TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:21:36 Ngày 23/11/2020 GMT+7
VNU - CRES: 35 năm xây dựng và phát triển trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững
Ngày 22/11/2020, Viện tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN (VNU-CRES) đã tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; tư vấn và hoạt động dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; thực hiện hoạt động đào tạo các chuyên ngành liên quan theo quy định pháp luật.

Từ một cơ sở nghiên cứu với hơn 10 người khi mới thành lập vào năm 1985, Viện  đã thực sự lớn mạnh với đội ngũ cán bộ mà phần lớn được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến trên thế giới và đã đóng góp quan trọng trong sự nghiệp Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững của Việt Nam. Viện đã được tin tưởng giao làm Chủ nhiệm, chủ trì nhiều chương trình trọng điểm quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững, nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp ĐHQGHN và cấp tỉnh, cũng như tổ chức và triển khai các dự án, Hội nghị/Hội thảo cấp quốc tế có quy mô lớn.

35 năm một chặng đường phát triển

35 năm qua Viện đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của một đơn vị uy tín hàng đầu quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

Là tổ chức KH&CN triển khai và liên kết các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, tư vấn chính sách và thực thi các chiến lược, kế hoạch hành động và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ĐHQGHN. 35 năm qua, Viện đã được giao Chủ trì 71 nhiệm vụ KH&CN các cấp, 69 dự án hợp tác quốc tế và hàng trăm hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ. Đặc biệt, các nhà khoa học có trình độ cao và uy tín của Viện đã được tín nhiệm giao làm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đã đạt được của Viện Tài nguyên và Môi trường trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ nghiên cứu. Viện đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về môi trường và phát triển bền vững. Viện đã luôn thể hiện được vai trò quan trọng trong việc liên kết các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài ĐHQGHN trong lĩnh vực hoạt động của mình. 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh: Một trong những thế mạnh nổi bật của Viện tài nguyên và môi trường là hoạt động hợp tác quốc tế. 113 dự án hợp tác quốc tế từ năm 1985 đã tạo cho Viện một nguồn lực đáng kể để thực hiện những hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn tin tưởng, trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục là một cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ uy tín, một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tiên phong trong đào tạo, tư vấn và dịch vụ về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững

VNU - CRES là đơn vị tiên phong trong đào tạo, tư vấn và dịch vụ về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vũng; với một đội ngũ cán bộ chất lượng cao và cách tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp. Viện đã đi tiên phong trong nghiên cứu liên ngành, gắn kết khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phục vụ hoạch định chính sách trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đóng góp tri thức và thực tiễn cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Viện trưởng Lưu Thế Anh cho biết, từ rất sớm Viện Tài nguyên và Môi trường đã định hướng hoạt động của một tổ chức/doanh nghiệp KH&CN tự chủ tài chính. Từ năm 2004, được phép của ĐHQGHN, Viện bắt đầu triển khai thí điểm chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành “Môi trường trong pát triển bền vững”, đến năm 2013 đổi thành Môi trường và phát triển bền vững, đây là một bước ngoặt trong hoạt động đào tạo của Viện. Từ đó đến nay, Viện đã tổ chức 11 khóa đào tạo tiến sĩ với tổng số 39 nghiên cứu sinh, trong đó có 22 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng Tiến sĩ, 10 khóa đào tạo thạc sĩ với 208 học viên, trong đó có 192 học viên đã được cấp bằng Thạc sĩ Khoa học Môi trường.

Đến thời điểm này, hơn 800 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Viện đã tạo thành một mạng lưới cộng tác viên rộng khắp trong cả nước, góp phần tạo nên một lực lượng lớn mạnh cho sự nghiệp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cả nước.

Hiện nay, Viện đã triển khai rộng khắp các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, chuyển giao KH&CN cho các bộ, ngành và địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhằm đóng góp tri thức và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Viện luôn chủ động du nhập và đổi mới các cách tiếp cận như tiếp cận liên ngành, tiếp cận sinh thái nhân văn/sinh thái xã hội, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận dựa vào cộng đồng và đồng quan lý vào nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo sau đại học.

Từ những ngày đầu thành lập, GS. Võ Quỹ đã nhận định “lúc mà có nhiều người còn cho rằng nghiên cứu các vấn đề về môi trường ở Việt Nam là phù phiếm, mà thậm chí có người còn lên án những người nghiên cứu, vận động bảo vệ môi trường là cản trở sản xuất”. Dưới sự sáng lập và lãnh đạo của GS. Võ Quý, Viện đã tập trung vào nghiên cứu bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học thông qua cộng đồng và đã triển khai các nghiên cứu về ảnh hưởng của chiến tranh hóa học (chất độc dioxin) lên các hệ sinh thái và người dân ở Việt Nam. Những cố gắng để phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái do chiến tranh và việc khuyến khích bảo tồn, quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng vẫn đang được Viện triển khai thực hiện cho đến ngày nay.

Hiện nay, Viện tiếp tục áp dụng các phương pháp mới và hiện đại vào các hoạt động nghiên cứu như tiếp cận dịch vụ hệ sinh thái như là một công cụ để hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử, eDND trong bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm và có giá trị, ứng dụng công nghệ sinh học và vi sinh vật nội sinh trong kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, nghiên cứu cân bằng dinh dưỡng đất - cây trồng và chế độ phân bón hợp lý trong canh tác nông nghiệp bền vững,...

Song song với các hoạt động nghiên cứu khoa học, VNU - CRES đã thực hiện các tư vấn và tham gia tích cực vào việc xây dựng các chính sách, kế hoạch và văn bản pháp quy cho Việt Nam và nhiều địa phương từ rất sớm như Luật Bảo vệ Môi trường, Kế hoạch Hành động Đa dạng Sinh học Quốc gia, Luật Bảo vệ rừng, Kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, tỉnh Quảng Ninh...

Viện Tài nguyên và Môi trường là đơn vị điển hình về hợp tác phát triển, tập hợp sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.

 

Viện Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Nằm trong chuỗi  hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống của Viện, ngày 21/12/2020 Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia lần thứ IV “Môi trường và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa thiết thực để chào mừng 35 năm truyền thống xây dựng và phát triển của Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia chia sẽ những kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm và cách tiếp cận và kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.

Nội dung của Hội thảo góp phần đánh giá được khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững  như nền kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững, ô nhiễm và sự cố môi trường gia tăng, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái đa dạng sinh học chưa được kiểm soát và ngăn chặn, biến đổi khí hậu và các thiên tai diễn biến phức tạp, ngày một gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ tác động. Kỷ yếu Hội thảo với 55 bài báo có chất lượng cao và 15 báo cáo đã được trình bày trong Phiên toàn thể và 3 tiểu ban chuyên đề đã góp phần lý giải được những khó khăn thách thức về môi trường mà Việt Nam đang phải đối mặt và từ đó đưa ra những định hướng nhằm chuyển đổi từ mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, năng suất thấp và ô nhiễm môi trường sang các mô hình “tăng trưởng xanh”, kinh tế tuần hoàn và phát triển bao trùm nhằm thực hiện các SDG trong Chương trình nghị sự 2030.

 Phạm Hà Minh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ