TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 11:07:02 Ngày 07/07/2020 GMT+7
Đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay
Khác với nhiều ngành học khác, ngành học đào tạo giáo viên luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay - năm 2020, với những thay đổi được quy định tại Luật Giáo dục, hơn bao giờ hết, bức tranh "Đào tạo giáo viên" lại càng sống động và có nhiều nét đột phá.

Chia sẻ về vấn đề đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN bày tỏ: "Năm 2020, cùng với việc tiếp tục áp dụng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí của Chính phủ, sức hút của các ngành Sư phạm cũng được nâng lên." Giáo sư cũng chia sẻ thêm: "Đúng là có tình trạng trong một số năm gần đây, điểm đầu vào các ngành sư phạm không thuộc nhóm cao nhất, nhưng cũng không phải ở mức thấp. Theo quan sát của tôi, điểm chuẩn của các ngành sư phạm khoảng 20 điểm, thậm chí có nhiều ngành lên đến 25-26 điểm. Để trở thành giáo viên, dù thí sinh có điểm thi cao, nhưng không có sự đam mê với nghề dạy, không có tình yêu với trẻ em, không thích làm những công việc "tỉ mẩn" thì cũng rất dễ "bỏ ngang". Chính vì vậy, tuy bối cảnh nghề giáo còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng có những thí sinh vẫn chọn thi và học sư phạm không phải vì "chuột chạy cùng sào", vì nhiều bạn thừa điều kiện đỗ ngành hot của trường đại học danh tiếng khác". 

 

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục. thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục & Phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021

Cùng nội dung về ngành học đào tạo giáo viên, ngày 25/05/2020, báo Giáo dục thời đại lại đưa ra một cách tiếp cận khác: tiếp cận trong bối cảnh "cung - cầu" gặp nhau. Theo các quy định hiện hành, chỉ tiêu các ngành sư phạm do Bộ GD & ĐT phân bổ cho các trường đào tạo giáo viên. Việc phân bổ này dựa trên nhu cầu giáo viên theo từng môn và do các địa phương báo cáo. Đồng thời cũng dựa vào năng lực đào tạo của mỗi trường. "Với cách làm như vậy, trong những năm gần đây, chúng ta thấy có sự phân hoá khá mạnh số lượng chỉ tiêu theo từng ngành. Có những ngành chỉ tiêu được phân bổ rất ít, nhưng cũng có những ngành được giao chỉ tiêu khác nhiều" - GS. Nguyễn Quý Thanh chia sẻ. 

Thông thường, việc đào tạo giáo viên cho những môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Sư phạm Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý - Hoá học - Sinh học trước đây) và Sư phạm Lịch sử - Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử và Địa lý) là những ngành được giao nhiều chỉ tiêu hơn, để đáp ứng nhu cầu giáo viên trong những năm sắp tới, và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi chương trình được thực hiện đầy đủ cho tất cả các bậc học.

 

Năm 2020, Trường Đại học Giáo dục tuyển sinh 15 ngành đào tạo sư phạm và ngoài sư phạm

Bắt nhịp cùng với xu thế hiện nay, năm 2020, Trường Đại học Giáo dục tuyển sinh các chuyên ngành đào tạo mới, trong đó có các ngành: Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Sư phạm Mầm non. Việc đào tạo theo chỉ tiêu được phân bổ của Bộ GD&ĐT sẽ giúp "thị trường lao động giáo viên" và nơi cung ứng nhân lực (các trường đại học) gặp nhau. Như vậy, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hay tổng thể sẽ được hạn chế tối đa. Và cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường sẽ cao hơn; tỉ lệ sinh viên sư phạm phải làm trái ngành cũng sẽ ít hơn. 

Năm 2020 trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN tuyển sinh đại học 15 ngành sư phạm và ngoài sư phạm.

Thông tin chi tiết tại: education.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/1861

 

 Phạm Huyền
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ