TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 15:29:55 Ngày 07/08/2020 GMT+7
Sĩ tử cần biết cách quản lý cảm xúc, chế ngự nỗi lo
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, do ảnh hưởng của dịch covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trở nên quá đặc biệt với nhiều sự bất định nằm ngoài sự kiểm soát, điều này thực sự gây ra những căng thẳng chưa có tiền lệ lên học sinh. Do đó, các sĩ tử cần biết cách quản lý cảm xúc cá nhân, chế ngự nỗi lo để đạt kết quả tốt nhất.

Ngay mai, 8/8/2020 thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Khi kỳ thi quan trọng cận kề, cùng với nỗi lo bài vở thì không ít sĩ tử cảm thấy bồn chồn, thậm chí căng thẳng quá độ khi dịch bệnh Covid-19  có diễn biến phức tạp. Ông có bình luận gì?

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN

Kỳ thi tốt THPT một kỳ thi quan trọng mang tính bước ngoặt của cuộc đời học sinh. Vì tầm quan trọng của cuộc thi lớn, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của học sinh có thể ảnh hưởng đến kết quả dẫn đến sự lo lắng hồi hộp là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng các hình thức giãn cách xã hội, năm học của các em phải thay đổi, hình thức học trực tiếp phải chuyển thành học trực tuyến, kế hoạch ôn thi, thời gian thi cũng vì Covid-19 mà thay đổi theo. Tất cả tạo nên rất nhiều sự bất định làm một số học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng quá độ. Nếu không sớm nhận diện và có cách thức quản lý cảm xúc một cách phù hợp, các bạn có thể không đạt thành tích như ý muốn, không phải vì không có năng lực mà vì các cảm xúc tiêu cực đã hạn chế năng lực của bạn được thể hiện ra trong bài thi.

Tại sao chúng ta lại trở nên lo lắng và căng thẳng quá mức về những thứ ngoài tầm kiểm soát hay bất định như anh nói? Và nó có dẫn đến hệ lụy gì không?

Con người chúng ta về cơ bản luôn có nhu cầu muốn biết thông tin chắc chắn về tương lai để cảm thấy an toàn, từ đó mới có động lực hành động để vươn tới. Bộ não chúng ta tự lập trình để trở lên lo lắng và diễn giải sự việc theo hướng trầm trọng hóa khi đối diện với những thứ bất định, thay đổi quá nhanh hoặc không thể dự đoán được. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nhận được thông tin không chắc chắn căng thẳng hơn rất nhiều so với những người được thông báo. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay quá đặc biệt với nhiều sự bất định nằm ngoài sự kiểm soát. Điều này thực sự đang gây ra những căng thẳng chưa có tiền lệ lên học sinh. Lo lắng quá mức cũng đã khiến một số bạn lựa chọn cách không tham gia kỳ thi nữa mà tìm con đường khác cho tương lai. Stress quá mức cũng có thể khiến một số bạn đến trước giờ thi cảm thấy quá mệt hoặc có các triệu chứng giống như bị bệnh để “không phải thi”. Một số phụ huynh hoặc học sinh khác lại cố gắng đi tìm sự “chắc chắn” ảo bằng các hình thức tâm linh (như xem bói, cúng bái, xoa đầu rùa đá đội bia, mang theo bùa may mắn…) hay các hình thức kiêng khem phi khoa học (như không ăn trứng, không ăn lạc, không ăn thịt bò, thịt lợn, hàng ngày chỉ ăn xôi đỗ).

Trước và trong ngày thi, những lo lắng đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả bài thi thế nào, thưa ông?

 Sự căng thẳng và lo lắng thường tăng lên khi ngày thi đến gần. Lo lắng quá mức ngay trước ngày thi khiến học sinh  mất rất nhiều năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tiếp nhận và ghi nhớ, lưu trữ và tái hiện thông tin. Do đó, sẽ xảy ra hiện tượng là dành nhiều thời gian ôn bài nhưng không ghi nhớ được nhiều. Điều đó  lại làm bạn lo lắng hơn, hoảng loạn hơn và từ đó có thể nảy sinh những suy nghĩ vi phạm quy chế.

Còn trong ngày thi, cảm giác lo lắng nếu không kiểm soát sẽ choán hết tâm trí học sinh. Thay vì dành thời gian và năng lượng để làm bài với những câu dễ trước. Lo lắng làm não bộ bị ức chế, trở nên trơ lỳ, không biết quyết định thế nào nên để thời gian trôi qua một cách lãng phí dẫn đến kết quả thấp hơn khả năng thực của học sinh. Chúng ta hay nói “học tài thi phận”, phận ở đây đối với tôi không phải là sự may mắn mà chính là khả năng kiểm soát tâm lý, kiểm soát cảm xúc của các em.

Vậy làm sao để chế ngự nỗi lo sợ đó?

Điều các thí cần làm bây giờ là hướng về kỳ thi cùng bài thi với sự tự tin. Hãy chú ý đến những hoạt động cho thấy cả xã hội đều quan tâm và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho kỳ thi.  Hãy dành thời gian suy nghĩ về một chiến lược tối ưu bạn sẽ áp dụng khi vào phòng thi. Hãy hình dung mình sẽ ngồi trong phòng thi như thế nào để làm bài thoải mái nhất nhưng vẫn đúng quy chế. Nếu lo lắng vì gặp câu hỏi khó, hãy nhớ lại về những lần trước đây khi bạn giải các bài khó. Tiếp tục kiên trì với những nguyên tắc chiến lược làm bài đã vạch ra.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa thực sự được kiểm soát, trong trường hợp các em có biểu hiện sốt đúng ngày thi và phải thi tại phòng thi dự phòng để cách ly,  các em cần lưu ý gì để ổn định tâm lý trong trường hợp này, thưa ông?

Nếu thí sinh đến địa điểm thi và có biểu hiện sốt phải thi tại phòng thi dự phòng để cách ly thì đó là tình huống bất ngờ gây lo lắng cao độ. Cách tốt nhất là hãy tìm cho mình một số câu tự nhủ tích cực như: “ Không sao, mình vẫn đang kiểm soát được tình hình” hoặc “Đây là việc ngoài ý muốn, kết quả thế nào cũng không sao, miễn là mình đã cố gắng hết sức rồi”.

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

 Khải Minh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ