TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 11:41:10 Ngày 25/11/2020 GMT+7
Biến khó khăn thành cơ hội vàng
Vừa qua, chương trình “Vấn đề và bình luận” của truyền hình VOV đã phát sóng chương trình về thực trạng: dịch Covid-19 khiến một bộ phận học sinh phải từ bỏ việc du học trong năm 2020, chuyển hướng đăng ký vào học tại các trường đại học thuộc top đầu ở Việt Nam. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến công tác tuyển sinh của các trường đại học? GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN - cho rằng đây là cơ hội cho các trường đại học và hệ thống giáo dục Việt Nam chứng tỏ năng lực của mình, hướng đến việc rút ngắn khoảng cách đào tạo so với thế giới.

Theo số liệu của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh học tập tại các quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, người Việt Nam tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho việc học tập tại nước ngoài dưới nhiều hình thức: du học theo diện học bổng chính phủ, trao đổi sinh viên, tự túc... Trong năm nay, do dịch Covid nên nhiều học sinh Việt Nam phải từ bỏ việc du học, thay vào đó, các em chuyển hướng nộp hồ sơ vào nhóm các trường đại học top trên.

Trả lời câu hỏi về công tác tuyển sinh của các trường đại học chịu tác động thế nào khi một bộ phận học sinh không thể đi du học vào dịp Covid 19, GS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng năm nay, dịch bệnh cản trở việc du học của học sinh nên phần lớn các trường đại học, đặc biệt các trường top trên đã nhận được rất nhiều hồ sơ đăng kí xét tuyển thẳng. Một số học sinh sử dụng kết quả mà thường chỉ dùng cho các hồ sơ để du học nước ngoài. Nếu như hàng năm, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tiếp nhận trung bình khoảng 600-700 đăng kí tuyển thẳng thông qua các tiêu chí như học sinh trường chuyên, các giải thưởng quốc gia và quốc tế thì trong năm 2020, số lượng đăng kí đã tăng gấp đôi, lên mức 1.300 nguyện vọng. Cá biệt, số lượng nguyện vọng đăng ký thông qua các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT vào Nhà trường tăng gấp 10 lần so với năm ngoái, đạt ngưỡng hơn 700 nguyện vọng.

Nhiều phụ huynh và học sinh cũng chia sẻ lo lắng rằng việc cạnh tranh các suất vào đại học năm nay vì thực tế khách quan này mà sẽ trở nên căng thẳng hơn. Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nêu quan điểm: về cơ bản, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học trong nước khá lớn, đáp ứng được nhu cầu học tập của các em ở nhiều ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, trong đề án tuyển sinh hàng năm, các trường đại học đều có sự phân định về chỉ tiêu dành cho các dạng thức xét tuyển, từ 15 đến 30% dành cho xét tuyển thẳng, còn lại dành cho việc xét tuyển bằng kết quả của thi trung học phổ thông. Vì vậy, cơ hội của các em vẫn rất rộng mở.

Ở một góc nhìn khác, trong bối cảnh ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi học tập và nghiên cứu thì dịch Covid-19 cũng khiến các trường đại học Việt Nam mất đi một lượng sinh viên quốc tế lớn. Đây cũng là một điều thiệt thòi. Hàng năm, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đón nhận từ 350-400 sinh viên nước ngoài đến học tập, chưa tính hàng trăm lượt sinh viên đến học tập hoặc thực tập ngắn hạn. Tuy nhiên, đến giờ, Nhà trường chưa thể tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học như mọi năm.

Từ góc nhìn hội nhập giáo dục, GS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, các trường đại học Việt Nam thời gian qua đã và đang nhanh chóng bắt nhịp với xu thế giáo dục thế giới. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường đại học càng chứng tỏ sức mạnh nội sinh và sự năng động để thích ứng với việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng quốc tế hoá. Những trường đại học này hoàn toàn có thể tiếp nhận lượng học sinh ưu tú đáng lẽ sẽ đi du học nước ngoài vào học, tạo nguồn đầu vào chất lượng cho đơn vị.“Dịch bệnh Covid-19 là cơ hội rất tốt để các cơ sở giáo dục trong nước chứng tỏ năng lực của mình, chứng tỏ khoảng cách đào tạo giáo dục ở Việt Nam so với quốc tế đã được rút ngắn rất nhiều. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội này để thay đổi nhận thức của phụ huynh và các em học sinh rằng chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng, đào tạo ra những sản phẩm tốt cho đất nước”

Một lần nữa, để kéo gần hơn khoảng cách với các đại học thế giới, vấn để thay đổi tư duy phát triển, đẩy mạnh đầu tư và cải tiến cách thức vận hành công tác đào tạo của các trường đại học Việt Nam lại được đề cập đến với sự hối thúc quyết liệt hơn. Các trường không được thoả mãn với những giá trị truyền thống; mạnh dạn chuyển đổi nhanh hơn nữa để đáp ứng các điều kiện mới. Đây cũng là thời điểm các trường đại học nói chung và hệ thống giáo dục Việt Nam nói riêng cần chứng minh khả năng cạnh tranh sòng phẳng với giáo dục thế giới.

Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận mỗi trường đại học có những khả năng và mức độ thích ứng khác nhau trong quá trình đổi mới và hội nhập. Khối các trường khoa học, công nghệ, tài chính, kinh tế… có lợi thế nhờ dễ dàng chia sẻ, nhập khẩu chương trình, giáo trình… Ở khối ngành xã hội - nhân văn - nghệ thuật, việc chuyển đổi yêu cầu có tính đặc thù hơn, nhưng không có nghĩa là không thể chuyển đổi.

Không nằm ngoài xu hướng trên, trong những năm qua, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã có nhiều đổi mới tích cực: mở các chương trình đào tạo mới, nâng chuẩn đào tạo thông qua đối sánh chương trình và nội dung giảng dạy với các trường quốc tế uy tín, áp dụng công nghệ dạy-học hiện đại, cải tiến các hoạt động bổ trợ học tập (thực tập-thực tế trong và ngoài nước, các câu lạc bộ chuyên môn…) để sinh viên Nhà trường phát triển toàn diện. Hiện nay, Trường có 31 chương trình đào tạo ở bậc cử nhân, từ các ngành khoa học cơ bản (Văn học, Ngôn ngữ học, Sử học, Triết học…) đến các ngành có tính ứng dụng cao (Báo chí, Quan hệ công chúng, Quản trị Lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản lý thông tin…), đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các bạn trẻ yêu thích các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Việc đổi mới đào tạo thể hiện từ việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới theo hướng số hoá, công nghệ hoá cho đến cập nhật nhanh các xu hướng và tri thức khoa học của khu vực, thế giới. Đặc biệt, khi xây dựng và điều chỉnh các CTĐT, Nhà trường đều có sự so sánh và tham khảo CTĐT của các trường đại học tiên tiến (nhóm 200-500 trường hàng đầu thế giới) để đảm bảo tính chuyên môn và xu hướng hội nhập của ngành học. Trong những năm gần đây, trung bình gần 350-450 sinh viên Nhà trường có cơ hội được đi thực tập, thực tế tại nước ngoài thông qua mạng lưới các trường đại học đối tác. Năm học vừa qua, 03 CTĐT chất lượng cao - xã hội hóa của Nhà trường đã nhận được sự quan tâm lớn từ người học. Năm nay, Nhà trường đang tuyển sinh 04 CTĐT CLC là Báo chí, Khoa học Quản lý, Quản lý thông tin, Quốc tế học. Các chương trình CLC sẽ cung cấp cho sinh viên điều kiện học tập hiện đại, hướng tới hội nhập quốc tế, khả năng làm việc tại thị trường lao động khu vực và thế giới.

“Cải tiến, đổi mới chất lượng dạy và học là trách nhiệm và yêu cầu bắt buộc của các trường đại học nhằm bắt kịp xu hướng tri thức của nhân loại. Đây là lúc các trường đại học không chỉ thực hiện sứ mệnh giáo dục mà phải thể hiện sứ mệnh phục vụ quốc gia và trách nhiệm dân tộc: đổi mới để cung cấp môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất cho các em học sinh. Sự chênh lệch về môi trường học tập giữa các trường trong nước và nước ngoài không còn quá lớn, và cần được tiếp tục rút ngắn hơn nữa. Đến nay, nhiều trường đại học trong nước đã chứng minh cho xã hội thấy họ có thể tạo ra các giá trị học thuật chuẩn mực quốc tế, đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế để sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể tiếp tục học tập bậc cao hơn ở môi trường giáo dục quốc tế, hoặc tham gia thị trường lao động khu vực và thế giới” - GS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

 

 Phạm Hà Minh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ