
ĐHQGHN nghiên cứu ứng dụng chia sẻ và tương tác trong lĩnh vực y tế
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, nhằm nâng cao chăm sóc sức khỏe người dân đã có bước phát triển quan trọng trong thời gian gần đây. Điều này đặt nền móng xây dựng nền tảng y tế thông minh trong chính phủ điện tử với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh và quản trị y tế thông minh.

Công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực trong thực hành y khoa

Công nghệ thông tin là yếu tố mang lại rất nhiều lợi ích trong thực hành y khoa, điều này đã được thực tế chứng minh. Trong đó, lợi ích nổi bật nhất là giúp lưu trữ và phân tích số liệu cho nghiên cứu khoa học; hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine); giúp bác sĩ quyết định lâm sàng nhanh chóng và chính xác; giảm thiểu tử vong do sai lầm y khoa...

Nhằm thúc đẩy hợp tác về Ứng dụng CNTT trong Y tế, Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN đã phối hợp cùng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y HN đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xử lý ảnh y tế hướng tới y tế thông minh trong chính phủ điện tử” vào ngày 12 tháng 9 năm 2019. 

Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, PGS.TS Đỗ Năng Toàn chia sẻ tại Hội thảo "Xử lý ảnh y tế hướng tới y tế thông minh trong chính phủ điện tử" do Viện tổ chức ngày 12/9.

Chia sẻ tại hội thảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, PGS.TS Đỗ Năng Toàn cho biết; tầm quan trọng của CNTT chính là bước đột phá của khoa học kỹ thuật, tác động và giúp thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống của con người một cách toàn diện, trong đó có ngành y tế.

Với việc ứng dụng CNTT, các thông tin của bệnh viện đều được tổ chức, sắp xếp một cách khoa học và kiểm soát mọi thứ một cách dễ dàng, tạo cơ sở tốt cho hiệu quả công tác quản lý bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin chưa được quan tâm. Viện CNTT luôn tiên phong trong việc đưa công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, đến thời điểm hiện tại, Viện đã áp dụng phần mềm chia sẻ dữ liệu ảnh Y tế cho gần 40 bệnh viện trong cả nước. Một số kết quả nổi bật khác về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Y tế có thể kể đến nhóm của PGS. TS. Lê Hoàng Sơn với các sản phẩm về Chẩn đoán nha khoa, Giải phẫu bệnh, .. phối hợp cùng nhóm PGS. TS. Võ Trương Như Ngọc và Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y HN trong nhiều năm qua. Đây là minh chứng rõ rệt nhất của việc ứng dụng CNTT trong hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

PGS.TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban KHCN Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS Vũ Văn Tích, ĐHQGHN cho rằng, ĐHQGHN luôn tiên phong áp dụng khoa học dữ liệu trong quản lý đào tạo, tích hợp trong cơ sở đào tạo nghiên cứu hướng tới kết hợp với doanh nghiệp để ứng dụng thực tế các đề án khoa học về CNTT đặc biệt là chương trình nghiên cứu để đưa CNTT áp dụng  trong việc điều trị thông minh y tế.

Công nghệ thông tin giúp tăng cường chức năng quản lý bệnh nhân từ xa

Giới thiệu định hướng phát triển y tế thông minh trong ngành y tế là nội dung được ThS. Phạm Thành Đạt, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y Tế khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng đã được trú trọng tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ bác sỹ đã được thực hiện bởi các nhà khoa học trên thế giới và trong nước. Một vài nghiên cứu về hỗ trợ chẩn đoán sử dụng học máy cũng đã thu được kết quả tốt. Tuy nhiên việc thu thập dữ liệu trong y tế để thực hiện các nghiên cứu là hết sức khó khăn. Đặc biệt là các dữ liệu sử dụng trong học máy để hỗ trợ chẩn đoán bệnh trong y tế nói chung và trong nha khoa nói riêng.

ThS. NCS. Mai Thị Giang Thanh Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y HN cho biết, thực trạng dữ liệu nghiên cứu nha khoa tại các bệnh viện và phòng khám tư nhân tại Việt Nam. Hiện nay, dữ liệu đang dần được số hóa bằng cách xây dựng và áp dụng các phần mềm quản lý bệnh viện như: FPT.eHealth, Smart eHealth, Vital, MedCubes,Telemedicine... Tuy nhiên các phần mềm này chủ yếu là quản lý bệnh nhân trong bệnh viện, chưa số hóa dữ liệu các bệnh lý răng miệng thông thường trong nha khoa.

GS. TS. Sung Wook Baik, Phó Hiệu trưởng, Đại học Sejong, Hàn Quốc chia sẻ về việc ứng dụng Y Tế thông minh sẽ tạo thành một trong những trụ cột chính của Thành phố thông minh. Các bác sĩ có thể chẩn đoán dễ dàng thông qua hình ảnh từ xa với các thiết bị. Do đó, bệnh nhân có thể được khám và điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện địa phương, giảm chi phí đi lại. Đến thời điểm này, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN cũng đã có nhiều giải pháp tư vấn viễn thông giữa các bác sĩ lâm sàng, đặc biệt là trong việc giúp nha sĩ chẩn đoán bệnh nhân thông qua các thiết bị từ xa.

Công nghệ thông tin hỗ trợ bác sĩ nâng cao nghiệp vụ chuyên môn

Các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ vai trò quan trọng của CNTT đối với sự phát triển mạnh mẽ của ngành y tế, do đó đã xây dựng các chương trình quốc gia về công nghệ thông tin y tế nhằm thích nghi với thời đại mới.

Công nghệ số với nhiều đột phá tạo nên cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (cloud computing) và chuỗi khối (Blockchain) đang có tác động lớn đến phạm vi quốc gia, phạm vi toàn cầu. Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành y tế như: yêu cầu về đổi mới công nghệ; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, hiệu quả trong công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cũng như công quản trị, cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân, tổ chức.

Qua những phân tích xu hướng phát triển đó, có thể thấy CNTT sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến ngành y tế theo ba góc độ: Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan trong Bộ Y tế, hướng đến cách thức quản lý công việc trên nền tảng công nghệ số của cuộc CMCN 4.0; Thứ hai, tác động đến trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành y tế: thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thông sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số; Thứ ba, có thể được xem là quan trọng nhất, là cách thức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ: Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế phải đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng CNTT mạnh mẽ. Trong một môi trường mà các tổ chức được định hướng bởi dữ liệu và cách thức làm việc mới thì tương lai của ngành y tế gắn liền với khả năng kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu, điều này đòi hỏi ngành y tế phải thay đổi cách thức làm việc, thay vì làm việc trên giấy tờ theo phương pháp truyền thống phải chuyển đổi sang làm việc trên dữ liệu số; và từng bước hoàn hiện việc kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu số.

Với những thay đổi lớn lao trên, việc xây dựng Đề án phát triển y tế thông minh, chuyển đổi số của ngành y tế, hướng tới y tế thông minh sẽ nhằm thúc đẩy 3 nội dung đó là chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

 Thùy Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ